Có thể nói thời kỳ này người dân Hà Nội cùng người dân cả nước đều phải sống trong tình trạng thiếu thốn vật chất và tinh thần Dù là công nhân hay viên chức thì đều khó sống. Tuy viên chức lương thấp nhưng ổn định (những người làm trong cơ quan,
văn phòng) không lo thiếu việc làm. Còn công nhân tuy tiêu chuẩn có cao hơn một chút, lương bổng cao hơn một chút (công việc nguy hiểm, càng độc hại thì tiêu chuẩn càng cao) nhưng thường xuyên thiếu việc làm. Vì thế người dân thường phải làm thêm để kiếm sống. Chỉ có những cán bộ cấp cao hay những người làm công việc “ ngon” thì có nét khác biệt với những người dân. Cuộc sống tương đối dư giả, ổn định, lại còn có thể hô phong hoán vũ, có quyền, có uy...
Có người nói thời bao cấp là một thời gian khó nhưng công bằng. Có người nói thời bao cấp là thời kỳ đất nước sai lầm trầm trọng trong cơ chế quản lý dẫn đến cuộc sống người dân lầm than... Nói về thời bao cấp, người ta cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau.Tuỳ theo độ tuổi và chức vụ nghề nghiệp mà họ có cái nhìn như thế nào về thời bao cấp.
“ Thời bao cấp thì sướng hơn đủ thứ, được nhà nước bao cấp hết, lương trả đầy đủ cho nhân viên. Đẻ nhiều cũng không lo, có nhà nước nuôi mà. Làm gì thì được bao cấp. Đi bệnh viện nằm ốm nhà nước trả tiền. Bây giờ sướng hơn về vật chất nhưng lúc nào cũng phải lo lắng chạy vạy”. Đó là ý kiến của bà Huệ - 65 tuổi. Có thể nói đây cũng là ý kiến chung của những người đã từng sống trong thời bao cấp và có cùng độ tuổi với bà. Những người này hầu hết đều cảm thấy yêu thích thời bao cấp. Bởi lẽ, khi xã hội càng phát triển, càng hiện đại thì con người càng hướng cái nhìn của mình về những giá trị truyền thống, về quá khứ đặc biệt là đối với những người lớn tuổi. Hơn nữa, những người ở độ tuổi này là những người đã từng sống và chiến đấu rất gian khổ trong những năm trước bao cấp. Hồi đó đất nước có chiến tranh, người dân phải chịu hậu quả từ cuộc chiến, gạo không có mà ăn, thậm chí ngô, khoai sắn độn cơm cũng không có, không có nhà đàng hoàng để ở, lại hay bị bọn Tây dòm ngó, bắt bớ, đánh đập vô lý… Những người làm cách mạng thì càng vất vả. Vừa sống khó khăn lại gặp nhiều nguy hiểm. Thời đó từ công nhân viên chức đến dân thường đều rất khổ. Bởi thế, khi mà chiến tranh kết thúc, niềm vui, niềm hân hoan chiến thắng đã tạo động lực mạnh cho mỗi người dân. Sống trong thời bao cấp, họ không thấy khổ bởi trước đó họ còn khổ hơn thế gấp bội. Ta thấy cảnh xếp hàng, chen lấn xô đẩy là khổ nhưng sao khổ bằng những đêm đông rét, cán bộ ta phải lội qua sông trước sự săn lùng, canh gác nghiêm ngặt của địch. Ta thấy ở trong một căn nhà khoang 9m2 mà 4 thế hệ chung sống là khổ nhưng sao khổ bằng những đêm ngủ rừng, sương đêm lạnh và có cả thú dữ…Sống trong chiến tranh, họ khổ quen rồi nên cái khổ của thời bao cấp chẳng thấm vào đâu. Hơn nữa, sau chiến tranh, họ
được sống trong hoà bình, được sự bao cấp của nhà nước. Ốm thì được đi bệnh viện, được khám và phát thuốc miễn phí. Bệnh viện cũng làm việc đúng trật tự hơn chứ không như bây giờ, cứ có tiền là được khám trước. Rùi nằm viện là chết tiền viện phí thuốc thang. Thêm vào đó, họ cảm thấy thời bao cấp là thời mà con người sống với nhau bằng tình thương, tình đồng đội, đồng chí, ít bon chen, ganh đua. Thời đó trong suy nghĩ của họ cũng công bằng hơn, ai cũng như ai, từ ông quan to đến dân thường đều phải đi xếp hàng…
Đối với những người trẻ tuổi hơn - những người ở độ tuổi từ 40 – 50 thì có thái độ chung chung hơn. Họ vừa khen lại vừa chê thời bao cấp. Bởi lẽ họ sống trong thời kì đất nước có chiến tranh không nhiều nên họ không hiểu hết cái nỗi khổ của cuộc sống chiến tranh, cũng không hiểu rõ lắm về tình người, về tình đồng đội, đồng chí của người dân trong chiến tranh. Cái mà họ nhìn thấy nhiều, hiểu nhiều là cơ chế quản lý ngặt nghèo, là cuộc sống khó khăn, là những bữa cơm độn toàn sắn với ngô, là những khi xếp hàng chen lấn xô đẩy để mua được hàng. Những tình người, tình đồng đội, những khó khăn, thiếu thốn còn hơn thế gấp bội mà ông cha họ đã từng trải qua họ đều chỉ được nghe kể lại hoặc có trải qua thì cũng không sâu sắc Do đó, nó không tác động mạnh vào tiềm thức họ bằng những gì họ trực tiếp nhìn thấy, cảm nhận thấy. Điều này đã dẫn đến thái độ chung chung, nửa khen, nửa chê thời bao cấp.
