2.1.1. Điều kiện tự nhiên
Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có độ cao trung bình 400 - 800 mét so với mặt nước biển, cách Thủ đô Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km. Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai; phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hoà; phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông; phía Tây giáp tỉnh Mondulkiri - Vương quốc Campuchia. Có diện tích tự nhiên 13.125 km2.
Tổng dân số toàn tỉnh vào thời điểm 0h ngày 01/4/2019 (theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019) là 1.869.322 người (trong đó dân số nam là 942.578 người, chiếm 50,42% và dân số nữ là 926.744 người, chiếm 49,58 %), là tỉnh đông dân nhất khu vực Tây nguyên và đứng thứ 10 toàn quốc. Mật độ dân số là 143,71 người/km² (trong đó, dân số thành thị là 462.118 người chiếm 24,72% tổng dân số, khu vực nông thôn có 1.407.204 người cư trú, chiếm 75,28%). Dân số trên địa bàn tỉnh phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, thị trấn, huyện lỵ, ven các trục Quốc lộ 14, 26, 27 đoạn qua các huyện Krông Búk, Krông Pắk, Ea Kar, Krông Ana. Các huyện có mật độ dân số thấp chủ yếu là các huyện đặc biệt khó khăn như Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, M’Đrắk, Ea H’leo…
Đắk Lắk có 49 dân tộc hiện đang cư trú trên địa bàn (trong đó, đông nhất là dân tộc kinh chiếm 64,3%, kế đến là dân tộc Êđê chiếm 18,79%; dân tộc Nùng chiếm 4,1%; dân tộc Tày là 2,3%; dân tộc Mông là 2,1%,…). Một số dân tộc như Tày, Nùng, Mường... ở vùng các tỉnh phía bắc di cư vào Đắk Lắk những năm giai đoạn 1999-2009 tăng, đến giai đoạn 2009-2019 đã giảm dần. Chỉ riêng có dân tộc H Mông năm 1999 chỉ có 8.145 người đến năm 2009 là 22.760 người, năm 2019 là 39.241người, dân tộc này có tỷ sinh tăng rất nhanh qua các năm.
Có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì Đắk Lắk có 14 thành phần tôn giáo; trong đó, năm 2019 có 465.746 người theo tôn giáo, chiếm 24,91% dân số; nhiều nhất là Tin lành chiếm 9,87%, Công giáo chiếm 9,79%, Phật giáo chiếm 5,01%, Cao đài chiếm 0,13%, các tôn giáo còn lại chiếm tỷ trọng nhỏ.
Tỉnh Đắk Lắk có bản sắc văn hóa đa dạng với 49 dân tộc tương ứng 49 nét đẹp văn hóa riêng biệt, tất cả các truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc tạo nên sự đa dạng, phong phú. Kho tàng văn học dân gian nổi tiếng với những bản sử thi, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, lời nói vần… đậm đà bản sắc dân tộc lưu truyền qua bao thế hệ. Bên cạnh đó, dân tộc Êđê còn có hệ thống chữ viết, áp dụng phổ biến từ thời Pháp, Mỹ cho đến nay. Điểm nổi bật của văn hoá bản địa Đắk Lắk là: văn hoá lễ hội nhà dài, văn hoá cồng chiêng, văn hoá mẫu hệ, văn hoá ẩm thực, văn hoá sử thi, văn hoá luật tục, văn hoá cộng đồng thật đặc biệt, phong phú giàu bản sắc dân tộc. Trước đây cũng như hiện nay, quan hệ xã hội cốt yếu của đồng bào các dân tộc vẫn còn mang đậm tính huyết thống và tính tập thể bền chặt.
Tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 13 huyện. Trong đó có 184 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 152 xã, 20 phường và 12 thị trấn.
Địa hình của tỉnh rất đa dạng, nằm ở phía Tây và cuối dãy Trường Sơn, là một cao nguyên rộng lớn, địa hình dốc thoải, lượn sóng, khá bằng phẳng xen kẽ với các đồng bằng thấp ven theo các sông chính. Địa hình của tỉnh có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc.
