Các loài rắn thường gặp

Một phần của tài liệu Giáo trình động vật học part 9 potx (Trang 26 - 29)

VI. Các loài bò sát thường gặp ở Việt Nam

2.Các loài rắn thường gặp

2.1 Trăn đất (Python molurus)

- Kích thước lớn, dài tối đa đến 8m, trung bình từ 4 - 6m. Lưng có màu hung đến màu xám, có những vân sáng hơi vàng nối với nhau tạo thành các hình thoi, bụng màu trắng đục với những đốm nâu hay đen. Ðuôi thay đổi từ màu vàng cam đến đen. Ðầu hình tam giác tách biệt với thân rất rõ. Hai vảy môi trên đầu tiên có lỗ. Không có móc độc. Vảy thân phẳng, số hàng vảy thân (61 - 65 - 61). Số vảy bụng 242 - 265. Tấm hậu môn nguyên. Vảy đuôi một hàng. Hai bên huyệt có hai gai nhỏ hình cựa.

- Phân bổ phổ biến ở nước ta, nơi ở là rừng già, rừng thưa, những nơi đầm lầy, ruộng và vùng lân cận của các con sông trong rừng. Thức ăn là các loài thú cỡ nhỏ, chim (gà, vịt) một số ít bò sát, lưỡng cư. Khi ăn mồi xong trăn thường nằm một chỗ để tiêu hóa, lúc đó bắt trăn rất dễ. Sinh sản: Trăn giao phối từ tháng 10 - 12, sau khoảng 3 tháng thì đẻ từ 15 - 16 trứng. Trắn cái ấp trứng khoảng 2 tháng thì nở.

Số lượng trăn đất ngoài tự nhiên giảm sút nhiều, cần được bảo vệ và tổ chức nuôi.

Trăn đất dùng làm thực phẩm. Mỡ trị bỏng, cao trăn chữa trị đau lưng, nhức xương. Da dùng làm giày, dép, túi xách, thắt lưng.

2.2 Rắn nước (Natrix piscator)

- Kích thước khá lớn dài từ 0,6 - 0,8m. thân có màu nâu xám hoặc màu nâu vàng. Cổ màu trắng đôi khi hơi vàng. Dọc hai bên sườn có các vạch đen nằm xiên về phía đuôi. Bụng màu trắng đục. Ðầu phân biệt rõ với cổ , mắt to. Ðầu có hai vạch đen nhỏ nằm xiên về phía sau, không có móc độc, có vảy má. Vảy thân màu xám có gờ, từ 17 - 19 hàng, vảy bụng: 130 - 140. Vảy hậu môn chẻ đôi. Vảy đuôi có 2 hàng.

- Rắn nước phổ biến ở nước ta, nơi ở là ruộng nước, bờ ao, bờ ruộng, vũng nước ngoài đồng, quanh nhà. Thức ăn là cá, ếch nhái. Ðẻ trứng có vỏ dai, hình bầu dục ( 8 - 80 trứng).

Rắn nước chậm chạp. Không chủ động cắn người, gặp nguy hiểm sẽ lẫn trốn.

2.3 Rắn trun cườm (Cylindrophis rufus)

- Rắn dài khoảng 0,8m. Toàn cơ thể có màu nâu đen bóng. Hai bên thân có các vết màu nâu ngắn xen kẻ với các sọc trắng ở bụng, cuối đuôi màu đỏ. Ðầu và đuôi giống nhau nên còn gọi rắn hai đầu. Ðầu không phân biệt với cổ. Không có móc độc. Vảy lưng có hình

lục giác, vảy thân phẳng, số hàng vảy thân (19 - 21 - 17). Vảy bụng nhỏ: 186. Vảy hậu môn nguyên. Vảy đuôi 1 hàng. Ðuôi rắt ngắn và tù.

- Rắn trun cườm phân bổ phổ biến. Nó sống chui luồng, đào hang trong đất ở nơi ẩm ướt, đồng ruộng, bờ mương, vườn tược. Thức ăn: lươn, rắn, ếch, nhái, sâu bọ, giun, rắn khác. Hoạt động về ban đêm, ngày lẫn tránh trong hang. Rắn trun đẻ con, 2 - 3 con/lứa. Không có móc độc nên không nguy hiểm cho người. Rắn chậm chạp, không chủ động cắn người, nhưng khi bị kích thích sẽ thu ngắn thân lại, thân dẹp theo chiều ngang, đuôi dựng đứng lên để dọa nhờ màu đỏ ở mút đuôi.

Rắn có thể dùng ngâm rượu trị đau lưng, nhức mõi.

