Về không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn hoàng khánh duy (Trang 109 - 114)

6. Cấu trúc của luận văn

3.3.1. Về không gian nghệ thuật

Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, mô hình nghệ thuật về thế giới mà con người đang sống, đang cảm thấy vị trí, số phận của mình ở trong đó. Thế giới ấy độc lập và mang tính chủ quan của cái nhìn, tâm hồn nhà văn. Nó có tác dụng mô hình hoá các mối liên hệ của bức tranh thế giới như: Thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự... “Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng mà còn cho thấy các quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách

quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hiện tượng nghệ thuật” [14, tr.134].

Điểm dễ dàng nhận thấy nhất về không gian trong thế giới truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy là bức tranh thiên nhiên mang đặc trưng miền Tây Nam bộ và luôn gắn liền với không gian sinh tồn của con người nơi đây.Qua việc khảo sát các tác phẩm của Hoàng Khánh Duy, nhất là trong các tập truyện ngắn Triền sông con nước vơi đầy, Hoàng hôn màu đỏ, Cỏ dại

Đời sông như đời người trên sông, chúng tôi nhận thấy những hình ảnh không gian tiêu biểu được lặp đi lặp lại với tỉ lệ khá phổ biến là hình ảnh gió, cánh đồng và dòng sông. Những hình ảnh này được trở đi trở lại trong trang viết của Hoàng Khánh Duy với mật độ dày đến mức có thể trở thành ba biểu tượng nổi bật gợi mở nhiều điều thú vị. Đó là những hình ảnh quen thuộc của mảnh đất vùng quê nhiệt đới miền Tây Nam bộ - là thiên nhiên đặc trưng của vùng miệt thứ. Trong truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy, nó không chỉ là chất liệu phản ánh những tâm tư, tình cảm con người, trở thành những biểu tượng, dấu hiệu báo trước cho những suy tư, hành động nhân vật.

Trước tiên, chúng tôi đi vào khảo sát và tìm hiểu giá trị thẩm mỹ của hình tượng gió trong các thiên truyện của Hoàng Khánh Duy. Gió xuất hiện khá nhiều trong các tập truyện ngắn, kể cả tập tản văn Cho ta đôi cánh trắng. Hình ảnh những cơn gió xuất hiện hầu hết trong các thiên truyện, hiển hiện trong cuộc sống, sinh hoạt của những người dân miền Tây trong thế giới truyện ngắn của anh.Dường như Hoàng Khánh Duy đã cố tình đã thổi vào trong những ngọn gió ở vùng miệt vườn những tâm trạng rất riêng, rất sâu kín của đời người mà không gì tả nổi. Nó không chỉ chuyển tải tâm trạng mà còn chứng kiến những khổ đau, vui buồn của các nhân vật, khiến cho đời sống của họ thêm phong phú, hấp dẫn và đậm chất văn hoá Nam bộ. Đầu tiên, nó là những hình ảnh tả thực: “Gió hiu hiu se lạnh” (truyện ngắn Bến nhớ),“Gió thổi phù phù. Gió giật hiu hút”(truyện ngắn Mùa sa kê rụng lá),“Lụi hụi rồi

gió lại đổi mùa” (truyện ngắn Cỏ)…

Vùng đất miệt thứ, gió mưa triền miên, gắn bó với không gian sinh tồn của người lao động. Người ta lấy gió làm mốc dấu để tính thời gian: “Tháng Giêng, giồng cải bên sông lại trổ hoa. Mùa gió chướng ven sông lành lạnh làm lay động vạt hoa cải trên bờ” (truyện ngắn Lạc nhau giữa dòng), “Mùa nầy (mùa gió chướng), bắt đầu con nước rông, cá đước nhón cái rễ...”(truyện ngắn Những mùa trăng bên sông), “gió tháng ba mang hương cà hương bắp, gió tháng sáu mang từ trong xóm quê mùi rạ tươi thơm, mùi rơm ròn đượm. Gió tháng chạp bát ngát hương nếp mới”(truyện ngắn Chiều cuối năm)... Không những thế, ngọn gió nói hộ biết bao tâm sự, tâm trạng sâu lắng, mơ hồ của con người. Gió trong truyện ngắn của anh rất ít khi là những trận cuồng phong, bão táp mà thường là những cơn gió hiu hiu, thảng thốt, mang bao nhiêu nỗi nhọc nhằn, ưu tư. Nghe gió trở ngược mang đến cho “tôi cảm giác như mình sắp mất đi cái gì đó không rõ ràng” (truyện ngắn Những mùa trăng bên sông),mang đến cho người mẹ tâm trạng nặng trĩu lo âu, lo nỗi nghèo túng, sợ một tương lai trước mắt không được như ý.