Khí hậu toàn tỉnh được chia thành hai tiểu vùng. Vùng phía Tây Bắc có khí hậu nắng nóng, khô hanh về mùa khô; vùng phía Đông và phía Nam có khí hậu mát mẻ, ôn hoà. Khí hậu sinh thái nông nghiệp của tỉnh được chia ra thành 6 tiểu vùng: Tiểu vùng bình nguyên Ea Súp chiếm 28,43% diện tích tự nhiên; Tiểu vùng cao nguyên Buôn Mê Thuột - Ea H’Leo chiếm 16,17% diện tích tự nhiên; Tiểu vùng đồi núi và cao nguyên M’Đrắk chiếm 15,82% diện tích tự nhiên; Tiểu vùng đất ven sông Krông Ana - Sêrêpôk chiếm 14,51% diện tích tự nhiên; Tiểu vùng núi cao Chư
Yang Sin chiếm 3,98% diện tích tự nhiên; Tiểu vùng núi Rlang Dja chiếm 3,88% diện tích tự nhiên. Nhìn chung, khí hậu khác nhau giữa các dạng địa hình và giảm dần theo độ cao: Vùng dưới 300 m quanh năm nắng nóng, từ 400 - 800 m khí hậu nóng ẩm và trên 800 m khí hậu mát. Tuy nhiên, chế độ mưa theo mùa là một hạn chế đối với phát triển sản xuất nông sản hàng hoá. Khí hậu có 02 mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô; mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 10, tập trung 90% lượng mưa hàng năm; mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa không đáng kể.
2.1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội
Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk và đang được cơ cấu lại theo hướng chất lượng cao, đổi mới tổ chức sản xuất, liên kết, hợp tác sản xuất theo hướng an toàn, có chứng nhận. Lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển nhanh đã hình thành và phát triển các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn như cụm dự án nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện ở huyện Ea Súp, tổng mức đầu tư hơn 50 nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông - Nam Á và lớn thứ hai thế giới. Thương mại - dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, thu hẹp khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn. Có tiềm năng về phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh năm 2020 trong Bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố của Việt Nam, Đắk Lắk đạt 63,22 điểm, xếp vị trí thứ 35/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 2/5 tỉnh trong khu vực Tây Nguyên (sau tỉnh Lâm Đồng đạt 64,43 điểm). Có diện tích và sản phẩm cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, cà phê xuất khẩu thô đạt 195.000 tấn, kim ngạch đạt hơn gần 291 triệu USD, chiếm 11,9 % tổng kim ngạch của cả nước; đến nay, sản phẩm cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến 58 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; rrong đó Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất của cà phê Đắk Lắk. Là địa phương có diện tích trồng cây cao su, ca cao, tiêu, điều lớn của Việt Nam; đồng thời, cũng là địa phương phát triển mạnh các loại cây ăn trái như xoài, sầu riêng, bơ,…
Năm 2020, dù chịu tác động, ảnh hưởng mạnh của đại dịch Covid-19, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng thuận, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức dương, đạt 3,63%, giúp Đắk Lắk tăng trưởng thứ 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy mô nền kinh tế đạt trên 83.755 tỷ đồng, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 37,12%, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 13,21% và khu vực dịch vụ chiếm 44,90%. Tổng thu ngân sách năm 2020 ước đạt 8.625 tỷ đồng, tăng 13,86% số với cùng kỳ năm 2019. Về tình hình doanh nghiệp, năm 2020 ước có 1.425 doanh nghiệp đăng ký mới, bằng 115,85% kế hoạch, tăng 21,07% so với năm 2019, với tổng số vốn đăng ký khoảng 22.154 tỷ đồng.
Trên lĩnh vực đầu tư, năm 2020, tỉnh thu hút đầu tư 25 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 20.500 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực phát triển điện gió, điện mặt trời, phát triển đô thị. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 600 triệu USD, giảm 3,23% so với năm 2019 và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 250 triệu USD, tăng 194,12%.
Bên cạnh đó lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, thể dục thể thao có những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng. Quốc phòng an ninh được đảm bảo, tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế…
Như vậy, có thể thấy tỉnh Đắk Lắk đang có bước chuyển mình tích cực, có sự khởi sắc, làm cơ sở thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xã hội nói chung, an sinh xã hội nói riêng, trong đó có việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, nhằm góp phần giải quyết công ăn việc làm, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, không để tái nghèo, có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc.