thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới
3.2.1. Tình hình biến động chung về người có công
Khi đất nước có chiến tranh thì toàn thể các tầng lớp nhân dân sẽ tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc, tổn thất về người chắc chắn sẽ xảy ra, mà phần lớn là lực lượng vũ trang, khối các cơ quan nhà nước, dân quân du kích, thanh niên xung phong... Do đó số liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người có công với cách mạng sẽ có biến động theo chiều hướng gia tăng. Nhưng trong thời bình hiện nay, số người có công với cách mạng ngày càng giảm, với các lý do sau đây:
Thứ nhất: Qua khảo sát số liệu người có công, kết quả cho thấy, người có
công được xác nhận trên cơ sở của 03 giai đoạn chiến tranh, gồm: Thương binh, liệt sĩ và người có công được xác nhận thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn trước năm 1954). Thương binh, liệt sĩ và người có công được xác nhận thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ (giai đoạn từ năm 1954 - 1975). Thương binh, liệt sĩ và người có công được xác nhận thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (kể cả chiến tranh biên giới Tây Nam, Tây Bắc năm 1979 và làm nhiệm vụ Quốc tế giúp nước bạn Cămpuchia). Trong đó, số được công nhận nhiều nhất là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tiếp đến là thời kỳ bảo vệ tổ quốc (sau năm 1975) và thời kỳ chống Pháp.
Xét theo thời gian tham gia kháng chiến của người có công ở từng giai đoạn, đến nay số người có công với cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp còn rất ít, chỉ còn thân nhân hưởng chế độ; hiện nay số người có công với cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ tổ quốc là chủ yếu. Tuy nhiên, hầu hết đã lớn tuổi (nếu tính độ tuổi trung bình đối với người có công thời kỳ chống Mỹ hiện nay ở độ tuổi trên 70 tuổi; thời kỳ sau năm 1975 ở độ tuổi trên 60 tuổi). Do tuổi cao, sức yếu số người có công tham gia chống Pháp, chống Mỹ sẽ ngày càng giảm mạnh trong thời gian tới, chỉ còn số người có công thời kỳ sau năm 1975 và thân nhân của người có công.
Thứ hai: Trên thực tế thời kỳ đất nước hòa bình hiện nay vẫn có những người
được xác nhận liệt sĩ và thương binh đối với những trường hợp: Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội; do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục của Chính phủ quy định; trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm; trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm, nhưng số này không nhiều (cả tỉnh Đắk Lắk mỗi năm chỉ có 5- 10 trường hợp). Ngoài ra, số
đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiện nay cũng không còn nhiều và các giấy tờ, tài liệu chứng minh có tham gia kháng chiến bị thất lạc nên không có cơ sở để xác nhận người có công với cách mạng.
Như vậy, trong thời gian tới, người có công với cách mạng nói chung trong cả nước và người có công với cách mạng ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sẽ có biến động theo chiều hướng giảm. Riêng các chế độ ưu đãi và thân nhân của người có công được hưởng chế độ sẽ được mở rộng và điều chỉnh (theo hướng tăng lên) nhằm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước.
3.2.2. Dự báo về người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian tới
Thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay đang quản lý và giải quyết chế độ đối với gần 10 ngàn đối tượng người có công với cách mạng. Trong đó, người có công với cách mạng thời kỳ chống Pháp có gần 5 % so với hồ sơ quản lý; người có công với cách mạng thời kỳ chống Mỹ có khoảng chiếm 70 % so với hồ sơ quản lý; người có công với cách mạng thời kỳ bảo vệ Tổ quốc chiếm 25% so với hồ sơ quản lý. Như kết quả đã phân tích ở trên (phần 3.2.1) người có công đa phần tuổi đã cao; số xác nhận mới theo tiêu chí khó có thể đủ điều kiện theo quy định... nên xu thế số lượng người có công sẽ giảm trong thời gian tới là điều tất yếu.
