Hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Một phần của tài liệu Tài liệu lưu hành nội bộ, chưa phổ biến (Trang 25 - 26)

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo dành cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 giúp học sinh vận dụng những tri thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ đã học từ nhà trường và những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo.

Bên cạnh việc hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực chung của chương trình giáo dục, hoạt động trải nghiệm sáng tạo còn tập trung hình thành, phát triển các năng lực đặc thù cho học sinh: Năng lực tổ chức hoạt động, năng lực tổ chức và quản lý cuộc sống, năng lực tự nhận thức và tích cực hoá bản thân, năng lực định hướng và lựa chọn nghề nghiệp.

Nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo gồm phần bắt buộc (bao gồm cả các hoạt động tập thể) và tự chọn (TC3), được thiết kế theo nguyên tắc tích hợp, hoặc đồng tâm kết hợp với tuyến tính. Nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo được xây dựng thành các chủ đề mang tính chất mở và tương đối độc lập với nhau dựa trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, sản xuất, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hoá, chính trị xã hội,... của địa phương, vùng miền, đất nước và quốc tế để học sinh và nhà trường lựa chọn, tổ chức thực hiện một cách phù hợp, hiệu quả.

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình hoạt động trải nghiệm sáng tạo tập trung vào việc hình thành các phẩm chất nhân cách, những thói quen, kỹ năng sống,... Thông qua hoạt động trải nghiệm học sinh được bước vào cuộc sống xã hội, được tham gia các dự án học tập, các hoạt động thiện nguyện, hoạt động lao động, các loại hình câu lạc bộ khác nhau,... Bằng hoạt động trải nghiệm của bản thân, mỗi học sinh vừa là người tham gia, vừa là người kiến thiết và tổ chức các hoạt động cho chính mình nên học sinh không những biết cách tích cực hoá bản thân, khám phá bản thân, điều chỉnh bản thân mà còn biết cách tổ chức hoạt động, tổ chức cuộc sống và biết làm việc có kế hoạch, có trách nhiệm. Đặc biệt, ở giai đoạn này, mỗi học sinh cũng bắt đầu xác định được năng lực, sở trường, và chuẩn bị một số năng lực cơ bản cho người lao động tương lai và người công dân có trách nhiệm.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, chương trình hoạt động trải ngiệm sáng tạo được tổ chức gắn với nghề nghiệp tương lai chặt chẽ hơn, hình thức câu lạc bộ nghề nghiệp phát triển mạnh hơn. Học sinh sẽ được đánh giá về năng lực, hứng thú,... và được tư vấn để lựa chọn và định hướng nghề nghiệp. Ở giai đoạn này, chương trình có tính phân hoá và tự chọn cao. Học sinh được trải nghiệm với các ngành nghề khác nhau dưới các hình thức khác nhau.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo sử dụng các hình thức và phương pháp chủ yếu sau: thực địa, tham quan, câu lạc bộ, hoạt động xã hội/tình nguyện, diễn đàn, giao lưu, hội thảo, trò chơi, cắm trại, thực hành lao động,...

Đánh giá năng lực của học sinh từ hoạt động trải nghiệm sáng tạo chủ yếu bằng phương pháp định tính thông qua quan sát hành vi và thái độ; bảng kiểm, tự luận và hồ sơ hoạt động,...

Ngoài hoạt động trải nghiệm sáng tạo được nêu trên, trong từng môn học cũng coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với đặc trưng nội dung môn học và điều kiện dạy học.

Một phần của tài liệu Tài liệu lưu hành nội bộ, chưa phổ biến (Trang 25 - 26)