Sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn tuy nhiên bên cạnh đó hội nhập quốc tế vẫn còn tồn tại những hạn chế: - Trong một số lĩnh vực quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế vào những thời điểm cụ thể, sự đổi mới tư duy còn chậm, chưa đáp ứng được tốt nhất yêu cầu phát triển trong nước và phù hợp với những chuyển biến của tình hình thế giới.
- Hội nhập quốc tế còn thụ động, hiệu quả chưa cao; chưa khai thác và phát huy hiệu quả lợi ích đan xen, ổn định, bền vững đối với các nước lớn và các đối tác quan trọng.
- Việc xử lý mối quan hệ đối tác, đối tượng rất khó khăn vì liên quan đến quan hệ quốc tế và lợi ích tổng thể quốc gia – dân tộc, cho nên trong một số trường hợp sự giải quyết vẫn chưa thực sự tốt.
- Chưa có sự giải quyết đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế tác động tiêu cực trong quá trình mở rộng giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thông tin, văn hóa, tư tưởng và chính trị.
- Công tác nghiên cứu cơ bản, dự báo chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế còn hạn chế. Có lúc còn lúng túng và bị động trước những ý đồ và hành động của một số nước lớn, nắm bắt và xử lý chưa hiệu quả trong quan hệ với một số nước láng giềng
- Công tác thông tin đối ngoại còn hạn chế, dự báo và xử lý một số vấn đề, diễn biến trên thế giới và trong khu vực còn chậm, thiếu chủ động, thống nhất và hiệu quả còn hạn chế, bỏ lỡ nhiều cơ hội.Việc triển khai thực hiệc các chủ trương, nghị quyết về hội nhập quốc tế và thực hiện các thỏa thuận quốc tế chưa đầy đủ, hiệu quả chưa cao.
- Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội cũng đã chỉ ra những hạn chế của công cuộc hội nhập quốc tế của nước ta:
+ Hội nhập quốc tế đã làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản. Tăng trưởng thời gian qua phần nhiều dựa vào các yếu tố như tín dụng, lao động rẻ mà thiếu sự đóng góp đáng kể của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức, công nghệ.
+ Một số địa phương lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Vẫn tồn tại khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
+ Công tác thông tin truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế, chưa tận dụng được hết các cơ hội do hiệp định FTA mang lại.
- Ngoài ra còn sự phân hóa giàu nghèo và bất công xã hội cũng gia tăng, áp lực gia tăng dân số còn khá lớn và gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Qua đó ta có thể thấy được rằng công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế vẫn chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp trong hoạt động đối ngoại.
* Những thách thức đặt ra đối với nước ta trong công cuộc đổi mới
Mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ đưa lại những lợi ích mà còn đặt nước ta trước nhiều thử thách. Nếu chúng ta không có biện pháp ứng phó tốt thì sự thua thông minh, chính sách không khéo thì sẽ hạn chế được thua thiệt, dành được lợi ích nhiều hơn cho đất nước.
- Về kinh tế:
Việt Nam là một nước có nền kinh tế đang phát triển, mặc dù đã có những bước tiến quan trọng về tăng trưởng nền kinh tế song chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của các sản phẩm, các doanh nghiệp và của nền kinh tế còn thấp. Kinh tế Việt Nam phát triển chưa ổn định, bền vững. Nợ công, thâm hụt ngân sách nhà nước cao, kéo dài. Doanh nghiệp trong nước 95-96% là doanh nghiệp nhỏ, trình độ công nghệ thấp. Nền kinh tế cơ bản còn phát triển theo chiều rộng, dựa vào vốn đầu tư, tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông, chuyển dịch sang phát triển theo chiều sâu dựa trên khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao còn chậm. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp, chuyển biến chậm Thể chế kinh tế nước ta đang còn quá phức tạp và rườm rà khiến các nhà.
đầu tư e ngại khi đầu tư vào Việt Nam.
Hội nhập quốc tế, kinh tế Việt Nam đứng trước thách thức sẽ chịu tác động trực tiếp, nhanh chóng từ những biến động kinh tế từ bên ngoài, từ những biến động trên thị trường trên khu vực, thế giới về giá cả, lãi suất, tỷ giá của các đồng tiền, nhất là những đồng tiền có ảnh hưởng lớn; từ những thay đổi của các luồng hàng hóa, tài chính, đầu tư quốc tế và nghiêm trọng hơn là chịu sự tác động, ảnh hưởng rất nhanh của các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính khu vực và trên thế giới.
Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ đặt doanh nghiệp Việt Nam, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trước thách thức phải cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp, các sản phẩm hàng hóa của nước ngoài không chỉ ở thị trường nước ngoài mà ngay cả ở thị trường trong nước của Việt Nam; trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phổ biến là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính hạn chế, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn, công nghệ
cao, tiềm lực tài chính hùng hậu, có những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Một thách thức nữa đặt ra cho Việt Nam đó là trình độ khoa học - công nghệ rất cao, rất mới, diễn ra trên diện rất rộng, hầu như tất cả các lĩnh vực kinh tế, phạm vi tác động rất lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để nắm bắt được cơ hội, đòi hỏi phải đáp ứng được đồng thời tất cả các yêu cầu đặt ra, đòi hỏi đất nước cũng phải có trình độ phát triển cao về khoa học - công nghệ, có nguồn nhân lực chất lượng cao, từ cán bộ nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ, thiết kế sản phẩm đến những người trực tiếp sản xuất; đòi hỏi cả những thay đổi tâm lý, nếp sống của các tầng lớp xã hội, thay đổi tổ chức, quản lý của hệ thống chính quyền các cấp, các ngành.
Ngoài ra, trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhiệm vụ phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề về nhận thức, cơ chế, chính sách, … Về cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nước ta còn nhiều khó khăn về nhãn hiệu thương mại, bản quyền tác giả, bảo vệ thiết kế công nghiệp và người dân chưa có thói quen tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ.
- Về chính trị:
Nước ta trong tiến trình hội nhập cũng đang phải đối diện trước thách thức của một số nguy cơ đe dọa độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, sự lựa chọn định hướng chính trị, vai trò của nhà nước,… Đã xuất hiện những mưu đồ lấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước để hạ thấp chủ quyền quốc gia; lấy một thị trường không biên giới để phủ nhận tính bất khả xâm phạm của toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; lấy các thiết chế quốc tế làm mô hình siêu nhà nước đứng trên các nhà nước quốc gia, áp đặt các giá trị dân chủ và nhân quyền phương Tây trong quan hệ quốc tế, đưa ra thuyết như “ nhân quyền cao hơn chủ quyền”,… Bên cạnh đó hội nhập quốc tế cũng làm bộc lộ nhiều bất cập của nền hành chính quốc gia. Khi gia nhập WTO nền hành chính quốc gia chắc chắn sẽ phải có sự thay đổi công khai hơn, minh bạch và hiệu quả hơn bởi một trong những nguyên tắc chủ đạo của WTO là minh bạch hóa. Đó phải là nền hành chính vì quyền lợi chính đáng của mọi người dân, trong đó lấy người dân làm trọng tâm phục vụ, khắc phục mọi biểu hiện trì trệ, thờ ơ vô trách nhiệm, nếu không tạo lập được một nền hành chính như thế không những không tận dụng được các cơ hội của việc hội nhập WTO mà còn không chống được việc lãng phí nguồn lực,…
- Về văn hóa – xã hội
+ Văn hóa: hội nhập quốc tế mở rộng giao lưu trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay bên cạnh những mặt tốt thì những cái xấu cũng du nhập vào; đặt nước ta trước nguy cơ bị các giá trị ngoại lai (trong đó có lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền), nhất là các giá trị văn hoá phương Tây xâm nhập ồ ạt, làm tổn hại bản
sắc văn hoá dân tộc. Điều này đòi hỏi các cấp lãnh đạo, quản lý và mọi người dân phải nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
+ Xã hội: quá trình hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa đã đặt ra một thách thức nan giải đối với nước ta trong việc thực hiện chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội bởi lợi ích của toàn cầu hóa được phân phối không đều, những nước có nền kinh tế phát triển thấp được hưởng lợi ít hơn. Trong phạm vi một quốc gia cũng vậy, một bộ phận dân cư được hưởng lợi ích ít hơn, thậm chí còn bị tác động tiêu cực của toàn cầu hóa; nguy cơ thất nghiệp và sự phân hóa giàu nghèo sẽ tăng lên một cách mạnh mẽ. Nước ta còn chịu sự hạn chế về sức cạnh tranh lớn của hàng hóa, sự chưa phù hợp của nhiều chính sách… Trong tình hình đó, cơ cấu xã hội có thể biến động phức tạp và khó lường, làm cho sự phân tầng, phân hóa xã hội trở thành yếu tố tiêu cực đối với bản thân sự phát triển của đất nước.
- Về lĩnh vực an ninh: quá trình hội nhập đã đăt ra những vấn đề mới về bảo vệ an ninh quốc gia, các nguy cơ đe dọa an ninh ngày càng phức tạp hơn, bên cạnh các hiểm họa mang tính truyền thống đã xuất hiện các nguy cơ phi truyền thống( an ninh môi trường, dịch bệnh, khủng bố,…); cục diện an ninh luôn thay đổi; công cụ và biện pháp, cơ chế đảm bảo an ninh tất yếu cần phải đổi mới thường xuyên. Nhiệm vụ vừa cơ bản vừa cấp bách hiện nay của nước ta đó là việc gắn an ninh, quốc phòng với kinh tế và với đối ngoại bởi hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa tính tùy thuộc giữa các nước sẽ tăng lên và sự biến động thị trường cũng như tình hình chính trị khu vực và trên thế giới sẽ tác động mạnh đến thị trường và đời sống chính trị trong nước.
Vì vậy đòi hỏi chúng ta phải có những chính sách đúng đắn để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực trước những biến động trên thị trường thế giới, giữ vững an ninh kinh tế và ổn định chính trị xã hội.