Phân tích sự tích cực và hạn chế

Một phần của tài liệu Học phần cơ sở văn hóa việt nam tên bài tiểu luận sự ảnh hưởng của phật giáo trong xã hội và du lịch việt nam (Trang 26 - 34)

2.1.2.1 Những tích cực của Phật giáo

- Sự hòa nhập của tinh thần từ bi, hỷ xả với tinh thần yêu nước Việt Nam “Đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam là hệ thống giá trị truyền thống yêu nước, cần cù, thương người, vì nghĩa, anh hùng, sáng tạo và lạc quan, trong đó chủ nghĩa yêu nước là giá trị đạo đức tinh thần đứng đầu bảng trong giá trị truyền thống Việt Nam, truyền thống đó được hình thành trong quá trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong bối cảnh lịch sử ấy và những giá trị đặc trưng truyền thống ấy, Phật giáo muốn tồn tại và phát triển được ở Việt Nam tất nhiên phải có sự thích ứng hòa hợp”. Phật giáo với những giá trị xây dựng từ tinh thần đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn đã hòa quyện với tư tưởng yêu nước, nhân nghĩa Việt Nam. Sự hòa nhập của Phật giáo được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đã có rất nhiều vị cao tăng là quốc sư, giúp vua trị nước, an dân thời phong kiến. Thời kỳ đầu của chế độ phong kiến, chùa chiền cũng là nơi đào tạo giới trí thức, dạy dân cách tổ chức đời sống.

- Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong quan hệ ứng xử, giao tiếp

Đạo đức Phật giáo hòa nhập với các giá trị đạo đức của dân tộc trở thành phương tiện diễn đạt quan niệm đạo đức truyền thống của người Việt Nam.

Các thuật ngữ như “từ bi, hỷ xả”, “vô ngã, vị tha”, “cứu nhân độ thế”, “tu nhân tích đức”, “sống nhân từ để phúc cho đời sau”… đã không còn nguyên nghĩa của riêng Phật giáo, mà trở thành một phần trong lẽ sống của người Việt, trở thành ngôn ngữ của đời sống thường ngày. Cách thức giao tiếp, ứng xử của người Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các quan niệm Phật giáo. Nét phổ biến trong quan hệ ứng xử và giao tiếp của Phật giáo là cái thật, cái thiện ở cả thân, khẩu, ý. Trong bát chính đạo của Phật giáo, có chính ngữ (giữ cho lời nói được đúng mực), đó chính là một trong các điều kiện để mỗi con người có những ứng xử phù hợp với mọi người trong xã hội. Về ứng xử, giao tiếp trong gia đình, Phật giáo đề cao sự hòa thuận và trách nhiệm của các bậc cha mẹ, anh em, vợ chồng… đề cao sự hiếu thuận thông qua thực hiện Tứ ân. Điều này được thể hiện rất nhiều trong ca dao, tục ngữ Việt Nam: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ, kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, hay như: “Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng mẹ/Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng cha” đã trở thành đạo lý, lẽ sống của người Việt.

- Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong sự công bằng, bình đẳng

Tư tưởng bình đẳng, công bằng của Phật giáo khi du nhập và phát triển ở Việt Nam đã hòa nhập với tư tưởng, công bằng, bình đẳng của người Việt Nam. Cơ sở của sự ảnh hưởng hòa nhập này dường như bắt nguồn từ tư tưởng bình quân nguyên thủy của nền văn minh làng xã. Phật giáo chủ trương thiết lập quan hệ công bằng, bình đẳng giữa mọi người và cho rằng mọi người đều bình đẳng như nhau, trong mỗi người đều có phật tính; trong quan hệ với người khác, mỗi cá nhân không được cầu lợi cho mình… có ảnh hưởng rất lớn đối với quan niệm sống của người Việt, điển hình như: “Một người vì mọi người, mọi người vì một người”.

