Trong quá trình thực thi chính sách đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số, cần thường xuyên đánh giá từng năm và đánh giá theo giai đoạn kết quả thực hiện chính sách. Đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số được hiểu là quá trình xem xét, kết luận về chỉ đạo, điều hành và chấp hành chính sách của các đối tượng thực hiện chính sách.
Cơ sở để đánh giá tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách trong các cơ quan là kế hoạch được giao và những nội quy, quy chế được xây dựng. Đồng thời còn kết hợp sử dụng các văn bản liên tịch giữa cơ quan Nhà nước với các tổ chức xã hội và các văn bản quy phạm khác để xem xét tình hình phối chỉ đạo, điều hành thực thi chính sách của các tổ chức chính trị và xã hội với Nhà nước.
Bên cạnh đó còn xem xét đánh giá việc thực hiện của các đối tượng tham gia thực hiện chính sách bao gồm: đối tượng thụ hưởng lợi ích trực tiếp và gián tiếp từ chính sách. Thước đó đánh giá kết quả thực hiện của các đối tượng này là tinh thần hưởng ứng với mục tiêu chính sách và ý thức chấp hành những quy định về cơ chế, biện pháp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành để thực hiện mục tiêu chính sách trong từng điều kiện về không gian và thời gian.
1.3. Các chủ thể thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số tỉnh là người dân tộc thiểu số
1.3.1. Uỷ ban nhân dân tỉnh
- Căn cứ nội dung nội dung các chính sách đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh
chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện từng năm, năm liền kề trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho ý kiến thực hiện.
- Chỉ đạo rà soát, phân loại cán bộ, công chức cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số thành các nhóm đủ tiêu chuẩn, chưa đủ tiêu chuẩn, trong độ tuổi quy hoạch cần đào tạo, ngoài độ tuổi cần đào tạo, bồi dưỡng và có phương án thay thế cán bộ yếu kém.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm tốt công tác quy hoạch, tiếp nhận, bố trí, phân công công tác cho cán bộ, công chức cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số đúng vị trí, chuyên môn theo quy định hiện hành.
1.3.2. Ban Tổ chức Tỉnh ủy
Ban Tổ chức Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy về công tác tổ chức xây dựng Đảng gồm: Tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ trong tỉnh: - Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xây dựng quy hoạch cán bộ, kế hoạch luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý.
- Tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy quyết định cử cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước...
1.3.3. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc
- Sở Nội vụ
Là cơ quan tham mưu và giúp lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác tổ chức cán bộ, có trách nhiệm tham mưu thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số cụ thể như: xác định vị trí việc làm; xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm tùy theo từng lĩnh vực quản lý, từng đối tượng; chương trình đào tạo theo từng nội dung cụ thể; thực hiện công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng, quy hoạch, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển, chế độ chính sách…
Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính. Chịu trách nhiệm cân đối ngân sách của địa phương, tham mưu cho lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí, để thực hiện các chính sách đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số; đồng thời, duyệt quyết toán kinh phí thực hiện các chính sách theo đúng quy định.
- Các cơ quan cấp tỉnh:
Thực hiện tuyển dụng, bố trí, sử dụng, quy hoạch, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số đảm bảo đúng quy định. Chọn cử cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo tiêu chuẩn và trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.
Tạo điều kiện hỗ trợ cho cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách một cách tốt nhất.
1.3.4. Đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số
Chấp hành nghiêm túc các quy định, quyết định của cấp có thẩm quyền về bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, phân công công tác và việc cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi được tổ chức cử đi học tập, nghiên cứu, tập huấn ở các lớp nhằm nâng cao trình độ thì phải có thái độ cầu thị, nhất trí và hưởng ứng, không được né tránh, mượn nhiều lý do để từ chối học tập nâng cao trình độ...
Tiểu kết chương 1
Cán bộ, công chức cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong hoạt động của cả hệ thống chính trị, trong vận động đồng bào các dân tộc thiểu số. Để có đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số, cấp ủy các cấp cần coi trọng và làm tốt các mặt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số.
Chính sách đối với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ trong công tác cán bộ của các cấp uỷ đảng địa phương, là quá trình gồm hệ thống các công việc từ xây dựng tiêu chuấn, cơ cấu nguồn, đến phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, bố trí và sử dụng nguồn cho hệ thống chính trị nhằm tạo ra một đội ngũ những người trong các dân tộc thiểu số có đủ tiêu chuấn, điều kiện để bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức các cấp.
Việc thực hiện các chính sách đối với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số giúp bồi dưỡng nhân tài vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tạo nguồn xa và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn gần; Thu hút đối tượng tạo nguồn người dân tộc thiểu số vào tổ chức, điều động, luân chuyển, bố trí qua các vị trí công tác khác nhau; Quy hoạch nguồn theo chức danh; Thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Thực hiện các chính sách đối với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số là khâu có vị trí hàng đầu đối với việc đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số; giúp cấp uỷ địa phương chủ động trong bầu cử, bổ nhiệm, bố trí cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Thực hiện các chính sách đối với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số có ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Đồng thời, thực hiện các chính sách đối với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số góp phần quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng các dân tộc thiểu số, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
Chương 2
THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP TỈNH LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ
TẠI TỈNH LAI CHÂU