Hình tượng nổi bật thứ hai - cũng trở thành biểu tượng trong sáng tác của Hoàng Khánh Duy chính là dòng sông, những khúc sông quê hương lúc hiền hoà, lúc giận dỗi. Xét về địa văn hoá, khu vực miệt thứ miền Tây Nam bộ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, con người nơi đây sống dựa vào sông nên hình ảnh sông cứ trở đi trở lại trong tâm thức của Duy tạo nguồn cảm hứng cho sáng tác của anh. Hình tượng con sông đã góp phần làm nên đặc trưng trong các thiên truyện ngắn dễ thương và sâu sắc của nhà văn trẻ này. Bắt đầu từ con sông, từ những cái nhỏ bé, đời thường tưởng chừng như ai cũng biết mà khái quát nó lên, chuyển tải lòng mình vào, đó chính là giá trị của nghệ thuật, thành công của Hoàng Khánh Duy.

Với anh, “bờ bãi và dòng sông, cách nhau có một bước chân mà trong đoạn đời nào đó người ta ngỡ như cách xa vời vợi” (truyện ngắn Lạc nhau

giữa dòng). Dòng sông đã vun đắp cho cuộc sống sinh hoạt, san sẻ và tưới mát cho tâm hồn con người. Dòng sông cũng mang tâm hồn yêu thương, thù ghét với con người, với mảnh đất mà nó bồi đắp: “Người trong làng ghẻ lạnh Hân từ khi Hân theo Lư qua sông bằng những con thuyền hoa phủ đầy xác pháo... Ba mẹ Hân ngày trước cũng cùng một làng cùng uống nước sông Thu... mà nên vợ nên chồng”[15, tr.06]. Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy đã dựng lên cảnh sông nước vừa khơi gợi một không gian đặc trưng riêng có của miền Tây Nam bộ vừa để gợi tả tình người, phong cách người miệt thứ. Dòng sông không có kích thước, chiều dài, chiều rộng mà trong truyện ngắn của anh hiện lên phảng phất tâm trạng con người. Trên những dòng sông, những bến đò, những nhịp cầu còn là sự gắn bó máu thịt với tình cảm con người, nối liền giữa kí ức và hiện tại. Đúng như trong lời đề từ của truyện ngắn Cánh đồng mùa nước nổi, anh đã trải lòng tâm sự:“Cánh đồng, bờ đê và những con sông uốn khúc chảy dài và từng màu nước nổi luôn thêu dệt trong tôi kí ức buồn vui về những ngày lênh đênh phiêu bạt” [21, tr.5]. Quả vậy, đó cũng là ý tứ và hình ảnh xuyên suốt tập truyện Đời sông như đời người trên sông. Trong thiên truyện Mưa chiều châu thổ - một trong những thiên truyện hấp dẫn và có giá trị, Hoàng Khánh Duy đã suy tư về hình ảnh con sông gắn liền với “chiếc xuồng gồng mình chở người qua sông, chiếc xuồng lim dim trên bến quê, cần cù, chung thuỷ. Và rồi xuồng trôi đi trong đêm nước lũ cuộn trào. Tôi lặng người nghĩ về cuộc đời, về những nổi chìm trên dòng sông định mệnh...” [21, tr.25].

Đặc biệt trong 03 tập truyện ngắn xuất sắc Triền sông con nước vơi đầy, Hoàng hôn màu đỏ, Đời sông như đời người trên sông, tác giả dùng hình ảnh sông nước hoặc liên quan đến sông nước để đặt tên cho tác phẩm của mình như: Lạc nhau giữa dòng, Những mùa trăng bên sông, Ngọn khói sông quê, Ngược nước, Chừng nào sông cạn đá mòn?, Một người Bến Hạ, Mùa trái cây Sông Hậu, Chuyến đò sông Trẹm, Dòng sông Bao Dung...,đủ

thấy tác giả gắn bó mật thiết với những con sông quê như thế nào.Trong truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy,nếu biểu tượng gió diễn tả tâm trạng sâu kín, nín nhịn của con người thì biểu tượng sông với chiều kích mênh mang lại là hình ảnh của phẩm chất, đặc trưng sức sống con người Nam bộ. Họ soi mình vào sông, ngâm mình, hoà mình để tìm thấy cho mình sự bình ổn, để tìm lại cho mình sức sống mang đậm chất phù sa, châu thổ, để không thất vọng, luôn tìm cách đứng lên, gạt nước mắt đi tiếp trên những chặng đường đầy chông gai phía trước.

