Trong giai đoạn úm (0-21 ngày tuổi) có thể phát hiện thấy kháng thể trong các mẫu huyết thanh song đó là kháng thể thụ động kháng aMPV do mẹ truyền sang con (Catelli E. & cs., 1998). Bên cạnh đó quy luật thải trừ kháng thể ở gà thịt đã được xác định bởi Aung Ye Htut (2007). Thời gian bán thải ước đoán 3-4 ngày, và khoảng 80% các cá thể gà thịt trong đàn sẽ âm tính với kháng thể mẹ truyền trong khoảng 11-19 ngày tuổi. Thực tế chăn nuôi hiện nay, mặc dầu chưa có bất kỳ xác nhận nào về bệnh gây ra bởi aMPV tại Việt Nam, song các trang trại gà giống bố mẹ thường áp dụng quy trình vacxin có aMPV vô hoạt trước khi gà bố mẹ chuyển sang giai đoạn đẻ trứng. Do đó, nghiên cứu đã khảo sát dương tính kháng thể kháng aMPV trên các đàn gà ở các lứa tuổi theo các giai đoạn sinh trưởng chính. Để loại trừ dương tính do kháng thể thụ động từ mẹ truyền, nghiên cứu chỉ thực hiện trên các mẫu huyết thanh thu được ở gà từ 22 ngày tuổi tới xuất bán (hình 4.3, và bảng 4.3).
Bảng 4.3. Tỷ lệ dương tính huyết thanh học theo nhóm tuổi Loại gà Gà bản địa Gà bản địa lai Gà trắng thịt Tổng hợp
Chú thích: “ –“ Không khảo sát; “SM”: tổng mẫu của nhóm; + (%): tỷ lệ % mẫu có kháng thể kháng aMPV
Kết quả bảng 4.3 và hình 4.3 cho biết: nhìn chung tất cả lứa tuổi gà đều dương tính với kháng thể kháng aMPV. Mức độ lưu hành huyết thanh học kháng aMPV tính chung theo nhóm tuổi có xu hướng tăng dần, gà càng nuôi dài ngày thì càng có tỷ lệ dương tính cao. Tỷ lệ dương tính theo nhóm tuổi tính chung của 3 nhóm gà cho thấy rõ đặc điểm trên: 23,1% (22- 42 ngày); 33,2% (43- 90 ngày); 61,5% (91- 120 ngày) và 36,4% (> 120 ngày). Giai đoạn gà giò (22-42 ngày tuổi), tỷ lệ dương tính ở nhóm gà bản địa khá cao (50,0%), mức độ thấp hơn ở nhóm gà lai (24,5%). Ngược lại không ghi nhận kết quả dương tính nào ở gà trắng thịt. Đáng chú ý theo quy luật, từ giai đoạn này kháng thể thụ động do mẹ truyền không còn tồn tại trong đàn gà khảo sát (Aung Ye Htut, 2007). Thực tế rằng, các đàn gà này chưa từng sử dụng vacxin phòng aMPV, do đó kháng thể này là kết quả sự phơi nhiễm với aMPV tự nhiên.
Kết quả thu được ở nhóm gà bản địa và gà lai trong giai đoạn 3-6 tuần tuổi (22-42 ngày) là phù hợp, trong khi đó ở nhóm gà trắng siêu thịt là chưa phù hợp với đặc điểm lứa tuổi mẫn cảm cao với aMPV ở gà (Hafez, 1993; Htut Aung & cs., 2008). Từ các ghi nhận tại các trang trại đã thu thập mẫu, cùng với kết quả ở hình 4.3 có thể giải thích do ở nhóm gà trắng thịt, thường được nuôi ở mô hình chuồng kín với việc kiểm soát điều kiện vi khí hậu chuồng nuôi tốt, trong một trang trại chỉ một lứa tuổi ở một thời điểm và các yếu tố an toàn sinh học ghi nhận được
tại các trang trại khảo sát là khá nghiêm ngặt hơn so bản địa hoặc bản địa lai, vì vậy khả năng phơi nhiễm sẽ thấp hơn. Điều này phù hợp với lập luận tỷ lệ nhiễm aMPV có mối quan hệ với số lứa nuôi trong trại nếu nuôi nhiều đàn với nhiều lứa nuôi khác nhau thì tỷ lệ lưu hành sẽ cao hơn (Tucciarone & cs., 2018). Mặt khác, nhóm gà trắng siêu thịt (lấy mẫu trong nghiên cứu này) tại miền Bắc chỉ được cấp giống bởi một số ít công ty lớn như CP, Japfa, Emivest, v.v… Trại giống đều áp dụng vacxin vô hoạt phòng bệnh do aMPV cho gà bố mẹ, vì vậy khả năng phơi nhiễm ở giai đoạn sớm sẽ thấp hơn so với những nhóm gà bản địa.
Trong giai đoạn 43-90 ngày tuổi, tỷ lệ dương tính khá tương đồng ở các nhóm gà bản địa, gà lai lần lượt 36,7%; 37,8%. Có thể thấy, kết quả này tiệm cận với tỷ lệ dương tính chung của tất cả các giai đoạn 36,2%. Tỷ lệ xác định được
ở gà trắng siêu thịt thấp hơn chỉ ở mức 11,8%. Nghiên cứu đã tiếp tục khảo sát giai đoạn 91- 120 ngày tuổi (gà lai, gà bản địa) xác định được tỷ lệ mẫu có kháng thể kháng aMPV tính chung là cao nhất với 61,5%, đóng góp vào đó là tỷ lệ dương tính lần lượt ở gà bản địa, gà lai là 67,4%, 47,4%. Các tỷ lệ dương tính tăng dần theo tuổi từ giai đoạn 43 ngày tuổi -120 ngày tuổi, cho thấy có thể do thời gian nuôi dài hơn, cho phép các giống bản địa, giống gà bản địa lai có cơ hội phơi nhiễm cao với aMPV. Điều này cũng thống nhất với các lập luận đã được kiểm chứng bởi các nghiên cứu (Gharaibeh S. M. & Algharaibeh, 2007; Rahimi, 2011).
Như vậy, từ các kết quả và phân tích ở trên, khi tuổi gà tăng lên, số gà có kháng thể kháng aMPV tăng theo xu hướng tuyến tính dương. Bằng việc ghi nhận bắt đầu từ giai đoạn 22- 42 ngày tuổi đã phát hiện thấy kháng thể kháng aMPV trong các mẫu huyết thanh, cũng như ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng sau đó. Tuy nhiên cần có thêm các nghiên cứu phát hiện sự hiện diện của kháng nguyên virus để có thể kết luận chính xác. Song bước đầu, với việc loại trừ khả năng do kháng thể mẹ truyền, và thực tế các đàn gà này chưa từng được chủng vacxin aMPV, cho thấy có thể có sự phơi nhiễm aMPV ở gà nuôi tại miền Bắc.