Tham thoại hồi đáp chấp nhận:

Một phần của tài liệu Nghi thức lời nói thể hiện hành vi mời trong tiếng việt (Trang 55 - 62)

6. Cấu trúc của luận văn

3.2. Tham thoại hồi đáp chấp nhận:

Theo Đỗ Hữu Châu, hồi đáp chấp nhận lời mời sẽ xảy ra “khi một cặp

thoại thỏa mãn được đích của tham thoại dẫn nhập”. Như vậy, lời hồi đáp

kèm theo những câu trả lời mang nội dung chấp nhận.

Lời hồi đáp chấp nhận của hành vi mời sử dụng khá đa dạng các trợ động từ hoặc những từ mang ý chấp nhận như: Vâng, dạ, được, mặc, chấp nhận, chắc chắn, ừ, đồng ý, cám ơn... tùy vào mối quan hệ giữa đôi bên và ngữ cảnh diễn ra mà sử dụng.

Ví dụ:

(130) SP1: - Nào! Mời hai anh vào đi. Mọi ngày chúng em không dám uống rượu, nhưng hôm nay nhất định tiếp với các anh một bữa thật say.

SP2: - Ừ, uống thì uống, cần gì!

(Lều chõng – Ngô Tất Tố)

(131) SP1: - Mời bác xơi tạm chén nước.

SP2: - Dạ, vâng.

(Một đồng bạc – Vũ Trọng Phụng)

(132) SP1: - Mợ ngồi tôi nói câu chuyện.

SP2: - Được ạ, cụ mặc con.

(Nửa chừng xuân – Khái Hưng)

(133) SP1: - Anh mời em khiêu vũ được chứ?

SP2: - Được thôi, em rất sẵn lòng.

Những ví dụ cho lời hồi đáp chấp nhận này còn có thể đi kèm bằng ngôn ngữ hình thể như những cái gật đầu, nụ cười, vỗ vai,.. để tăng thêm tính thân mật cho câu trả lời.

Tùy vào tình huống giao tiếp và quan hệ giữa hai bên, người đáp sẽ lựa chọn câu trả lời mang ý khách sáo như “chấp nhận, đồng ý…” hoặc trả lời theo kiểu thân quen, gần gũi bằng cách dùng trực tiếp các từ “mặc, vâng, ừ, dạ, được…”.

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận ra lời hồi đáp chấp nhận còn chia thành hai loại là chấp nhận trực tiếp và chấp nhận gián tiếp.

a) Chấp nhận trực tiếp:

Hồi đáp chấp nhận trực tiếp sẽ sử dụng động từ biểu hiện ý chấp nhận để người mời hiểu rõ ngay sự đồng ý trong câu nói.

Mô hình chung nhất của hồi đáp chấp nhận trực tiếp có dạng như sau:

Đôi khi, để làm tăng sự tin tưởng trong câu trả lời của mình đối với người mời, người đáp sẽ thêm vào các câu khẳng định như:

- Chắn chắn rồi! - Tất nhiên rồi!

- Không gặp không về! - Nhất định rồi!

- Đó là chuyện đương nhiên!

Những lời hồi đáp mang thêm ý khẳng định như thế này thể hiện sự hồi đáp tích cực từ người đáp, mang lại thể diện cho cả người mời vì họ cũng được tôn trọng.

Ví dụ:

(134) SP1: - Cậu sẽ đến dự đám cưới của tớ chứ?

SP2: - Tất nhiên rồi. Sao cậu lại hỏi điều đương nhiên như vậy chứ.

(135) SP1: - Mời cậu 2 giờ chiều nay ghé đến uống cốc bia cho vui nhé.

SP2: - Không gặp không về.

(136) SP1: - Có dịp anh nhé nhà em chơi nữa nhé?

SP2: - Chắc chắn rồi, khi nào anh ra Hà Nội sẽ ghé vào nữa. Em yên tâm.

(137) SP1: - Tối nay 7 giờ cậu đến học nhóm với tớ nha. Cậu đã hứa rồi đấy.

SP2: - Nhất định rồi, tớ không thất hứa đâu.

Có những trường hợp, để thõa mãn cho mục đích của mình, người hồi đáp sẽ chấp nhận lời nhưng sẽ kèm theo một vài điều kiện theo kết cấu:

Ví dụ:

(138) SP1: - Sáng mai 9 giờ mình qua chở cậu đi ăn sáng cà phê nhé?