Cũng như hình ảnh gió, dòng sông, trong thế giới không gian truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy, hình ảnh những cánh đồng cũng đã xuất hiện nhiều, đặc biệt là những sáng tác về nông thôn miền Tây quê anh. Cánh đồng không chỉ là không gian hiện hữu đặc trưng mà còn là nơi gắn bó, đi liền với nhiều sinh hoạt, niềm vui nỗi buồn và cuộc sống của nhân vật.

Đó là cánh đồng xanh ngát mây trời gắn liền với bao kí ức và hoài niệm. Nó là nơi gắn liền với cuộc sống tuổi thơ mà Lam đã từng trải và luôn ôm ấp được quay trở về: “Cánh đồng nằm trơ trọi bên bờ đê. Mùi khói đốt rơm thơm nồng, từng cụm trắng êm ả tan vào không gian gợi về một miền ký ức mù khơi, xa ngái. Lam dắt tay con bước đi, bé Nụ đội cái nón vải rộng vành đi lúp xúp bên Lam nom như cây nấm giữa đồng. Bóng Lam trải dài trên đê, liêu xiêu tỏng bóng chiều...” [15, tr.55]. Đó là cánh đồng của ngày mùa gặt hái, mùa dưa chín gắn liền với nỗi đau mất mát, ly tán. Sau bao khổ đau, hình ảnh cánh đồng ẩn hiện trong từng thời đoạn, từng quãng đời của Vĩnh để mang lại cho anh khát vọng về một mái ấm gia đình: “Đồng khuya thinh vắng, tiếng cuốc kêu, tiếng gió xô những chiếc lá va vào nhau xào xạc... Vĩnh tỉnh dậy thấy mình nằm trên cỏ, sương với đất trộn lẫn vào nhau tạo thành một thứ bùn đặc sệt...” [17, tr.134]. Đó là cánh đồng trắng xoá mênh mông của vùng Tháp Mười trong mùa nước nổi:“Tháng bảy, con nước lớn từ thượng nguồn Mê Kông đổ về đồng bằng. Những cánh đồng phủ lên mình biển nước mênh

mông, bốn bề trơ trọi. Mấy ngọn điên điển gắng gượng nhô lên tìm chút hi vọng cuối cùng, kịp dâng hiến cho đời sắc vàng rực rỡ... Nước ngập khiến tôi không phân biệt được đâu là bãi bờ, đâu là dòng sông, đâu là cánh đồng, nương dâu, bãi mía”[21,tr.12]. Đó là những cánh đồng nứt nẻ,khô cạn, bị bỏ hoang: “Nửa đêm nghe mưa, ông choàng dậy, ra đứng chái sau, ngó về phía đồng đất tối mịt. Ngoài ấy, đất bắt đầu mềm lại, từng thớ vỡ ra, tràn xuống chỗ nẻ...”[18, tr.6]. Và đó không còn là cánh đồng thiên nhiên mà còn là cánh đồng cuộc đời, là không gian để cho các nhân vật được bộc lộ. Những cánh đồng nhà văn khảo tả một cách chi tiết tỉ mỉ ở đây, chúng tôi có thể khái quát thành các phương diện biểu hiện cụ thể của cánh đồng cuộc đời. Hoàng Khánh Duy đã ném mình và nhân vật của mình ra cánh đồng cuộc đời để xem họ và mình vật lộn thế nào. Và cả nhà văn cùng nhân vật đã thành công.

Trong thế giới không gian nghệ thuật của truyện ngắn Hoàng Khánh Duy, tỷ lệ xuất hiện của Gió - Dòng sông - Cánh đồng chiếm một số lượng lớn. Nó không chỉ là hình ảnh đại diện cho không gian thiên nhiên sông nước miền Nam bộ mà nó còn làm nhiệm vụ kết nối thể hiện đời sống, tâm trạng và những bi kịch, hồi ức của các nhân vật trong truyện. Hơn thế nữa, bộ ba hình ảnh còn thực hiện một chức năng thẩm mỹ đặc sắc đó là tập hợp các chuỗi truyện thành một hệ thống chủ đề thống nhất. Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy tuy phát triển theo nhiều hướng khác nhau và trải dài trên những khoảng thời gian nhưng luôn đặt dưới sự chi phối, giám sát của không gian thiên nhiên, không gian sinh tồn của vùng miệt thứ, không gian làng quê Nam bộ vô cùng phong phú, đặc sắc và có tính nhân văn sâu sắc.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn hoàng khánh duy (Trang 109 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)