Những giải pháp chủ yếu đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang EU

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN CHÍNH SÁCH THƯƠNG mại QUỐC tế đề tài TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU mặt HÀNG THỦY sản của VIỆT NAM SANG EU (Trang 26)

V. Những giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong tương lai

1. Những giải pháp chủ yếu đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang EU

Tăng cường đầu tư và quản lý tốt việc đánh bắt hải sản xa bờ và nuôi trồng thủy sản để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu

Để đạt được những phương hướng lớn và nhiệm vụ trong xuất khẩu thủy sản sang EU cũng như sang tất cả các thị trường, thì điều trước tiên là phải giải quyết được vấn đề nguyên liệu cho chế biến thủy sản xuất khẩu. Trong khi nguồn tài nguyên ven bờ của nước ta đã bị cạn kiệt do khai thác quá công suất trong thời gian qua, chỉ còn tiềm năng tăng sản lượng đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thủy sản.

Theo Bộ Thủy sản, nguồn tài nguyên thủy sản xa bờ của nước ta có trữ lượng 1.932.382 tấn, khả năng khai thác là 771.775 tấn. Đến năm 1997, ta mới khai thác được khoảng 200.000 tấn chiếm trên 10% trữ lượng và khoảng 25- 26% khả năng khai thác cho phép. Đây thực sự là tiềm năng nguyên liệu lớn mà Việt Nam có thể khai thác phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, vấn đề khai thác được tiềm năng này đến mức nào lại phụ thuộc rất lớn vào khả năng quản lý cũng như năng lực, trình độ công nghệ của nghề cá Việt Nam.

Vì vậy, để khai thác được tiềm năng nguyên liệu còn rất lớn cho chế biến thủy sản xuất khẩu, Nhà nước phải giữ vai trò quyết định bằng việc tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia và bản thân Nhà nước thực thi các chính sách quản lý, đầu tư thỏa đáng để đảm bảo khai thác tốt nguồn lợi hải sản xa bờ cũng như cải tiến kỹ thuật nuôi trồng

23

thủy sản để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu chất lượng cao cho chế biến thủy sản xuất khẩu.

Tăng cường năng lực công nghệ chế biến, cải tiến chất lượng và an toàn vệ sinh hàng thủy sản xuất khẩu theo tiêu chuẩn HACCP (Hazard Analysis and

Critical Control Point System - hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn)

Tăng cường năng lực công nghệ chế biến, mở rộng và xây mới các cơ sở chế biến nâng công suất chế biến lên 1000 tấn/ ngày vào năm 2000 và 1500 tấn/ ngày vào năm 2005. Cần định hướng, đầu tư thích hợp cho đổi mới công nghệ, nâng cấp các điều kiện sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm bớt lao động chân tay để tăng khả năng cạnh tranh của thủy sản nước ta tại EU cũng như ở các thị trường khác. Các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới công nghệ, trang thiết bị để sản xuất những sản phẩm thủy sản có giá trị xuất khẩu cao, giá cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng khó tính EU.

Hướng xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới của nước ta là phải tăng được thị phần ở các nước EU và Bắc Mỹ, nơi mà mọi vấn đề liên quan tới chất lượng đều được quy tụ trong việc thực hiện các tiêu chuẩn HACCP. Mặc dù đã đạt được kết quả là 33 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản vào EU, 29 doanh nghiệp được xuất khẩu thủy sản cấp liên minh vào EU nhưng điều thách thức là bất kỳ lúc nào EU cũng có thể tuyên bố cấm vận nếu có vi phạm.

Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường thẩm quyền của Trung tâm Kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thủy sản (NAFIQACEN), để đảm bảo các điều kiện tương đương của EU về cơ quan quản lý chất lượng. Cần có chính sách hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản để đáp ứng yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn hàng thủy sản của EU. Các doanh nghiệp Việt Nam là người trực tiếp thực hiện chất lượng sản phẩm phải quán triệt quan điểm chất lượng cùng với giá cả hợp lý là điều kiện sống còn của doanh nghiệp, từ đó nâng cao ý thức đối với việc

24

cung cấp những sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu của EU cũng như của các thị trường khác.