SP2: - Ừ được nhưng mà trễ hơn xíu được không, mình phải đi chợ nữa nên sẽ muộn hơn.

(139) SP1: - Tối nay chúng ta gặp nhau được không?

SP1: - Dạ được nhưng em rủ thêm Hằng nữa được không?

Đối với các cuộc thoại trên, người đáp chưa chắc chắn rằng mình sẽ thỏa mãn yêu cầu của người nói mà ngược lại điều kiện đưa ra là người mời phải đáp ứng trước điều kiện của người đáp thì mục đích của người mời mới được đáp ứng.

Ngoài ra, còn có công thức B để “mặc” A, B “xin” A thường xuất hiện trong nghi thức của người miền Bắc.

Ví dụ:

(140) SP1: - Cụ vào nhà ngồi chơi cho mát ạ.

SP2: - Ừ, cô cứ để mặc tôi.

(141) SP1: - Xin rước bà lớn bà lớn ngồi chơi ạ.

SP2: - Được, mặc tôi.

(Nửa chừng xuân – Khái Hưng)

(142) SP1: Cậu ngồi chơi uống trén trà này.

SP2: Vâng, cháu xin.

Những trường hợp này cho thấy người đáp có thái độ khách sáo với người mời.

Không phải lời hồi đáp chấp nhận nào cũng mang sắc thái thoải mái chấp nhận từ người đáp. Đôi khi, vì những lý do bắt buộc, người đáp phải chấp nhận lời mời theo cách miễn cưỡng.

Ví dụ:

(143) SP1: - Cậu ăn thêm món này đi, tớ làm nó vì biết cậu thích đấy.

SP2: - Cảm ơn cậu, nhưng một miếng nữa thôi đấy, tớ no lắm rồi.

(144) SP1: - Cậu nhớ đến buổi họp lớp đấy nhé.

SP2: - Được thôi, tớ sẽ cố gắng sắp xếp, công việc tớ dạo này cũng hơi bận.

b) Chấp nhận gián tiếp:

Lời hồi đáp chấp nhận gián tiếp không trả lời thẳng về việc sẽ đồng ý với lời mời mà sẽ diễn đạt theo cách khác nhưng người nói vẫn sẽ hiểu được ý tứ là người đáp đã chấp nhận lời mời. Việc đồng ý theo cách gián tiếp này thường xảy ra khi quan hệ giữa đôi bên ở mức thân thiết, hiểu rõ nhau nên sử dụng để tránh trường hợp bị xem là khách sáo, không tự nhiên.

Ví dụ:

(145) SP1: - Chị thử món mì em mới sáng tạo đi. Đảm bảo quên ngon lối về.

SP2: - Nghe có vẻ hấp dẫn đó, để chị thử xem nào.

(146) SP1: Ngày mai, cậu đến tham dự sinh nhật của Hằng nhé.

SP2: Sao tớ có thể vắng mặt chứ, con dâu tương lai của tớ cơ mà.

(147) SP1: Cậu đi mua sắm với tớ nha?

SP2: Còn cách nào khác đâu, tớ có thể từ chối cậu sao.

Trong ba ví dụ trên, không có lời đáp nào có câu trả lời nhất định là có hoặc không, nhưng người mời vẫn hiểu được là người đáp đã đồng ý lời mời của mình.

Tình huống giao tiếp hằng ngày xảy ra rất đa dạng, vì thế hành vi ngôn ngữ được ra đời nhằm thỏa mãn tất cả tình huống giao tiếp. Đối với hành vi

mời cũng vậy, có rất nhiều cách trả lời cho lời mời, ngoài trả lời bằng cách trực tiếp, thì cách gián tiếp cũng được sử dụng rất nhiều, thường xảy ra khi đôi bên là người quen. Đôi khi điều này cũng áp dụng cho người không quá thân thiết, cần khách sáo với đối phương.

Ở những ví dụ ở trên, chúng ta đã khảo sát cách trả lời cho lời mời của những người thân thuộc, vậy đối với những mối quan hệ không quá thân thiết, chẳng hạn như trên quan hệ làm ăn ta có thể trả lời bằng những cụm từ vừa thể hiện sự lịch sự ở mức độ vừa phải, vừa thỏa mãn được lời mời như “Cảm ơn”, “Không cần khách sáo”, “Vâng”,…

Ví dụ:

(148) SP1: - Anh có muốn dùng món cá này không? Tôi gắp cho anh nhé.

