Các giải pháp hoàn thiện thực hiện chính sách quản lý chi ngân sách

Một phần của tài liệu THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI HUYỆN CƯ JÚT, TỈNH ĐẮK NÔNG (Trang 69 - 74)

3.2.1. Lập kế hoạch nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách quản lý chi đầu tư phát triển

Việc lập kế hoạch nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách quản lý chi đầu tư phát triển cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm cần tuân thủ chặt chẽ những quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng, ưu tiên bố trí vốn cho những công trình chuyển tiếp, những công trình đã được phê duyệt quyết toán còn thiếu vốn, không bố trí dàn trải, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách. Giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn NSNN.

Có kế hoạch trung hạn cụ thể, khả thi, huy động các nguồn lực hợp pháp để làm tăng nguồn đầu tư phát triển nhằm kích thích, đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, đường xá, đáp ứng cùng lúc nhiều mục tiêu đề ra cho phát triển hạ tầng cơ sở và thúc đẩy các dự án đầu tư. Tập trung các biện pháp để chủ động tạo nguồn ngân sách, tăng cường tổ chức bán đấu giá quỹ đất để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt dự án từ khâu lập dự án, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, lập thiết kế dự toán, thẩm định, giám sát kỹ thuật thi công. Nâng cao năng lực chuyên môn của người đề xuất chủ trương đầu tư, cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư. Các chủ đầu tư cần xác định cụ thể, rõ ràng nội dung, quy mô và mục tiêu đầu tư, hạn chế tình trạng gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, làm kéo dài thời gian hoàn thành công trình, gây lãng phí nguồn ngân sách. Để làm được điều đó cần phải nâng cao năng lực của người đề xuất chủ trương đầu tư, nâng cao năng lực của cán bộ cơ quan thẩm định và người quyết định đầu tư.

Không thực hiện triển khai các dự án khi chưa đầy đủ thủ tục về đầu tư và xây dựng theo quy định hiện hành hoặc không có khả năng cân đối vốn theo tiến độ đã được duyệt.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong thủ tục đầu tư, nâng cao chất lượng kiểm soát chi của KBNN thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các hồ sơ thanh toán, tuân thủ các chế độ, định mức chi phí theo quy định. Tăng cường công tác quyết toán vốn đầu tư của cơ quan tài chính, kiên quyết cắt giảm những khoản chi không đúng chế độ, không đảm bảo hồ sơ thủ tục thanh toán. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan như phòng Tài chính - Kế hoạch, Kho bạc nhà nước, Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất, phòng Kinh tế - Hạ Tầng, UBND các xã, thị trấn trong công tác thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, công tác đấu thầu, chỉ định thầu…

Thực hiện nghiêm túc công khai quy hoạch đầu tư xây dựng, đảm bảo hoạt động đầu tư phù hợp với quy hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, sai quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn và

tài sản nhà nước. Nâng cao chất lượng đấu thầu, thực hiện đúng theo quy định của Luật Đấu thầu, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.

Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sử dụng vốn đầu tư từ nguồn NSNN, đảm bảo thanh tra, kiểm tra thường xuyên và toàn diện, tránh để sót, bỏ qua cho những sai phạm. Kết quả thanh tra, kiểm tra phải thực hiện công khai, các vi phạm qua thanh tra, kiểm tra cần phải được xử lý nghiêm để nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, hạn chế thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.

3.2.2. Đổi mới xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách quản lý chi thường xuyên

Nâng cao chất lượng công tác lập, phân bổ dự toán ngân sách của các đơn vị dự toán, cơ quan tài chính, HĐND và UBND huyện. Thực hiện rà soát lại hệ thống định mức phân bổ sử dụng ngân sách hiện hành để kiến nghị tỉnh và Bộ Tài chính ban hành các định mức, chế độ tài chính mới thay thế những văn bản không còn phù hợp với tình hình thực tế địa phương qua các năm.

