4.1. Kết luận
Những môi trường văn hóa khác nhau sẽ tạo ra những phương thức quản lý khác
nhau. Đó là do ở những nền văn hóa khác nhau, nhu cầu, lợi ích và giá trị con người được nhìn nhận không giống nhau nên nảy sinh sự khác biệt. Cho nên, tất cả các phương thức quản lý của từng môi trường văn hóa khác nhau có thể thông qua nhiều phương pháp khác nhau để thực hiện những mục tiêu hướng tới của người lãnh đạo.
Phong cách lãnh đạo được hình thành trên cơ sở cá tính và môi trường. Người lãnh đạo phải biết ứng phó phù hợp, dùng uy tín và năng lực để quản lý chứ không dùng chuyên quyền để áp đặt cũng như cũng không nên “dân chủ hình thức”, và cũng không nhất thiết lúc nào cũng “dĩ hòa vi quý”. Được lòng cấp dưới, khiến họ nảy sinh cảm tình đối với bạn, tăng thêm sự tin tưởng giữa hai bên và lòng quyết tâm kiên định. Lãnh đạo thể hiện đúng đắn sẽ khiến nhân viên dưới quyền tin phục; che giấu hợp lý lại khiến cho nhân viên dưới quyền yêu quý và ngưỡng mộ. Sự kết hợp giữa ân và uy chính là hiệu quả cụ thể ẩn sâu bên trong của người quản lý, nhờ đó mà nhà quản lý có thể đạt đến giới hạn lãnh đạo cao nhất.
Hiệu trưởng cần phải biết, phải hiểu những vị trí trong nhà trường. “Dụng nhân như dụng mộc”, dù ở vị nào cũng là quan trọng vì tất cả họ đều là những người giúp mình hoàn thành mục tiêu hướng tới. Tất cả các ban hành quyết định của Hiệu trưởng là do Hiệu trưởng chịu trách nhiệm nên “tăng cường đối thoại, hạn chế đối đầu, luôn luôn lắng nghe và làm theo hướng khác”.
Tóm lại khi xây dựng phong cách lãnh đạo của Hiệu trưởng, bản thân người Hiệu trưởng phải xây dựng được “thương hiệu” của mình. Trước hết nhận thức rõ vai trò của người lãnh đạo, thứ hai phải “làm tốt trước khi uốn nắn người khác”, không đùn đẩy cho cấp dưới, biết nghe lời khuyên can, giữ kín thái độ cá nhân, quản lý rõ ràng, phát huy sức hút cá nhân, lấy tín nghĩa làm trọng và thực sự nghiêm túc với cấp dưới.
4.2. Kiến nghị:
Đối với Sở giáo dục và đào tạo Long An:
- Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đạt chuẩn trở lên. Sau khi bổ nhiệm cần tạo điều kiện cho các Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng tự bồi dưỡng và bồi dưỡng định kỳ;
- Có kế hoạch trung hạn và dài hạn về đào tạo lực lượng kế thừa, bổ sung vào đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng, đáp ứng yêu cầu của sự tiến bộ xã hội và phát triển của
ngành;
- Tổ chức các chuyến tham quan học tập thực tế các mô hình quản lý tiên tiến ở trong và ngoài nước.
- Việc thực hiện các chế độ, chính sách, quy định chuyên môn phù hợp hơn.
Đối với chính quyền địa phương:
- Huyện Thạnh Hóa cần chỉ đạo sâu sát, kịp thời phối hợp với trường trong
công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội có nguy cơ xâm nhập vào trường học như cho vay nặng lãi đối với học sinh; tạo điều kiện tốt nhất để Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Hóa hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Cần sát cánh, chung tay với Hiệu trưởng nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi để lãnh đạo trường làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý giáo dục học sinh, …để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.
- Phối hợp với nhà trường nhiều hơn nữa trong việc thực hiện các hoạt động lễ hội, các phong trào tại đơn vị.
*******************
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Luật Giáo dục, số: 43/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019, có hiệu lực ngày 01/7/2020.
2) Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2018, Chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
3) Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường THCS và THPT ngày 15/09/2020, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
4) Trường cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh, Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông (2020).
5) Trường THPT Thạnh Hóa, Báo cáo tổng kết năm học 2020 – 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021 – 2022.
30. Đặng Thị Kim Ngân_Lớp BDCBQL Trường Phổ Thông_Long An_2021
30. Đặng Thị Kim Ngân_Lớp BDCBQL Trường Phổ Thông_Long An_2021