Trong giáo lý của nhà Phật, tính trung thực thuộc vào giới “không nói dối” của ngũ giới. Thập thiện bao gồm: thực ở cả “thân, khẩu, ý”. Trung thực ở ý là trung tâm điều chỉnh hành vi theo luật nhân quả, nhân nào quả ấy. Theo đó, sự dối trá sẽ bị nghiệp báo. Thuyết nhân quả, nghiệp báo của Phật giáo gặp gỡ với tín ngưỡng của người Việt Nam đã lan tỏa thành nếp sống, nếp nghĩ “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”… trong nhân dân.

- Ảnh hưởng trong tính thiện, tình nghĩa và tình thương

Tính thiện, tình nghĩa và tình thương mang bản sắc Việt Nam được con người Việt Nam hun đúc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Cái thiện của con người Việt Nam mang tinh thần bình đẳng, vị tha, tôn trọng, yêu thương con người. Phật giáo đã hòa đồng với tư tưởng truyền thống Việt Nam để xây dựng tính thiện, tình nghĩa và tình thương. Đó là, tình “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… Tình thương, tình nghĩa, tính thiện không chỉ thể hiện trong quan hệ với hiện tại mà còn được thể hiện trong quan hệ với quá khứ như: uống nước nhớ nguồn hoặc ăn quả nhớ kẻ trồng cây…

- Ảnh hưởng trong tấm lòng bao dung rộng lớn

Phật giáo đã góp phần cùng với dân tộc Việt Nam trong việc xây dựng tấm lòng bao dung rộng lớn, vô ngã, vị tha. Tinh thần bao dung rộng lớn được thể hiện trước lỗi lầm của con người. Trong cách ứng xử của người Việt thể hiện rất rõ như: “biển cả mênh mông, quay đầu là bờ”, “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”… Tinh thần bao dung còn được thể hiện trong cách ứng xử với kẻ thù khi chúng bại trận, trong chính sách nhân đạo đối với tù binh, hàng binh...

- Ảnh hưởng trong tinh thần tự lực, tự chủ của mỗi người

Phật giáo khẳng định mỗi cá nhân là chủ nhân của chính mình, không phải làm nô lệ của người khác kể cả nô lệ cho đức Phật, hãy “tự đốt đuốc mà đi”. Tư tưởng này của Phật giáo khiến con người được giải phóng khỏi sự trói buộc

của thần quyền, nhờ đó mà được tự do. Chính con người phải tự quyết định số phận và tiền đồ của chính mình. Quan điểm tự lực, tự chủ của Phật giáo đã góp phần xác định thêm cho tinh thần tự lực, tự chủ của mỗi người Việt Nam. 2.1.2.2 Những hạn chế của Phật giáo

Bên cạnh những tác động tích cực, Phật giáo cũng có những tác động tiêu cực không nhỏ tới đời sống của người Việt Nam. Với cách nhìn cuộc đời là bể khổ không bờ bến, thoát khổ bằng tu tâm, dưỡng tính để diệt trừ vô minh đạt giác ngộ, Phật giáo đưa lại quan niệm sống bi quan, yếm thế, coi cuộc đời chỉ là phù hoa, thoảng qua, là sống gửi, thác về. Nhìn cuộc đời một cách bi quan, thụ động nên không ít người Việt dễ chùn bước khi gặp khó khăn, sống buông trôi cho qua ngày, đoạn tháng với niềm tin chỉ lo tu tâm, dưỡng tính là đủ. Khi gặp trắc trở một số người Việt thường nghĩ đến số phận, nghiệp chướng, nhân quả, khiến con người hình thành tính cách bị động, ít chịu vươn lên, hạn chế năng lực đấu tranh xã hội của những con người hiện thực, thậm chí thờ ơ, do dự đối với cái tiêu cực, cái ác đang gây bất bình trong xã hội; không tin tưởng vào hoạt động đấu tranh tích cực cải tạo, chống tiêu cực trong xã hội, mà chờ đợi, tin vào nhân quả tự đến.