Qua kết quả đạt được trong giai đoạn 2013 – 2020, toàn thành phố Buôn Ma Thuột xác nhận mới người có công với cách mạng hơn 2.200 đối tượng; trong đó: Số hưởng trợ cấp hàng tháng hơn 450 hồ sơ, số còn lại là hưởng trợ cấp một lần (trong số này có một số trường hợp đã chết và thân nhân của họ được hưởng trợ cấp một lần). Bên cạnh đó, hồ sơ tồn đọng chưa giải quyết theo tiêu chí của Bộ Lao động thương binh và Xã hội trên địa bàn thành phố không nhiều; qua rà soát, số người dân kê khai có tham gia hoạt động kháng chiến nhưng chưa được xem xét giải quyết chế độ có khoảng hơn trên dưới 100 hồ sơ (người dân tự kê khai). Với số liệu này, trong thời gian tới số lượng người có công tăng không đáng kể mà có chiều hướng giảm do người có công ngày càng lớn tuổi, già yếu và từ trần.
Theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân của họ được hưởng các chế độ ưu đãi, như: Người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống. Số này cũng không nhiều, chủ yếu bổ sung chế độ người có công và đối tượng hưởng trợ cấp một lần (vì đã công nhận người có công nay bổ sung thêm chế độ ưu đãi).
Theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố Buôn Ma Thuột nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định: Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động, khai thác và sử dụng thật hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của Thành phố [17]. Kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ môi trường; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm trật tự an toàn xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng và phát triển Thành phố bản sắc, văn minh, hiện đại; tạo tiền đề vững chắc để thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/TW, Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 09/7/2020 của Chính phủ [17].
Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới thành phố Buôn Ma Thuột sẽ có nhiều dự án phát triển kinh tế, thu hút đầu tư; đây là cơ hội để người dân thành phố có việc làm nâng cao thu nhập. Thành phố Buôn Ma Thuột cũng là một trong những thành phố có sự phát triển nhanh, khí hậu ôn hòa, các điều kiện tương đối thuận lợi; đặc điểm dân số đa dạng (dân tộc kinh chiếm phần lớn, có đủ các thành phần của 63 tỉnh, thành trên toàn quốc sinh sống). Do đó, trong thời gian tới sẽ có sự gia tăng về dân số (dịch chuyển từ các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và
từ các huyện, thị xã trong tỉnh đến Buôn Ma Thuột), kèm theo đó, số người có công với cách mạng cũng sẽ di chuyển hồ sơ vào thành phố Buôn Ma Thuột cùng người thân, gia đình để sinh sống cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, số đối tượng này tăng không nhiều; theo dự đoán khoảng trên 500 người (vì cả giai đoạn 2013 – 2020 chỉ có hơn 800 trường hợp chuyển đến Buôn Ma Thuột, trong đó có hơn 200 hồ sơ từ Buôn Ma Thuột di chuyển đi nơi khác, chưa kể số đã chết).
Như vậy, nhìn chung đối tượng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian tới (2021 – 2030) có tăng nhưng không nhiều, toàn thành phố số người có công hưởng các chế độ chỉ ở mức dưới 10 ngàn hồ sơ như hiện nay. Tuy nhiên, theo sự phát triển của đất nước, chúng ta cần có những chính sách phù hợp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công và thân nhân của họ.
3.3. Giải pháp và kiến nghị nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Từ những hạn chế còn tồn tại cũng như những khó khăn trong tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Và từ dự báo về sự biến động đối tượng người có công cũng như một số thay đổi chế độ chính sách về ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian tới. Tác giả đề xuất một số giải pháp để góp phần hoàn thiện hơn công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk như sau:
3.3.1. Các nhóm giải pháp
3.3.1.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng
Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là vai trò của Ủy ban mặt trận Tổ quốc và các thành viên phải thường xuyên quán triệt, nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng,
pháp luật của Nhà nước và các văn bản của Trung ương về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó xác định rõ việc chăm lo, đời sống vật chất tinh thần đối với người có công với cách mạng là trách nhiệm, vừa là tình cảm, sự biết ơn của thế hệ hôm nay, mai sau đối với những người đã anh dũng hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp cách mạng; đồng thời, là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài của các ngành, các cấp và toàn xã hội.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường việc giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về sự hy sinh, mất mát của các thế hệ người có công với cách mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc XHCN.
Cần đưa nội dung tham gia ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, các phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, việc triển khai các hoạt động đền ơn đáp nghĩa... vào chương trình công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị và địa phương. Đồng thời, đây cũng là tiêu chí để đánh giá, phân loại và là cơ sở bình xét thi đua khen thưởng hàng năm của các đơn vị. Như vậy sẽ tránh được việc làm hình thức, chiếu lệ hoặc chỉ thực hiện theo sự phân công khi có chương trình, kế hoạch của cấp trên, các sự kiện nhân các ngày lễ lớn trong năm. Căn cứ các văn bản của Trung ương, của tỉnh, của Thành ủy để xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đối với việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố.
3.3.1.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đến các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân
Thông qua các cơ quan truyền thông của địa phương, như: Báo địa phương, Đài Phát thanh truyền hình thành phố, hệ thống loa phát thanh của xã, phường, cổng thông tin điện tử, qua các hệ thống trang website, Facebook, Zalo của các đơn vị chủ quản thường xuyên thông tin, phổ biến các văn bản về chính sách ưu đãi người có công đến với người dân được kịp thời, đầy đủ.
Xây dựng tủ sách pháp luật tại các địa phương, cơ quan đơn vị thật phong phú, đầy đủ để phục vụ nhân dân có tài liệu nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách nói chung và chính sách ưu đãi người có công nói riêng. Soạn thảo tài liệu như: Sổ tay công tác, tờ rơi, mẫu tin... ngắn gọn, đầy đủ, trọng tâm về những chính sách ưu đãi người có công để phát cho người dân; đồng thời niêm yết công khai các thủ tục hành chính về ưu đãi người có công tại trụ sở cơ quan, UBND các xã, phường, nhà văn hóa cộng đồng, trụ sở tổ dân phố và tại khu hành chính công để giúp người dân có đầy đủ thông tin thiết lập hồ sơ giải quyết chế độ kịp thời, đúng quy định.
Nhân các ngày lễ lớn trong năm, chính quyền địa phương cần tổ chức các buổi gặp mặt, tọa đàm giữa cơ quan thực thi chính sách với các tổ chức đoàn thể, đội ngũ cán bộ thôn buôn, tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ hưu trí, già làng trưởng buôn... thông qua việc gặp mặt, tọa đàm để trao đổi thông tin, nhất là những điểm mới trong chính sách ưu đãi người có công nhằm giúp lực lượng này nắm bắt kịp thời thông tin, nội dung của chính sách, từ đó phổ biến đến người dân để đối chiếu với thành tích đóng góp trong kháng chiến, các giấy tờ, thiết lập hồ sơ giải quyết chế độ. Như vậy, tránh được việc sai sót trong hồ sơ, rút ngắn thời gian làm hồ sơ, hạn chế được việc trả lại hồ nhiều lần vì không đầy đủ thủ tục, thiếu các giấy tờ...
Bên cạnh đó, cơ quan thực thi chính sách, chính quyền địa phương cần có kế hoạch phối hợp tổ chức gặp mặt, đối thoại với người dân, người có công với cách mạng, đặc biệt những địa bàn trọng điểm, dễ phát sinh... để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, người có công với cách mạng. Trên cơ sở đó, hướng dẫn, giải thích nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại mà người dân, người có công đang thắc mắc, bức xúc; đồng thời ghi nhận những ý kiến đó để tổng hợp báo cáo, đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết hoặc điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp với thực tiễn. Đây cũng là kênh tuyên truyền hiệu quả về thực hiện chính sách và hạn chế được việc đơn thư kiến nghị, phản ánh vượt cấp; đặc biệt ngăn chặn được các điểm nóng mà đối tượng xấu lợi dụng để chống phá chế độ.
Song song với việc tổ chức tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công cần phải biểu
dương, khen thưởng động viên kịp thời những cách làm hay, mô hình tốt, những nhân tố tiêu biểu trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; những gương điển hình người có công gương mẫu vượt khó vươn lên... từ đó nhân rộng các điển hình này nhằm lan tỏa