2.4 Rắn hổ hành (Xenopeltis unicolor)

- Rắn dài hơn 1m. Mặt lưng màu xám đến xám đen, vảy rất bóng ra ngoài ánh sáng ánh lên nhiều sắc tím, xanh, đỏ ... Bụng màu trắng đục. Ðầu không phân biệt với cổ . Mắt nhỏ, không có móc độc. Vảy thân phẳng, số hàng vảy thân (15 - 15 - 17). Vảy bụng 174. Vảy hậu môn nguyên, hai hàng vảy đuôi. Ðuôi ngắn.

- Rắn hổ hành phân bổ phổ biến, nơi ở là các nơi ẩm thấp, chung quanh nhà, bờ ruộng. Sống chui luồng trong đất. Hoạt động vào ban đêm. Thức ăn là ếch, nhái, chuột, thằn lằn, cá, gà, vịt, trứng. Ðẻ vào tháng 10, số trứng đẻ 17 trứng /lứa. Rắn hổ hành không chủ động cắn người, khi bị phát hiện tìm đường lẫn trốn.

Dùng làm thực phẩm, ngâm rựợu (trị phong thấp, đau nhức).

2.5 Rắn lục bay (Chrysopelea ornata)

- Rắn có kích thước tương đối lớn, dài từ 1m - 1,4m, thân nhỏ, đuôi dài. Màu sắc biến đổi, đầu màu đen, kẻ vảy màu vàng, có các đường vàng vắt ngang. Mặt lưng có vảy đen, ở giữa có đốm vàng lục. Ðầu hình thoi, dẹp, phân biệt với cổ ; mõm tròn. Mắt to, con ngươi tròn, có móc độc ở phía sau hàm. Vảy lưng phẳng hoặc hơi có gờ. Vảy thân hình thoi, số hàng vảy thân (19 - 19 - 15). Vảy bụng 200 - 238. Tấm hậu môn chẻ đôi. Vảy đuôi xếp hai hàng. Ðuôi thon dài, nhọn.

- Rắn lục bay phân bổ phổ biến các tỉnh miền Nam. Nơi ở: Trên cây, trong vườn, bụi rậm; nơi rậm rạp hoang vu xung quanh nhà. Thức ăn là thạch sùng, tắc kè, ếch nhái, chim, chuột, dơi. Chúng hoạt động ban ngày hay xuất hiện ở những nơi gần nhà. Rắn lục bay leo trèo giỏi. Ở trên cây nó quấn đuôi vào cành, nhanh chóng đưa thân dài nhô ra quăng mình lên hướng về phía cành cây xa hơn. Rắn có thể cong mình và rơi từ từ như một cái dù. Rắn lục bay rất nhanh nhẹn, không chủ động tấn công người, nhiều khi đến gần nó vẫn không cắn nhưng thình lình rắn nhỏm dậy, há miệng và mổ. Ðẻ trứng, từ 10 - 12 trứng/lứa.

Rắn có móc độc phía sau. Khi cắn người sẽ gây đau nhức nhưng nọc độc không nguy hiểm cho người.

Dùng làm thực phẩm. Da dùng làm giày, dép, thắt lưng...

- Rắn lớn thường dài hơn 1m, con lớn nhất dài đến 1,7m. Ðầu tù, dẹp màu đen có hình V ngược màu vàng chếch xuống bên cổ. Thân và đuôi có từ 24 - 27 khoanh màu đen, màu vàng xếp xen kẻ (khoanh đen rộng bằng khoanh vàng hay rộng hơn một chút). Sống lưng gồ cao thành một gờ dọc rất rõ. Các vảy đầu xếp đối xứng, không có vảy má, có móc độc phía trước. Vảy thân có 15 hàng, vảy bụng từ 200 - 234. Vảy hậu môn nguyên, vảy đuôi một hàng. Mút đuôi tù.

- Rắn mái gầm thường gặp ở nước ta, nhất là vùng đồng bằng và vùng trung du. Nơi ở là bờ sông, bờ đê, bờ ruộng, gò đồng, vườn tược, bụi tre, hang ẩm. Rắn mái gầm hoạt động vào ban đêm, thức ăn là các loài rắn khác, thằn lằn, cá đôi khi chúng ăn cả chuột và trứng rắn. Rắn này chậm chạp, ít cắn người ngay cả khi bị kích thích, châm chọc, nhưng khi cắn thì rất nguy hiểm vì nọc rất độc. Ðẻ từ 8 - 12 trứng vào khoảng tháng 5, con cái giữ trứng. Ngoài thiên nhiên số lượng giảm sút trầm trọng do bị săn bắt triệt để, nên phải có biện pháp bảo vệ, tổ chức nuôi.

Rắn mái gầm được dùng làm thực phẩm, ngâm rượu (tam xà) trị phong thấp, viêm khớp ... Da có thể dùng làm giày, dép, ví, thắt lưng.

2.7 Rắn hổ mang hay rắn hổ đất (Naja naja)

- Kích thước lớn dài 1,5m - 3m. Lưng màu nâu sẩm hoặc đen, cổ có đốm tròn màu đen viền vàng da cam hay trắng. Cổ có khả năng bạnh ra lúc đó hiện rõ 1 - 2 vòng tròn giống như mang kính. Ðầu tù hơi dẹp không phân biệt với cổ . Mõm tròn, không có vảy má, có móc độc phía trước. Số hàng vảy thân (23 - 21 - 15). Vảy bụng: 177. Tấm hậu môn nguyên. Vảy đuôi có 2 hàng, đuôi thon dài, chót đuôi nhọn.

- Rắn hổ mang phân bổ phổ biến ở nước ta, nhất là vùng đồng bằng và trung du. Nơi ở của chúng là hang chuột, hang mối, bờ ruộng, gò đống, gốc cây, bụi rậm, trong các công trình đổ nát gần bờ nước. Rắn lớn kiếm ăn vào ban đêm, rắn non kiếm ăn vào ban ngày. Thức ăn gồm có: cá, lưỡng cư, thằn lằn, thú nhỏ, chuột, chim, trứng các loài chim hoặc rắn nhỏ khác. Rắn hổ mang khá hung dữ nhưng không chủ động tấn công người. Ban ngày rắn hổ mang kèm hoạt động, lành như đất (nên có tên là hổ đất). Rắn non thường dữ hơn rắn trưởng thành. Khi bị kích thích thì đầu dựng thẳng lên, cổ bạnh ra, thở mạnh dọa nạt nghe phì phì, phun nọc độc đến 1 - 2m và mổ. Rắn hổ mang đẻ từ 8 - 20 trứng vào tháng 6 - tháng 8, sau 45 - 80 ngày trứng nở thành rắn con. Trong thời kỳ áp trứng, rắn đực và rắn cái thường hoạt động gần nơi đẻ trứng.

Số lượng rắn hổ mang ngoài thiên nhiên giảm sút nhiều, cần được bảo vệ và nuôi.

Rắn hổ mang được dùng làm thực phẩm, ngâm rượu trị phong thấp, viêm khớp... Nọc rắn dùng làm thuốc, xuất khẩu. Da có thể dùng làm giày, dép, túi xách, thắt lưng. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

2.8 Rắn lục đầu vồ (Trimeresurus poperum)

- Rắn có kích thước lớn dài khoảng 1m. Mặt lưng có màu xanh lá cây, mặt bụng xanh lá cây nhạt hơn, mỗi bên thân có một vạch trắng hay vàng, mút đuôi đỏ nâu. Ðầu to hình tam giác phân biệt với cổ. Các vảy đầu nhỏ không đối xứng. Giữa mắt và mũi có hố má, có móc độc hình ống rãnh. Mắt hình bầu dục. Vảy thân tiếp xúc không hoàn toàn, số hàng vảy thân (21 - 21 - 15). Vảy bụng: 158. Tấm hậu môn nguyên, vảy đuôi xếp hai hàng. Ðuôi ngắn, nhỏ.

- Rắn lục đầu vồ phân bổ phổ biến ở vùng đồi núi, đồng bằng miền Nam nước ta. Nơi ở:

Thường sống trên cây, trong bụi rậm, khu dân cư, các mảnh đất bỏ hoang, trong rừng tre, khó phát hiện trong tán lá rậm. Thức ăn là chuột, chim nhỏ, thằn lằn, nòng

nọc, ếch, nhái. Rắn này bình thường không hung dữ, ban ngày nằm im trong cây hoặc ẩn trong hốc cây nếu bị kích thích bất ngờ thì có phản ứng mổ rất nhanh bật phần sau cơ thể ra phía trước. Thường hoạt động về ban đêm. Ðẻ con, mỗi lứa từ 7 - 12 con vào tháng 8 - tháng 9.

Rắn lục đầu vồ là loài rắn độc, nọc độc tác động lên hệ tuần hoàn có thể làm chết người nhất là trẻ em.

Dùng ngâm rượu (trị phong thấp, đau xương, nhức cơ), nọc rắn dùng làm huyết thanh trị rắn cắn, da thuộc dùng làm túi xách, thắt lưng...

Một phần của tài liệu Giáo trình động vật học part 9 potx (Trang 26 - 29)