SP2: - Vâng, anh cứ để tôi tự nhiên. (149) SP1: - Anh dùng thêm ly nữa nhé.

SP2: - Cảm ơn.

(150) SP1: - Nào, tôi kính anh một ly, chúc mừng sự hợp tác của chúng ta.

SP2: - Anh cứ thoải mái, không cần khách sáo đâu.

Lời hồi đáp cũng được thể hiện bằng cách mời lại đối phương, ở trường hợp này câu trả lời sẽ mang lại thể diện và sự tôn trọng dành cho cả hai bên, tạo nên một cuộc tham thoại gần gũi, thân thiện.

Ví dụ:

(151) SP1: - Anh dùng món này đi, đặc sản của nhà hàng đấy.

SP2: - Vâng, anh cũng dùng đi chứ, đừng uống nữa.

(152) SP1: - Cháu nó vẫn ngủ à chị?

SP2: - Nó vẫn ngủ.

SP1: - Thôi thế chị ăn mau lên không có nó dậy nó lại quấy.

SP2: - Cậu cũng ra ăn đi cho xong có được không? Tối rồi, còn gì?

SP1: - Ừ nào, thì ăn đi cho xong.

(153) SP1: - Xin rước bà lớn ngồi chơi ạ.

SP2: - Được!mặc tôi.

SP2: - Mời cô ngồi.

(Nửa chừng xuân – Khái Hưng)

Đối với mối quan hệ cần thể hiện sự kính trọng, lễ phép, dùng cho người bề trên hoặc người lớn tuổi hơn có thể dùng cụm từ “xin phép” với mô hình

A xin B, kiểu hồi đáp này tôn lên văn hóa lịch sự của người Việt Nam, giữ thể

diện cho người được mời. Ví dụ:

(154) SP1: - Cháu ăn hoa quả nhé? Bà vừa mới mua còn tươi lắm này.

SP2: - Vâng, cháu xin.

(155) SP1: - Mời cậu ngồi chơi xơi nước.

SP2: - Vâng, cháu xin phép ông.

(156) SP1: - Cô vào đây ngồi tôi hỏi chuyện.

SP2: - Vâng, xin phép bà cả ạ.

Ngoài việc sử dụng ngôn ngữ để thực hiện lời hồi đáp, người đáp cũng có thể sử dụng ngôn ngữ hình thể đi kèm hoặc chỉ sử dụng ngôn ngữ hình thể để hồi đáp lời mời.

Ví dụ: (157) - Con mời cả nhà vào ăn cơm ạ.

Với lời mời ở ví dụ (157), vì là người trong một nhà, nên việc hồi đáp sẽ bằng cách tự nhiên nhất là mọi người sẽ tự động ngồi vào bàn dùng bữa.

Ví dụ:

(158) SP1: – Chiều nay chị phải tới xem em biểu diễn đó.

SP2: - (Gật đầu), chị nhớ rồi.

(159) Thấy Nga tới, mắt bà sáng lên:

- Cháu đến chơi hả? Bữa nay Quỳnh đi vắng. Nhưng cháu cứ vào chơi đi! (Không gặp Quỳnh, Nga đã tính quay về. Nhưng nghe mẹ Quỳnh nói vậy, Nga đành theo Ngoạn vào nhà).

Đa số những lời hồi đáp bằng hình thể thường sử dụng trong phạm vi gia đình hoặc đôi khi là biểu hiện theo thói quen, việc sử dụng ngôn ngữ hình thể đi kèm, giúp cho lời hồi đáp trở nên tự nhiên hơn, thoải mái hơn.

Việc sử dụng đúng nơi đúng chỗ hành vi ngôn ngữ nói chung và những lời hồi đáp của lời mời nói riêng cũng là một nghệ thuật trong cách ứng xử, tạo cho chúng ta những kĩ năng giao tiếp mang lại lợi ích cho bản thân.

Trên đây là những khảo sát về công thức của lời hồi đáp chấp nhận lời mời và tất nhiên không phải lời mời nào cũng sẽ được đồng tình. Phần sau chúng ta sẽ cùng tìm hiểu mô hình của lời hồi đáp từ chối.

Một phần của tài liệu Nghi thức lời nói thể hiện hành vi mời trong tiếng việt (Trang 55 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)