Công tác lập dự toán

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác lập dự toán và quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước của sở tài chính tỉnh bình định đối với các đơn vị dự toán cấp i (Trang 84 - 87)

7. Cấu trúc đề tài

2.3.1. Công tác lập dự toán

a) Ưu điểm

Qua khảo sát thực trạng về công tác lập dự toán chi thường xuyên Ngân sách nhà nước của Sở Tài chính tỉnh Bình Định đối với các đơn vị dự toán cấp I cho thấy:

- Việc xây dựng dự toán hàng năm đều có hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài chính, Sở Tài chính tỉnh Bình Định) là điều kiện thuận lợi để các đơn vị dự toán cấp I tổng hợp, xây dựng dự toán đảm bảo đúng trình tự theo quy định, bám sát chủ trương, chỉ đạo của HĐND tỉnh và UBND tỉnh.

- Ngày 09/12/2016, HĐND tỉnh Bình Định ban hành Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017, hệ thống định mức phân bổ chi thường

xuyên khoa học, căn cứ số lượng biên chế được cấp có thẩm quyền giao đối với từng đơn vị sử dụng ngân sách phân bổ theo phương pháp lũy thoái (định mức giảm dần đối với số biên chế được giao), quy định đảm bảo bố trí đủ kinh phí hoạt động cho các cơ quan, đơn vị.

- Công tác lập dự toán đảm bảo tính công khai, minh bạch, cơ bản đảm bảo thời gian theo quy định, từng bước nâng cao chất lượng lập dự toán, phù hợp với quan điểm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Công tác lập dự toán, xây dựng dự toán chi thường xuyên NSNN (nội dung chi, mức chi) tuân thủ theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định, dự toán được xây dựng theo từng mục, tiểu mục rõ ràng, đúng chế độ và theo sự hướng dẫn của Sở Tài chính. Qua đó, thấy được các đơn vị khi xây dựng dự toán nghiêm túc tuân thủ theo quy định của Nhà nước.

b) Hạn chế

- Tiến độ lập dự toán của một số đơn vị còn chậm, chưa kịp thời, chưa đúng thời gian quy định, các đơn vị còn thiếu chủ động trong xây dựng nhiệm vụ thực hiện năm kế hoạch, chưa có sự đầu tư sâu; thuyết minh dự toán và cơ sở tính toán còn sơ sài, chất lượng thấp. Thời điểm xây dựng dự toán, đơn vị chưa dự báo hết được nhiệm vụ thực hiện trong năm kế hoạch, do đó việc chủ động xin ý kiến về chủ trương và phê duyệt đề cương, nhiệm vụ làm cơ sở để Sở Tài chính bố trí dự toán chưa đầy đủ. Việc lập dự toán chi thường xuyên NSNN là quá trình phức tạp, đòi hỏi đầu tư nghiên cứu về chế độ, chính sách, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, việc thực hiện phải qua nhiều bước, tốn kém thời gian và công sức nên đôi lúc công tác lập dự toán còn mang nặng tính hình thức, thường căn cứ vào dự toán của năm trước để điều chỉnh cho năm sau. Qua đó, có thể thấy được các cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác lập dự toán, chưa bao quát hết nhiệm vụ chi, thường hay gặp ở các cơ quan có nhiều đơn vị trực thuộc và theo dõi ở nhiều lĩnh vực như: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi

trường, Sở Văn hóa và Thể thao, …

- Chất lượng dự toán hạn chế. Các đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị dự toán cấp I căn cứ vào nhiệm vụ được giao và định mức chi tiêu do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định để lập dự toán năm. Do định mức chi tiêu thường không đầy đủ và nhanh chóng lạc hậu so với thực tế nên các đơn vị luôn tìm cách để nâng cao dự toán dẫn đến lãng phí và điều chỉnh trong khâu chấp hành dự toán hay hủy bỏ kinh phí khi quyết toán ngân sách cuối năm, điều này làm tăng khối lượng công việc không chỉ của đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị dự toán cấp I, của Sở Tài chính và hàng loạt các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Về cơ chế chính sách của Nhà nước ban hành trong lĩnh vực chi thường xuyên còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ; các văn bản quy định chế độ còn chồng chéo, đôi khi mâu thuẫn nhau; nội dung quy định chưa cụ thể, rõ ràng, còn chung chung có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau dẫn đến việc thực hiện thiếu thống nhất. Văn bản chế độ chưa bao quát hết các nội dung chi nên còn tạo khe hở, nhiều văn bản tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng vẫn chưa đầy đủ, không đáp ứng kịp thời với những thay đổi trong thực tế khi thực hiện.

c) Nguyên nhân

Công tác lập dự toán chi thường xuyên NSNN của Sở Tài chính Bình Định đối với các đơn vị dự toán cấp I bên cạnh việc đảm bảo đúng chế độ, chính sách, đúng mục đích, đúng đối tượng trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí vẫn còn một số hạn chế bởi các nguyên nhân chính sau:

- Việc xây dựng dự toán hàng năm đều có hướng dẫn, tuy nhiên các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính ban hành chưa đảm bảo thời gian quy định, kéo theo việc Sở Tài chính tỉnh Bình Định hướng dẫn công tác lập dự toán cho các đơn vị dự toán cấp I cũng bị chậm lại dẫn đến thời gian triển khai thực hiện và xây dựng, thẩm định dự toán bị rút ngắn, ảnh hưởng đến công tác lập dự toán. Cả đơn vị sử dụng dụng ngân sách, đơn vị dự toán cấp I và Sở

Tài chính tỉnh Bình Định đều không có đủ thời gian để đánh giá, phân tích dự toán một cách kỹ càng.

- Khả năng phân tích, tổng hợp, lập dự toán chuyên sâu còn bị ảnh hưởng bởi trình độ đội ngũ cán bộ trực tiếp thực thi, một số đơn vị chưa có bộ phận chuyên trách cho lĩnh vực lập dự toán. Nhận thức về luật NSNN và các văn bản về NSNN của một số cán bộ đôi lúc còn hạn chế dẫn đến tình trạng lập dự toán qua loa, chiếu lệ, coi nhẹ. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước chưa được quan tâm, chưa đầu tư chuyên môn về tài chính nên việc kiểm soát các sai sót trong quản lý của cấp dưới hoặc có tư tưởng sử dụng tùy tiện, thiếu trách nhiệm dẫn đến sai phạm.

- Việc ban hành các cơ chế, chính sách của các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương còn chậm, quy định chưa cụ thể, rõ ràng cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác lập dự toán.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác lập dự toán và quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước của sở tài chính tỉnh bình định đối với các đơn vị dự toán cấp i (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)