Còn những người ở độ tuổi từ 40 trở xuống thì hoàn toàn không thích thời bao cấp, thậm chí còn ghét cái thời này. Bởi lẽ họ không sống một ngày nào trong chiến tranh. Từ nhỏ đến lớn họ chỉ được thấy cuộc sống cực khổ cùng cơ chế quản lý đến “nghẹt thở” của nhà nước. Khi đất nước đổi mới, cuộc sống của họ có nhiều cải thiện, sung túc, tự do thoải mái hơn. Do đó, thời bao cấp như là một nỗi kinh hoàng với tất cả những người này. Họ không muốn quay trở lại thời này, căm ghét, không chịu đựng nổi. Một bạn trẻ đã nói: “Thời bao cấp là thời nhà nước bao hết cho mọi người, từ ăn, ở , đi, lại, nhưng mà nước lại không cấp. Những thứ mà nhà nước bao: ăn thì đói, ở thì khổ, đi lại thì khó khăn. Đúng là một nghịch lý”. Chúng tôi cũng đã từng phỏng vấn một bác công nhân đã từng sống trong thời bao cấp - bác Thuỷ hiện đang làm chủ một của hàng nhỏ tại phố Trung Tự. Bác cho biết: “Cuộc sống ngày nay sướng hơn nhiều, tiện nghi, đầy đủ. Ngày ấy công nhân phải nghỉ làm luôn do thiếu việc. Trước nghỉ ăn lương 70% sau không được”. Bác làm cho một công ty dệt may, nội bộ công nhân lúc nào cũng phải
tranh việc, xí phần, lúc nào cũng lo lắng. Cho nên khi được hỏi bác đã không ngần ngại trả lời: “ Bác thích thời nay hơn chứ”
Nói về thời bao cấp, ta thấy những ý kiến phê bình là chủ yếu nhưng xét trên góc độ đạo đức thì đây là thời kì đáng được mọi người khen ngợi và đánh giá cao. Dù là chú xe ôm hay một cán bộ, một cụ già hay một người trẻ đều nói đó là thời không có phân biệt giàu nghèo. Ai cũng như ai, là một ông giáo sư hay là một quan chức nhà nước cũng phải đi xếp hàng. Ở thành phố nhưng người ta vẫn quan tâm, gần gũi nhau. Trên lộ trình hội nhập như ngày nay, đặc biệt ở một đô thị như Hà Nội, những giá trị ấy gần như cũng mờ nhạt đi thay vào đó là những lo toan bộn bề, là cách sống để tồn tại, để giàu có. Người ta mất dần thói quen gần gũi, quan tâm nhau. Bây giờ nhà ai biết nhà đấy, có khi ở mấy năm mà còn chả biết hàng xóm của mình là ai nữa.
Dù đã trải qua hơn hai thập kỉ nhưng những gì đã là lịch sử sẽ mãi là lịch sử. Bao cấp như bữa cơm hàng ngày của người Việt Nam trước năm 1975. Nhờ nó mà cả dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao gian khổ để đồng tâm hiệp lực đánh đuổi quân thù, xây dựng và phát triển đất nước. Sau khi chiến tranh kết thúc, bộ đội giải ngũ, vấn đề của mỗi người cũng như đất nước không còn là chiến tranh nữa. Giữ mãi cơ chế như còn trong chiến tranh và áp dụng vào thời đại bây giờ là không phù hợp. Bao cấp trở thành vật cản nặng nề làm kìm hãm sự đi lên của xã hội, kìm hãm các cá nhân trong xã hội, tạo cho họ một sức ì khá lớn. Nhận ra sự sai lầm đó, Đại Hội Đảng lần thứ VI nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã quyết định thực hiện con đường đổi mới toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội
Tư liệu tham khảoSách tham khảo Sách tham khảo
- Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp 1975 – 1986 (NXB Thế giới)
- The power of everyday politics (Tác giả: Benedict J. Tria Kerkvliet)
- Biến đổi cơ cấu giai cấp xã hội miền Bắc thời kỳ 1954 – 1975 (Tác giả: Nguyễn Đình Lê)
- Những giá trị lịch sử văn hoá 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (Tác giả: Nguyễn Việt Chức) Website - http://vi.wikipedia.org - http://vietnamnet.vn - http://vnexpress.net - http://www.vme.org.vn - http://irv.moi.gov.vn - http://www.vnpost.dgpt.gov.vn - http://thoibaoviet.com - http://chungta.com - http://www.vietducinfo.com