Phát triển thêm nhiều mặt hàng thủy sản cho xuất khẩu, tăng giá thủy sản xuất khẩu trong điều kiện đảm bảo cạnh tranh

Cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU cũng như sang các thị trường khác trong thời gian qua khoảng hơn 90% là dạng sản phẩm tươi, ướp đông, đông lạnh (riêng giáp xác và nhuyễn thể là 80-85%). Sự mất cân đối về cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu đã làm hạn chế kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, cần phải tăng hơn nữa tỷ trọng hàng đông lạnh sơ chế. Nếu như làm được điều này, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu thay đổi sẽ có khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu.

Giá thủy sản xuất khẩu của nước ta so với giá cả trung bình thế giới là tương đối thấp. Việc thay đổi cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu sẽ là yếu tố quyết định để nâng cao mức giá thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, không chỉ ở EU mà còn ở nhiều thị trường khác. Việc nâng tỷ trọng hàng chế biến sâu như đồ hộp hay thủy sản ăn liền trong tổng xuất khẩu hàng thủy sản, cũng như việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật mới để có khả năng xuất khẩu các loại thủy sản sống giá trị cao là một công việc khó khăn, đòi hỏi phải được sự đầu tư thích đáng và hiệu quả.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến hàng thủy

Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường và các hoạt động xúc tiến thương mại, đáp ứng thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp. Ngoài những nỗ lực của bản thân doanh nghiệp trong việc duy trì, mở rộng thị trường, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các thị trường mới.

Nhà nước nên cho phép Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam được mở Văn phòng đại diện tại EU, cụ thể là đặt tại Brucxen (Bỉ) để tăng cường công tác tiếp thị cho sản phẩm thủy sản nước ta.

25

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam với tư cách là người đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về thị trường EU cho các doanh nghiệp và giúp đỡ giải quyết những vấn đề phát sinh trong các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu thủy sản sang EU. Ngoài ra, Hiệp hội cần tiến hành nghiên cứu thị trường thủy sản EU, nghiên cứu và đề xuất việc tham gia các hội chợ, tổ chức các chiến dịch quảng cáo hàng thủy sản Việt Nam ở các nước EU, phối hợp với các nhà nhập khẩu và phân phối ở thị trường tiềm năng để quảng cáo khuếch trương hàng thủy sản Việt Nam ở EU hay trợ giúp và đào tạo kỹ thuật cho cán bộ thị trường của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng thủy sản xuất khẩu

Tăng cường hợp tác kinh tế - kỹ thuật với các nước, đặc biệt là các nước EU trong sản xuất, chế biến hàng thủy sản xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ hội nhập khu vực và thế giới

Việt Nam đã gia nhập Hiệp hội nghề cá các nước Đông Nam Á, APEC và chuẩn bị gia nhập WTO, hội nhập với khu vực và thế giới, mở ra nhiều khả năng to lớn cho Việt Nam học tập kinh nghiệm của các nước có ngành thủy sản phát triển (nhất là các nước thuộc EU), hạn chế được những tranh chấp có thể xảy ra giữa các nước trong vùng và tận dụng tốt hơn nguồn tài nguyên biển và đảm bảo một thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Việc Việt Nam tham gia vào AFTA, APEC... chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội vô cùng to lớn để Việt Nam tranh thủ nguồn vốn đầu tư, đổi mới công nghệ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ khoa học kỹ thuật để phát huy tốt nhất nội lực của đất nước, mở ra thị trường rộng lớn hơn cho hàng thủy sản nước ta, do vậy mà nâng cao được kim ngạch xuất khẩu (đặc biệt là EU) cũng như hiệu quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

11. Các giải pháp khác nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang EU

Đa dạng hóa các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, vấn đề kết hợp xuất nhập khẩu và vận dụng linh hoạt các phương thức mua bán quốc tế

26

Kết hợp việc củng cố vị trí cho các tập đoàn xuất khẩu lớn với việc giúp đỡ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xuất khẩu hàng thủy sản. Thực ra việc kết hợp này sẽ phát huy được lợi thế của các doanh nghiệp trong sản xuất chế biến hàng thủy sản xuất khẩu. Bởi vì, nếu chỉ tập trung hỗ trợ các tập đoàn lớn thì điều kiện đầu tư, đổi mới trang thiết bị sẽ tốt hơn và việc đào tạo sẽ tập trung hơn... Phát triển nguồn nhân lực cho ngành thủy sản

Yếu tố quan trọng nhất trong sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu vẫn là yếu tố con người. Việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành thủy sản thông qua việc nâng cao trình độ văn hóa và tay nghề cho ngư dân, đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và cán bộ thị trường để có đủ năng lực và thích ứng với yêu cầu của nền kinh tế thị trường có điều tiết là chìa khóa cho sự thành công của chiến lược xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong thời gian tới, bởi vì: các biện pháp khuyến khích của Nhà nước ngay cả khi được xác định một cách khoa học và đúng đắn cũng chỉ là điều kiện cần cho xuất khẩu, trách nhiệm cuối cùng cũng như khả năng tận dụng mọi ưu đãi đó để chào bán các sản phẩm có tính cạnh tranh cao để mở rộng thị trường xuất khẩu lại thuộc về bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng như những nỗ lực chủ quan của họ, đây mới là điều kiện đủ.

Chỉ đạo đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa ngành chế biến thủy sản xuất khẩu Sức ì của các doanh nghiệp quốc doanh đã làm chậm đáng kể bước tiến của ngành thủy sản xuất khẩu khi mà có đến 80% doanh nghiệp chế biến thủy sản là doanh nghiệp Nhà nước. Các doanh nghiệp này phần lớn do thiếu vốn nên tiến độ đổi mới công nghệ và đổi mới phương thức quản lý ngành, nhất là quản lý chất lượng diễn ra chậm. Tình trạng thụ động ngồi chờ khách hàng, ít đầu tư cho công tác tiếp thị, quảng cáo... là phổ biến, ngược lại hẳn với khối doanh nghiệp tư nhân hết sức năng động và có khả năng cạnh tranh cao trong xuất khẩu thủy sản.

27

KẾT LUẬN

Thủy sản là một mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Trong thời gian qua, xuất khẩu thủy sản đã đạt được những thành tựu rất đáng kể trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam.

Đạt được những thành tựu đó, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, phải kể đến sự tác động của hệ thống chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Nhà nước đã áp dụng trong thời gian qua và xuất khẩu thủy sản sang EU không nằm ngoài sự tác động đó.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU cũng như sang các thị trường khác vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn gây trở ngại không nhỏ cho việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU trong những năm tới, đòi hỏi sự cố gắng vượt bậc, sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta, điều này là hết sức cần thiết và cực kì quan trọng.

Thị trường EU là một thị trường tiềm năng, một thị trường mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh hoạt động thương mại của mình. Nhưng đồng thời cũng là thị trường có sự cạnh tranh gay gắt đối với hầu hết tất cả các mặt hàng trong đó có mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Những năm gần đây, thị trường EU lại càng đưa ra nhiều quy định khắt khe đối với mặt thủy sản của các nước xuất khẩu điều đó sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ, nhất quán, hiệu quả giữa các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong việc thực thi các chính sách vĩ mô của Nhà nước cũng như những qui chế, những yêu cầu của thị trường EU. Do đó, chúng ta phải có các bước đi chiến lược đối với thị trường rộng lớn này.

Qua nghiên cứu cho thấy, trong những năm qua hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã đạt được những thành tựu đáng kể, đóng góp không

28

nhỏ vào GDP của cả nước. Bên cạnh đó hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU vẫn bộc lộ nhiều hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là việc đáp ứng các tiêu chuẩn kĩ thuật, vấn đề thông tin cho các doanh nghiệp và đặc biệt là sự liên kết của các doanh nghiệp trước một thị trường lớn. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến khả năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU trong thời gian tới.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần không ngừng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản sang EU. Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp và ngư dân nhằm tạo ra một hướng đi thống nhất; sự quy hoạch về nguyên liệu và đặc biệt là chất lượng thủy sản. Đạt được điều này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ và phối hợp đồng thời của các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Chí Thành - Tài liệu: Thị trường EU và khả năng xuất khẩu hàng hoá

của Việt Nam - Nhà xuất bản Lao động - xã hội

2. Hồ sơ các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam - Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Thương mại

3. Vũ Chí Lộc - Tài liệu: Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Châu Âu - Nhà xuất bản lý luận chính trị

4. Thời báo Kinh tế Việt Nam các số 2000-2010. 5. Một số trang web:

Trang thông tin điện tử Tổng cục thủy sản - https://tongcucthuysan.gov.vn/vi- vn/

Tạp chí thủy sản Việt Nam - https://thuysanvietnam.com.vn/

Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản - http://www.nafiqad.gov.vn/ Cổng thông tin điện tử Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn -

https://www.mard.gov.vn/Pages/default.aspx

29

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN CHÍNH SÁCH THƯƠNG mại QUỐC tế đề tài TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU mặt HÀNG THỦY sản của VIỆT NAM SANG EU (Trang 26)