Như vậy, từ đánh giá sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đến giá trị truyền thống của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần phải có quan điểm duy vật biện chứng cũng như nhận thức và vận dụng đúng quan điểm của triết học Mác - Lênin về tính hai mặt của tôn giáo. Các nhà kinh điển của chủ ngĩa Mác - Lênin khi bàn về tôn giáo đã đề cập đến vấn đề đạo đức tôn giáo không những phê phán mặt tiêu cực mà còn chỉ ra một số ý nghĩa tích cực của đạo đức tôn giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử khi đó, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin thường xem xét tôn giáo gắn với thực tiễn đấu tranh giai cấp ở châu Âu, phục vụ cho yêu cầu cách mạng của giai cấp vô sản nên

phải bàn nhiều đến mặt tiêu cực của tôn giáo, mà chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu các khía cạnh tích cực của văn hóa, tâm lý, tình cảm, đạo đức tôn giáo.

2.2. Vận dụng trong du lịch

2.2.1 Tài nguyên du lịch

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng du lịch tâm linh rất lớn với hệ thống các đình, đền, chùa, miếu, quán, lăng … dọc theo chiều dài của đất nước, rộng cùng 54 dân tộc anh em và sâu trong bốn ngàn năm lịch sử. Các nhà kinh doanh du lịch cũng đang từng bước khám phá và khai thác các giá trị này với một số các công trình mới có quy mô như khu Bái Đính Tràng An (Ninh Bình), khu Đại Nam Quốc Tự (Bình Dương), công viên Tâm Linh (Đà Nẵng) …

Việt Nam có gần 8.000 lễ hội truyền thống, trong đó có rất nhiều lễ hội lớn mang tầm quốc gia. Cả nước có khoảng 40.000 khu di tích, thắng cảnh, tập trung chủ yếu ở đền, chùa, miếu mạo, tòa thánh, đài, lăng tẩm, phủ, khu tưởng niệm, trong đó hơn 3.000 địa danh được xếp hạng di tích quốc gia. Đi kèm di tích là các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, thể thao như thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân anh dùng dân tộc, danh nhân, báo hiếu, chiêm bái, tụng kinh, thiền, yoga.

2.2.2 Sản phẩm du lịch

Chính kho tàng văn hóa và tín ngưỡng phong phú trên đã tạo hình cho cốt cách và bản sắc của dân tộc Việt Nam, làm nên nét riêng cho du lịch Việt Nam.

Văn hóa và tín ngưỡng là sản phẩm cốt lõi của du lịch tâm linh. Phát triển du lịch tâm linh chính là biến văn hóa thành hàng hóa. Do vậy, những lợi ích của ngành kinh tế này không chỉ về kinh tế mà hơn hết là giá trị tinh thần.

Nắm bắt được nhu cầu của đông đảo người dân, các công ty du lịch lữ hành đã đầu tư vào lĩnh vực du lịch tâm linh. Du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Do đó, việc sử dụng có trách nhiệm và bền vững các giá trị văn hóa và tự nhiên trong phát triển du lịch tâm linh sẽ mang lại cơ hội việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia cũng như toàn nhân loại. Mô hình du lịch này hiện đang rất phát triển tại nhiều nước theo Phật giáo trên thế giới như Nepal, Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Myanmar… Du lịch tâm linh không chỉ đơn thuần là hoạt động hành hương, tôn giáo tín ngưỡng thuần túy mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là cách thức để thế hệ hôm nay bày tỏ sự tưởng nhớ đối với công lao của các bậc tiền bối

Hầu hết các địa phương ở nước ta đều có những điểm du lịch tâm linh như: đền Hùng (Phú Thọ), chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính và nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên-Huế), núi Bà Đen và Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh)… Một trong những tỉnh đi đầu và thành công trong loại hình du lịch này là Ninh Bình nơi có chùa Bái Đính, ở đây, người dân địa phương được chủ động tham gia vào các hoạt động phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch tâm linh: chèo đò, xích lô, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn, tiêu thụ sản vật địa phương, phục vụ ăn uống… mang lại nguồn thu đáng kể.

Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã cho thấy sự quan tâm của Việt Nam trước sự phát triển của loại hình du lịch này. Trong quá trình phát triển du lịch tâm linh phải luôn gắn với phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan

để du khách có thể cảm nhận được nét đẹp văn hóa của con người ở vùng đất đó. Bên cạnh đó, phải có sự tham gia của chính người dân địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị di sản văn hóa của địa phương, tạo sự kết nối để hình thành các tuyến du lịch tâm linh chuyên đề tạo ra những trải nghiệm hết sức ấn tượng cho du khách.

Trải qua hơn ngàn năm gắn bó với dân tộc và lịch sử Việt Nam, Phật giáo đã có cả một thống danh lam thắng cảnh với nhiều ngọn núi và chùa nổi tiếng, nếu tìm chọn 4 ngọn núi lớn ở bốn phía Đông Tây Nam Bắc tạm coi là Tứ Đại Danh Sơn của Phật giáo Việt Nam thì đó có lẽ là:

 Phía Tây: Núi Hương sơn, chùa Hương Tích ở Hà Nội

 Phía Đông: Núi Yên Tử, Quảng Ninh

 Phía Bắc: Núi Tam Đảo, Vĩnh Phúc

 Phía Nam: Núi Bái Đính trong quần thể núi Tràng An, Ninh Bình Những năm qua, ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp to lớn và bền vững từ du lịch tâm linh. Trong quy hoạch phát triển du lịch tổng thể, gồm bốn nội dung: du lịch sinh thái, du lịch thành thị, du lịch biển đảo và du lịch văn hóa - tâm linh – lịch sử, thì dòng thứ tư này có vị trí đặc biệt quan trọng. Năm 2016, ngành du lịch phục vụ 62 triệu du khách nội địa. Riêng du khách đến các địa điểm du lịch tâm linh chiếm tới một phần ba. Giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống là thế mạnh, làm nên sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam. Ngành du lịch cần giới thiệu du khách đến với giá trị đích thực của các di sản văn hóa và tín ngưỡng truyền thống từng vùng miền. Mỗi tour du lịch tâm linh cần đọng lại trong tâm trí du khách, đặc biệt là du khách quốc tế một cách sâu sắc và riêng biệt.

PHẦN 3. KẾT LUẬN

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 2, đến đời Lý (thế kỷ thứ 11) Phật giáo ở vào giai đoạn cực thịnh và được coi là hệ tư tưởng chính thống. Phật giáo được truyền bá rộng rãi trong nhân dân và có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội, để lại nhiều dấu ấn trong lĩnh vực văn hoá, kiến trúc. Nhiều chùa, tháp được xây dựng trong thời kỳ này. Cuối thế kỷ thứ 14, Phật giáo phần nào bị lu mờ, nhưng những tư tưởng của Phật giáo còn ảnh hưởng lâu dài trong đời sống xã hội và sinh hoạt của Việt Nam. Hiện nay, số người theo đạo Phật và chịu ảnh hưởng của đạo Phật khoảng trên 70% số dân cả nước. Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, xã hội, con người mà Phật giáo cũng ảnh hưởng đến ngành du lịch của Việt Nam. Ngành du lịch Việt Nam nhờ có sự đóng góp từ du lịch tâm linh mà phát triển mạnh mẽ và cũng là sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sách Cơ sở văn hóa Việt Nam của P.GS,VS Trần Ngọc Thêm, NXB Giáo Dục (1999)

2. Ngô Đức Thịnh (cb) 2012: Tín ngưỡng & Văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, NXB Trẻ.

3. Trang web https://dangcongsan.vn/ 4. Trang web https://luatminhkhue.vn/ 5. Trang web https://tcnn.vn/

6. Trang web http://ftf.saodo.edu.vn/ 7. Trang web https://vi.wikipedia.org/wiki/

Một phần của tài liệu Học phần cơ sở văn hóa việt nam tên bài tiểu luận sự ảnh hưởng của phật giáo trong xã hội và du lịch việt nam (Trang 26 - 34)