Newhall navel với hàm lượng N:P2O5:K2O = 19:8:13 làm tăng năng suất thêm 13,65% và các chỉ tiêu cơ giới chất lượng quả cũng được cải thiện đối với vùng trồng cây có múi trên đồi đất đỏ ở tỉnh Phúc Kiến và thậm chí ở miền nam Trung Quốc, nơi có điều kiện khí hậu và đất đai tương tự như ở tỉnh Phúc Kiến (Dongfeng Huang & cs., 2019).
Có thể thấy rằng hầu hết các nghiên cứu ngoài việc sử dụng phân vô cơ thì đều kết hợp sử dụng bổ sung phân hữu cơ. Phân hữu cơ giữ vai trò quan trọng trong canh tác cây có múi, bởi đây là thành phần giúp cải thiện đặc tính hóa lý của đất, giúp cho cây trồng phát triển tốt, tăng năng suất và ổn định chất lượng.
2.4. NGHIÊN CỨU VỀ CẮT TỈA VÀ QUẢN LÝ KÍCH THƯỚC CÂY CÓ MÚI MÚI
Sự sinh trưởng tự nhiên của cây ăn quả thường không đáp ứng yêu cầu về cấu trúc tối ưu và thuận lợi cho việc chăm sóc tán cây. Cắt tỉa là một trong những biện pháp tác động cơ giới tích cực để tạo dựng hệ thống cành khung và cành nhánh của cây phù hợp. Trong sản phẩm quả nói chung và quả cam quýt nói riêng đều chứa chất dự trữ là đường, bột, dầu,… chỉ có đủ ánh sáng quang hợp tốt mới có thể có sản lượng cao chất lượng tốt. Không phải tất cả ánh sáng mặt trời đều được sử dụng nhưng nếu cây chỉ nhận được ít hơn 25 – 30% ánh sáng mặt trời thì không ra hoa, kết quả tốt được (Philip Cao Văn, 1997).
Để cho cây phát triển tự do, cành yếu bị che khuất, hạn chế tiếp nhận ánh sáng, không có quả; cành khỏe mang nhiều quả vừa kiệt sức, ảnh hưởng đến chất lượng, vừa dễ bị gãy đặc biệt khi gió mạnh. Việc cắt tỉa đối với cam quýt sẽ giúp cho cây loại bớt những cành lá thừa, che lấp ánh sáng của các cành non khỏe, hạn chế chỗ sâu bệnh tập trung nhiều .Theo tác giả Phạm Văn Côn (2004) nghiên cứu thân chính cây cao thì khoảng cách giữa bộ phận trên mặt đất và rễ dưới mặt đất càng xa, cây chậm ra quả và quả bé nguyên nhân là chúng vận chuyển nhựa luyện, nhựa nguyên phải đi một khoảng cách quá lớn, làm giảm chất lượng của quá trình trao đổi dòng năng lượng trong cây. Do vậy người ta muốn có thân chính thấp cành trong tán không nên quá dày, bộ phận ra quả trên cây không nên quá xa thân chính và cành chính. Điều này có thể được làm rất tốt khi tiến hành cắt tỉa tạo hình, cắt tỉa thường niên cho cây.
Khi gặp thời tiết thuận lợi, cam quýt ra ra hoa đậu quả nhiều xảy ra hiện tượng cạnh tranh dinh dưỡng trên cây dẫn đến chất lượng quả khi thu hoạch kém, quả nhỏ, năng suất thấp. Khi cây ra nhiều hoa cần cắt tỉa những chùm hoa nhỏ, quả dày, đảm bảo dinh dưỡng hài hòa giữa sinh trưởng – phát triển, khắc phục được hiện tượng ra hoa đậu quả cách năm (Phạm Văn Côn, 2005).
Cây có múi ở Brazil đã gặp phải vấn đề về sâu bệnh hại gây ra làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, vì vậy cần có các biện pháp thay thế như trồng mật độ cao hơn hoặc áp dụng biện pháp cắt tỉa. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp cắt tỉa bị nghi ngờ vì trong một thời gian, nó có thể làm giảm năng suất và cũng làm chậm sự phát triển của cây do bị loại bỏ các nhánh và lá làm giảm diện tích lá, hoạt động quang hợp. Trong khi đó, số lượng lá và thân của cây có múi là nguồn carbohydrate, việc cắt tỉa có thể gây ra mất mát trong quá trình sự tăng trưởng và đậu quả. Mặt khác, cắt tỉa giúp cho ánh sáng chiếu rọi vào trong tán và không khí bên trong tán cây được thông thoáng hơn, kích thước cây giảm và cải thiện chất lượng quả. Cắt tỉa cũng giúp kiểm soát sâu bệnh, cải thiện hiệu quả của việc sử dụng thuốc trừ sâu và kiểm soát sự chống chịu trong một số kiểu gen của cây có múi. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là khi việc cắt tỉa được thực hiện định kỳ, năng suất của năng suất cây trồng có thể được duy trì, làm giảm sự cạnh tranh giữa các tán cây. Thời gian tốt nhất để cắt tỉa là sau khi thu hoạch vườn cây. Tuy nhiên, việc cắt tỉa cũng cần được đũng kỹ thuật vì việc cắt tỉa không đúng có thể gây hại nhiều hơn cho cây (Azevedo & cs.,2013).
