Các loại bộ nhớ

Một phần của tài liệu Giáo trình Sửa chữa máy tính (Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính - Cao đẳng) Phần 2 (Trang 34 - 35)

- Tính cẩn thận, chính xác, suy luận hợp logic.

7.2.3.Các loại bộ nhớ

RAM tĩnh (static RAM - SRAM): lưu giữ các bit trong những tế bào của mình dưới dạng chuyển mạch điện tử. Tế bào SRAM mở mạch điện (logic 1) hoặc tắt mạch (logic 0) để phản ánh trạng thái của tế bào. Thực tế đó là các mạch flip-flop trong tình trạng set hoặc reset. Mạch flipflop sẽ giữ nguyên mẫu trạng thái cho đến khi được thay đổi bởi thao tác ghi tiếp theo hoặc ngắt điện. Tuy nhiên SRAM có kích thước lớn và tốn điện, hiện nay thường được chế tạo sẵn trong giới hạn 512K. Mặc dù có tốc độ nhanh, nhưng phức tạp và đắt tiền, SRAM chỉ được sử dụng trong các bộ phận cần phải cótốc độ như bộ nhớ cache chẳng hạn.

RAM động (dynamic RAM - DRAM): lưu giữ các bit dưới dạng điện tích chứa trong các tụ điện cực nhỏ, đó là các điện dung của bản thân transistor MOS đóng vai trò chuyển mạch hoặc phần tử điều khiển. Có hoặc không có điện tích trong tụ điện này tương ứng với logic 1 hoặc logic 0. Do tụ điện nhỏ nên điện tích được nạp và phóng rất nhanh, cỡ chục nanô giây. Bởi kích thước nhỏ

và hầu như không tiêu thụ điện nên DRAM có mật độ lưu trữ khá cao và giá rẻ. Nhược điểm duy nhất của DRAM là không giữ được thông tin lâu quá vài miligiây, nên phải thường xuyên nạp lại năng lượng cho nó gọi là làm tươi hay hồi phục (refresh), thực chất là làm đầy lại điện tích cho các tụ điện nhớ tí hon.

Bộ nhớ ROM thực chất là một tổ chức ghép nối sẵn các mạch điện để thể

hiện các trạng thái có nối (logic 0) hoặc không nối (logic 1). Cách bố trí các trạng thái 1 và 0 như thế nào là tùy yêu cầu, và được chế tạo sẵn trong ROM khi sản xuất. Khi vi mạch ROM được chế tạo xong thì nội dung của nó không thể thay đổi nữa. ROM dùng trong hệ BIOS cũ thuộc loại này cho nên khi bật máy tính là các chương trình chứa sẵn trong đó được lấy ra để chạy khởi động máy (bao gồm các bước kiểm tra chẩn đoán, hỗ trợ phần mềm cơ sở và hợp nhất các bộ phận trong hệ thống máy). Ta không muốn và cũng không thể thay đổi bất cứ điều gì đối với các chương trình cốt tử này.

Tuy nhiên khi phát hiện có một lỗi trong ROM hoặc cần đưa vào một thông số BIOS mới để phù hợp với thiết bị ngoại vi mới thì thật là tai họa. Gần đây có một giải pháp là dùng flash BIOS, nó thay một phần ROM bằng loại EEPROM, đó là vi mạch ROM có thể lập trình và xóa bằng điện (Electrically Erasable Programmable ROM). Phương pháp này cho phép chỉ xóa ở một số địa chỉ, không phải toàn bộ trong khi vi mạch vẫn giữ nguyên trên board.

Một phần của tài liệu Giáo trình Sửa chữa máy tính (Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính - Cao đẳng) Phần 2 (Trang 34 - 35)