Tổ chức thực hiện dự toán chi đúng chế độ chính sách. Thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính, ngân sách. Thực hiện cắt giảm, tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, giảm tối đa cả về số lượng và quy mô tổ chức hội nghị, tiếp kách, tiết kiệm chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, ....

Thực hiện nghiêm quy định trong việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý và sử dụng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị, thực hiện nghiêm việc mua sắm tài sản theo phương thức tập trung theo quy định của tỉnh.

Về chi quản lý hành chính phải gắn với lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính, trong đó khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi, tinh

giản biên chế nhanh hơn lộ trình để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính, rà soát sắp xếp lại bộ máy QLNN của huyện theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, bỏ trung gian để nâng cao hiệu lực quản lý và sử dụng ngân sách. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo lập nguồn cải cách tiền lương.

Các nội dung chi sự nghiệp mang tính chất đầu tư như sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất cần thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18/9/2017 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Thực hiện tốt công tác công khai tài chính theo quy định, công khai dự toán, công khai tình hình sử dụng dự toán, công khai quyết toán ở các cấp ngân sách và các đơn vị đảm bảo đúng thời gian, số liệu chính xác và đầy đủ biểu mẫu theo quy định.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách. Công khai kết quả thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý sai phạm theo quy định. Có sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo cũng như tránh bỏ sót đối tượng cần thanh tra, kiểm tra. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, hạn chế thất thoát ngân sách. [22]

3.2.3. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp đối với thực hiện chính sách quản lý chi ngân sách nhà nước

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị.

Triển khai hoàn thiện các cơ chế quản lý mua sắm và trang bị tài sản tại các đơn vị, xây dựng các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong

tất cả các lĩnh vực hoạt động, chế độ quản lý, sử dụng ngân sách, vốn và tài sản nhà nước. Đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đưa nội dung thực hiện chính sách quản lý chi ngân sách nhà nước vào chương trình hoạt động hằng tháng, hằng quý để theo dõi, kiểm tra kịp thời, đánh giá cụ thể.

Các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và đảm bảo đời sống nhân dân, đảm bảo điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để, tiết kiệm, hiệu quả và đúng chế độ quy định. Cân đối nguồn kinh phí đảm bảo kịp thời thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cơ chế chính sách của tỉnh ban hành và một số nhiệm vụ thật sự cấp bách.

3.2.4. Nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ quản lý, phụ trách tài chính ngân sách

Thực hiện chính sách quản lý chi NSNN đạt hiệu quả hay không một phần phụ thuộc vào năng lực và trình độ của đội ngũ các bộ quản lý, cán bộ công chức làm việc trong lĩnh vực kế toán, tài chính. Do đó, cần tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý NSNN có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, am tường các quy định tài chính hiện hành, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, thẳng thắn. Để làm được điều đó, cần tập trung một số nhiệm vụ sau:

Thường xuyên giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý tài chính, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Thường xuyên rà soát chất lượng, số lượng cán bộ công chức trong lĩnh vực kế toán, tài chính trên địa bàn huyện để có biện pháp bồi dưỡng nâng cao

năng lực, trình độ. Có kế hoạch, chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, gắn với tiêu chuẩn hóa từng chức danh.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý tài chính, quản lý chi ngân sách. Giảm bớt đầu mối, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy quản lý chi ngân sách.

3.2.5. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước và các cơ quan liên quan trong thực hiện chính sách quản lý ngân sách

Tăng cường công tác phối kết hợp giữa các cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước và kế toán các đơn vị, chủ đầu tư trong thực hiện chi ngân sách, cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình thu, chi ngân sách, quản lý, kiểm soát chi ngân sách cũng như báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách hàng năm. Tăng cường công tác kiểm tra, đối chiếu số liệu tình hình thực hiện ngân sách của các cơ quan, đơn vị đảm bảo khớp đúng số liệu, phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành của huyện. [25]

Một phần của tài liệu THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI HUYỆN CƯ JÚT, TỈNH ĐẮK NÔNG (Trang 69 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)