Việc cắt tỉa đã đem lại hiệu quả đối với năng suất và chất lượng đối với cam Kinnow. Tác giả Saeed Ahmad (2006) đã tiến hành bố trí 3 công thức cắt tỉa khác nhau: đốn đau, đốn phớt và không cắt tỉa. Kết quả cho thấy, khi áp dụng phương pháp đốn đau đã cho số lượng quả nhiều hơn, màu sắc quả được cải thiện, trọng lượng quả và lượng nước ép cũng đạt cao hơn so với các công thức còn lại.
Trên bưởi Phúc Trạch có hiện tượng mất mùa trong nhiều năm liên tục và đã xác định được một số nguyên nhân làm suy giảm năng suất, chất lượng quả, Viện Nghiên cứu Rau quả đã đưa ra một được một số biện pháp khắc phục có hiệu quả. Từ đó cơ bản hoàn thiện được quy trình cắt tỉa cho bưởi Phúc Trạch để cải thiện năng suất chất lượng. Quy trình được tóm tắt như sau:
- Cắt tỉa vụ Thu: được thực hiện sau khi thu hoạch quả. Cắt hết những cành vượt, những cành vươn thẳng nhằm hạn chế chiều cao cây. Trong một số trường hợp cần cắt ngắn cành trục chính (cành cấp 1, cấp 2) để hướng chiều cao đạt 3 -
3,5 m. Cắt ngắn đầu cành mang quả (cành cấp 3, cấp 4) nhằm hướng việc mang quả gần thân chính nhằm tạo điều kiện để quả phát triển tốt. Cắt tỉa cành sâu bệnh, cành chết, cành mang quả vụ trước.
- Cắt tỉa vụ Xuân: tiến hành từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Cắt bỏ những cành xuân chất lượng kém, cành bệnh tỉa bỏ những chùm hoa nhỏ, dày, dị hình và tỉa thưa khoảng 30% số chùm trên cây.
- Căt tỉa vụ Hè: từ tháng 4 đến hết tháng 6. Cắt bỏ những cành hè mọc dày hoặc yếu, cành sâu bệnh, cành vượt, tỉa bỏ những quả nhỏ, dị hình, tỉa thưa những chùm quả dày. (Ngô Hồng Bình & cs., 2015).
Bưởi Diễn khi được áp dụng biện pháp cắt tỉa, tạo tán đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn những cây bưởi Diễn không cắt tỉa. Áp dụng biện pháp kỹ thuật vít cành đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng cho giống bưởi Diễn tại Chương Mỹ, Hà Nội (Cao Văn Chí & Nguyễn Quốc Hùng, 2016).
Cũng trên cây bưởi Diễn, theo Nguyễn Hữu Thọ (2015) cho thấy biện pháp cắt tỉa theo kiểu khai tâm đã ảnh hưởng đến chiều dài, đường kính lộc của giống bưởi Diễn. Bên cạnh đó biện pháp cắt tỉa thúc đẩy ra hoa sớm từ 7 – 10 ngày và làm ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả và số quả trên cây của giống bưởi Diễn.
Năng suất và chất lượng của cây có múi sẽ được nâng cao hơn khi kết hợp giữa cắt tỉa và bón phân đồng thời. Việc cung cấp dinh dưỡng sau khi cắt tỉa giúp cây tăng khả năng bật các đột lộc mới, tái tạo lại bộ khung tán để chuẩn bị cho vụ hoa năm sau.
Năm 2015, Ghosh A và cộng sự bố trí thí nghiệm kết hợp gồm 4 công thức cắt tỉa và 7 công thức bón phân đã đưa ra kết luận rằng việc sử dụng phân hữu cơ, vô cơ và phân sinh học đều cải thiện năng suất cho cây chanh cv. Assam (Citrus limon Burm). Bên cạnh đó, cắt tỉa có tác dụng đáng kể trong việc tăng cành mang hoa. Do đó, với công thức cắt tỉa 25 cm từ phần cuối của cành kết hợp với việc sử dụng tích hợp phân bón viz. 75% RDF + Vermicompost + Azotobacter + Vesicular ArbuscularMycorrhiza đã cho tổng số quả trên mỗi cây chanh cv. Assam cao hơn so với các công thức khác.
Cũng trên cây chanh Assam (Citrus limon Burm. F.) tác giả Mahesha, M., và Singh, S. (2018) chỉ ra rằng khi sử dụng GA3 với nồng độ 350 ppm kết hợp với cắt tỉa 15 cm cành trong hai mùa hè và mùa đông đã cho số hoa/cành cao nhất (29,75), số quả/cành (6.4) và năng suất (10,45 tấn/ha) cao hơn so với cây đối chứng.