III. MỘT SỐ Ý KIẾN HOÀN THIỆN VỀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH VÀ HẠCH TOÁN THUẾ GTGT
4. Về phương pháp hạch toán thuế GTGT:
Để thực hiện được thuế GTGT, công tác hạch toán kế toán, tổ chức chứng từ thanh toán phải rất khoa học. Đây là công việc phải có thời gian hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác kế toán. Việc kế toán thuế GTGT được hướng dẫn một cách cụ thể trong thông tư số 100/1998/TT-BTC ngày 15/7/1998 và được sửa đổi, bổ sung bởi các thông tư số 180/1998/TT-BTC ngày 26-12-1998 và thông tư số 120/1999/TT-BTC.
Đối với kế toán thuế GTGT em xin đưa ra một số ý kiến sau:
- Đối với vật tư hàng hoá mua về dùng đồng thời cho sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT. Đối với trường hợp không thể hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào thì toàn bộ số thuế GTGT đầu vào sẽ được hạch toán vào TK 133. Chu kì kế toán xác định số thuế GTGT được khấu trừ theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu bán ra, số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ tính vào giá vốn của hàng hoá bán ra trong kỳ.
Trường hợp thuế GTGT không được khấu trừ có giá trị lớn thì được tính vào giá vốn của hàng hoá bán ra trong kỳ tương ứng với doanh thu trong kỳ, số còn lại được tính vào giá vốn hàng bán ra của kỳ kế toán sau.
Quy định này là không khoa học bởi vì: nếu kỳ kế toán sau doanh thu đạt thấp đơn vị vẫn phải kết chuyển toàn bộ thuế GTGT không được khấu trừ vào giá vốn hàng bán, sẽ gây nên tình trạng lỗ giả.
Vì thuế GTGT không được khấu trừ là một bộ phận xác định chính xác kết quả kinh doanh, nên phân bổ dần thuế GTGT không được khấu trừ tương ứng với doanh thu thực hiện qua các kỳ kế toán như sau:
Kỳ này:
Nợ TK 142 - Chi phí trả trước.
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ. Các kỳ sau:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán. Có TK 142 - Chi phí trả trước.
Việc hạch toán như vậy sẽ hợp lý hơn và tránh được tình trạng lỗ giả của doanh nghiệp.
- Đối với các đơn vị nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp quy định: Thuế GTGT được hạch toán và chi phí quản lý doanh nghiệp (TK 642). Điều này không phản ánh đúng bản chất của nội dung nghiệp vụ bởi vì chi phí quản lý doanh nghiệp là một chỉ tiêu có liên quan đến việc phản ánh chất lượng công tác quản lý doanh nghiệp. Thông qua TK này có thể đánh giá công tác quản lý doanh nghiệp có hiệu quả hay không. Cho nên ở đây cũng giống như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế GTGT nên hạch toán giảm doanh thu (TK 511):
Nợ TK 511 : Doanh thu bán hàng.
Có TK 3331 : Thuế GTGT phải nộp.
Hạch toán như vậy ngoài chỉ rõ bản chất của nghiệp vụ nó còn giảm thiểu các bút toán đơn lẻ tránh được sự phức tạp cho quá trình thực hiện kế toán thuế GTGT.
- Đối với các khoản chiết khấu bán hàng, theo quy định mới được đưa vào chi phí hoạt động tài chính, bởi vậy doanh nghiệp không được ghi giảm số thuế GTGT phải nộp. Đây là điều hợp lý vì nếu được giảm thuế trong chiết khấu bán
hàng thì doanh nghiệp có thể thoả thuận với khách hàng từ đó tìm cách gian lận, giảm thuế thông qua việc khai tăng chiết khấu bán hàng. Đối với giảm giá hàng bán, lẽ ra cũng phải quy định tương tự (không được ghi giảm thuế GTGT phải nộp trên khoản giảm giá). Vì doanh nghiệp thông qua việc giảm giá đã thực sự tiêu thụ được hàng. Đã phát sinh doanh nghiệp. Giảm giá chính là điều kiện mà doanh nghiệp phải đánh đổi để có thể tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn sau khi đã cân nhắc lợi ích nào cao hơn giữa hai phương án này. Nhưng đối với hàng bán bị trả lại (TK 531) thì việc giảm thuế GTGT trên khoản hàng bị trả lại là hợp lý vì thực tế doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng không phát sinh doanh thu.