Các biểu hiện của nhận thức về bạn là người đồng tính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) NHẬN THỨC của học SINH TRUNG học cơ sở QUẬN BÌNH tân, THÀNH PHỐ hồ CHÍ MINH về bạn là NGƯỜI ĐỒNG TÍNH (Trang 28 - 34)

Dựa trên lý luận về nhận thức gồm nhận thức cảm tính và lý tính, nhận thức về bạn là người đồng tính cũng gồm hai nhóm biểu hiện chính: nhận thức cảm tính về bạn là người đồng tính và nhận thức lý tính về bạn là người đồng tính. Trong đề tài này, chúng tôi nghiên cứu 2 nhóm biểu hiện chính của nhận thức về bạn là người đồng tính: tri giác về bạn là người đồng tính (thuộc nhận thức cảm tính) và tư duy về bạn là người đồng tính (thuộc nhận thức lý tính). Nếu như ví tri giác về bạn là người đồng tính là “nhìn vào là biết bạn đó là người đồng tính” thì tư duy về người đồng tính là “nghe cách bạn đó suy nghĩ là biết bạn đó là người đồng tính”.

1.3.2.1. Tri giác về bạn là người đồng tính

Rule và Alaei cho rằng tri giác về bạn là người đồng tính gồm tri giác về 4 nội dung sau: [30]

a. Tri giác về cách ăn mặc của bạn là người đồng tính:

Tri giác cách ăn mặc về bạn là người đồng tính là sự nhận biết về loại trang phục, màu sắc quần áo, trang sức... của bạn là người đồng tính trong so sánh với quan niệm xã hội về cách ăn mặc theo từng giới tính. Khi một người tri giác được

sự khác biệt về phong cách ăn mặc của bạn mình với con trai hoặc con gái dị tính, đây là cơ sở để nhận định rằng bạn mình là người đồng tính.

Theo quan điểm xã hội thông thường, con trai (dị tính) thường mặc quần áo màu sắc hài hòa, quần áo phải gọn gàng, nam tính mạnh mẽ, không quá rực rỡ. Con gái phải ăn mặc nữ tính, kín đáo, phải chăm sóc cơ thể tỉ mỉ. Tuy nhiên, các bạn đồng tính nam và đồng tính nữ thường có xu hướng mặc khác với quy chuẩn giới tính thông thường để thể hiện bản thân. Ví dụ một bạn nam đồng tính sẽ chọn màu sắc khá rực rỡ màu sắc, tỉ mỉ về trang điểm khuôn mặt, lựa chọn trang phục cũng sẽ lấp lánh hơn. Nghiên cứu của Nicholas O. Rule and Ravin Alaei (2016) đã chỉ ra những người bạn nam là người đồng tính có xu hướng mặc trang phục có hơi hướng nữ tính, để tóc dài, mang trang sức, chi nhiều tiền cho mỹ phẩm làm đẹp để cơ thể của mình được xinh đẹp hơn, và những điều này khác hẳn với đặc điển về cơ thể của một bạn nam dị tính.

Còn các bạn nữ có xu hướng đồng tính lại có phong cách thời trang trên cơ thể toát ra vẻ nam tính, cắt tóc ngắn, quần áo đơn giản, màu sắc trầm, và trang sức cũng mang hơi hướng nam tính. Dựa vào trang phục, cách trang điểm, màu sắc, cơ thể, cách đi đứng, độ trang điểm cho cơ thể mà chúng ta có thể nhận biết các bạn đồng tính cách dễ dàng và trực quan hơn.

b.Tri giác về ngôn ngữ cơ thể của bạn là người đồng tính

Tri giác về ngôn ngữ cơ thể của bạn là người đồng tính là sự nhận biết về những hành động, dáng điệu, cử chỉ, hình thể... của bạn là người đồng tính trong so sánh với quan niệm xã hội về ngôn ngữ cơ thể theo từng giới tính. Thông thường những bạn đồng tính nam có những đặc trưng về ngôn ngữ cơ thể như: hành động mềm mỏng, đi đứng nhẹ nhàng, lựa chọn các môn thể thao nhẹ nhàng, cơ thể mảnh khảnh; Còn về đồng tính nữ sẽ có những đặc trưng như hành động mạnh mẽ, chơi các trò chơi cần nhiều sức hoặc mang tính bạo lực, hành động dứt khoát... Các bạn đồng tính cũng được cho là dễ biểu hiện cảm xúc ra bên ngoài, như cảm động, giận dỗi.

Theo Nicholas O. Rule and Ravin Alaei, xu hướng tính dục của những người bạn đồng tính được phán đoán rõ ràng khi phát hiện ra các dấu hiệu như những hành

động khá nữ tính xuất hiện ở những người bạn đồng tính nam như sự lắc hông khi đi bộ, hay người nữ đồng tính lại lại không lắc hông. Rule cho rằng những dấu hiệu này xuất hiện từ rất sớm khi họ còn nhỏ. Thật vậy, những biểu hiện hành động về xu hướng tính dục của họ có thể được phát hiện ngay cả khi họ cố gắng che giấu nó. Những hành động đi ngược lại giới tính xã hội và đặc điểm về giới là những dấu hiệu nhận diện những người bạn đồng tính rõ nét nhất mà ta có thể nhận ra.

c. Tri giác về khuôn mặt của bạn là người đồng tính

Tri giác về khuôn mặt của bạn là người đồng tính là sự nhận biết về những đường nét khuôn mặt, vị trí ngũ quan, biểu hiện cảm xúc... của bạn là người đồng tính trong so sánh với quan niệm xã hội về khuôn mặt theo từng giới tính. Do quan niệm xã hội về khuôn mặt theo từng giới tính không rõ ràng như quan niệm xã hội về ngôn ngữ cơ thể hay cách ăn mặc của từng giới, nên so với tri giác về cách ăn mặc và ngôn ngữ cơ thể của bạn là người đồng tính, tri giác về khuôn mặt của bạn là người đồng tính khó nhận biết hơn, thường diễn ra nhanh và tự động, và ít đòi hỏi suy xét lý tính hơn.

Nghiên cứu chỉ ra gương mặt của những người đồng tính sẽ có những đặc điểm cảm xúc đặc trưng và dễ nhận diện. Ví dụ, ở người đồng tính nam, biểu hiện cảm xúc sẽ nổi bật và “lố” hơn, lông mày mỏng và gọn gàng, mũi, cằm, mắt, làn da cũng có những đặc trưng riêng. Rule và Ambady (2008) đã thực hiện một nghiên cứu để kiểm chứng xem người tham gia có nhận biết được người đồng tính nếu chỉ nhìn vào khuôn mặt của họ trong thời gian rất ngắn hay không. Họ cho người tham gia xem những tấm ảnh có khuôn mặt của người đồng tính và người dị tính trong khảng thời gian ngắn (1,5 giây; 6,5 giây; hoặc 10 giây) rồi yêu cầu họ phân loại từng nguời đâu là bức ảnh của người đồng tính và đâu là người dị tính dựa trên những nét trên khuôn mặt của họ. Những người tham gia đã phán đoán chính xác dựa trên cảm xúc, bề ngoài, mái tóc, các biểu hiện trên khuôn mặt của họ để phân loại đâu là người đồng tính hay dị tính. Vậy những người tham gia dựa vào những khía cạnh ngoại hình để phán đoán và củng cố nhận định của họ về người đồng tính hay người dị tính.

d. Tri giác về giọng nói của bạn là người đồng tính

Tri giác về giọng nói của bạn là người đồng tính là sự nhận biết về cách phát âm, cao độ, tốc độ nói, nhịp điệu... của bạn là người đồng tính trong so sánh với quan niệm xã hội về giọng nói theo từng giới tính. Ví dụ một bạn nam có giọng nói cao (the thé), giọng điệu nhỏ nhẹ, kéo dài chữ khi nói, tốc độ nhanh, đanh đá..., dựa và những điểm này người khác có thể phán đoán bạn nam đó là người đồng tính vì nó đi trái lại những quan niệm của xã hội như nam phải nói dứt khoát, không kéo dài, giọng phải mạnh mẽ, trầm lắng, điềm tĩnh. Ngược lại, các bạn đồng tính nữ thường nói dứt khoát.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những đặc trưng về cách nói phi ngôn ngữ, cách tạo ra các phụ âm và các nguyên âm cũng như cao độ tổng thể của chúng là đặc trưng về giọng nói của người đồng tính (Sulpizio et al.,2015; Munson & Babel, 2007) [29,32]. Mọi người cũng tin rằng những người đồng tính nam nói ngọng nhiều hơn những người đàn ông bình thường (Mack & Munson, 2012) [29], và một nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng hỗ trợ cho quan niệm này (Van Borsel và cộng sự, 2009) [34]. Nói chung, mọi người có định kiến mạnh mẽ rằng giọng nói của người bạn đồng tính nam và đồng tính nữ nghe có vẻ khác với giọng nói của người bình thường, ngay cả khi những niềm tin này không phải lúc nào cũng chính xác (Smyth, Jacobs, & Rogers, 2003). [31]

1.3.2.2. Tư duy về bạn là người đồng tính

Khác với nhận thức cảm tính phản ánh quan niệm của cá nhân về những đặc điểm bên ngoài của bạn là người đồng tính, nhận thức lý tính phản ánh quan niệm của cá nhân về những đặc điểm “bên trong”, như hệ giá trị, thế giới quan, lối hành xử của người bạn là người đồng tính. Haddock, Zanna và Esses cho rằng tư duy về người đồng tính, gồm 2 nội dung: niềm tin về người đồng tính và khuôn mẫu về người đồng tính [26]. Trong đề tài này, chúng tôi vận dụng quan điểm của Haddock để đưa ra 2 biểu hiện của nhận thức lý tính về bạn là người đồng tính: niềm tin về bạn là người đồng tính và khuôn mẫu về bạn là người đồng tính.

a. Khuôn mẫu về bạn là người đồng tính

Khuôn mẫu về thành viên của một nhóm xã hội nào đó là quan niệm về những tính cách, đặc điểm thường gặp ở những thành viên của nhóm xã hội đó. Ví dụ, khuôn mẫu về phụ nữ là yếu đuối, khuôn mẫu về đàn ông là mạnh mẽ. Khuôn mẫu có thể đúng, phản ánh đặc trưng của những thành viên thuộc nhóm xã hội đó, nhưng cũng có thể thiên lệch, phản ánh phiến diện những đặc điểm của các thành viên thuộc nhóm xã hội đó. Chính những đặc điểm thiên lệch này là điều mà các nhóm vận động xã hội thường mong muốn thay đổi để tạo ra cái nhìn đúng đắn hơn, chính xác hơn về thành viên của các nhóm xã hội. Ví dụ, các phong trào bình đẳng giới thường mong muốn thay đổi khuôn mẫu phụ nữ là người yếu đuối, phụ thuộc vào đàn ông.

Khuôn mẫu về bạn là người đồng tính là quan niệm về những tính cách, đặc điểm đặc trưng của người bạn đồng tính nam hoặc đồng tính nữ. Khuôn mẫu về bạn là người đồng tính có thể bao gồm cả khuôn mẫu tích cực và khuôn mẫu tiêu cực. Khuôn mẫu tiêu cực về bạn là người đồng tính là nội dung thường được các nghiên cứu quan tâm. Ví dụ, thường thấy nhất là quan niệm người đồng tính là người không bình thường, có bệnh (ngôn ngữ đời thường gọi là bệnh hoạn). Các bạn đồng tính được cho là nhạy cảm nên hay làm quá, làm lố. Các bạn nam đồng tính được cho là ẻo lả, mềm yếu; trong khi các nữ đồng tính có tính cách mạnh mẽ nhưng bất cần, chán ghét đàn ông/con trai.

Tuy nhiên, không phải lúc nào xã hội cũng có cái nhìn tiêu cực về người đồng tính. Khuôn mẫu tích cực về người đồng tính có thể bao gồm những quan niệm như người đồng tính nam là những người tinh tế, nhẹ nhàng, có thẩm mỹ tốt hơn đàn ông nói chung (Morrison & Bearden, 2007) [33]. Người đồng tính cũng được cho là sáng tạo hơn, vì vậy hình ảnh phổ biến trên phim ảnh là người đồng tính thường làm trong lĩnh vực nghệ thuật (thời trang, trang điểm, nghệ sĩ, v.v.). Những khuôn mẫu tích cực về người đồng tính là kết quả của rất nhiều phong trào vận động xã hội của cộng đồng LGBT. Năm 1973, Hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ đã rút đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách cách bệnh lý tâm thần. Năm 1975, Hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ đã rút

đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách cách bệnh tinh thần hay rối loạn tình cảm. Ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức loại đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh. Ngày 17/5 cũng được chọn là ngày chống kì thị người đồng tính, song tính và chuyển giới [11]. Với những sự kiện như thế khuôn mẫu tích cực về người đồng tính phần nào được cải thiện rất nhiều.

Khuôn mẫu về bạn là người đồng tính là yếu tố quan trọng quy định thái độ và hành vi ứng xử với bạn là người đồng tính: nếu chúng ta có suy nghĩ người đồng tính có những đặc điểm tích cách tiêu cực thì sẽ dẫn tới thái độ ghê tởm, khó chịu với người đó và dẫn tới hành vi mà họ cho là đúng như kì thị, bạo lực, bắt nạt, chửi bới, xúc phạm và cô lập người đồng tính.

b. Niềm tin về bạn là người đồng tính

Niềm tin phản ánh đánh giá, thái độ của chủ thể đối với sự vật, hiện tượng. Ví dụ chúng ta sẽ đánh giá, phản ánh và so sánh các đặc điểm của một người nào đó (như trang phục, cách nói chuyện, cách trang điểm , đeo trang sức, cơ thể, hành động, ....) với những giá trị chuẩn mực chung của xã hội đặt ra.

Theo Mohipp và Morry (2004), niềm tin về bạn là người đồng tính là sự đánh giá các đặc điểm của người đồng tính có tương thích hay trái ngược với các chuẩn mực, giá trị xã hội nói chung. Nếu như khuôn mẫu về bạn là người đồng tính là sự quy gán các đặc điểm cụ thể cho nhóm người đồng tính, thì niềm tin về bạn là người đồng tính phản ánh sự so sánh giữa các đặc điểm của người đồng tính với các giá trị, chuẩn mực chung của xã hội. Ví dụ, nghiên cứu của Haddock, Zanna và Esses (1993) tìm ra rằng người Mỹ cho rằng người đồng tính gây tổn hại đến các giá trị của gia đình. Nguyên nhân là do người Mỹ tin rằng kết hôn đồng tính đồng nghĩa với việc không thể sinh con, đồng thời các vai trò giới trong gia đình cũng thay đổi, do đó việc kết hôn đồng tính có thể gây tổn hại đến mô hình gia đình truyền thống và các giá trị gia đình truyền thống. Ngược lại, người Mỹ cũng tin rằng người đồng tính thúc đẩy giá trị tự do, bởi sự thể hiện bản thân vượt ra khỏi khuôn mẫu giới tính thông thường là một sự phản ánh của giá trị tự do.

Trong văn hóa Việt Nam, cũng có thể tìm thấy những niềm tin tương tự về bạn là người đồng tính. Nam giới phải cưới vợ sinh con mới làm tròn đạo hiếu, vì vậy một niềm tin phổ biến về người đồng tính nam là họ làm suy giảm các giá trị đạo đức của người Việt Nam (như giá trị đạo hiếu, vai trò trụ cột của người đàn ông) và làm suy giảm các giá trị đạo đức gia đình. Hay người đồng tính được cho là hay làm lố, bộc lộ cảm xúc quá mức, nên sẽ ảnh hưởng đến sự nghiêm túc của lớp học. Đồng thời, người đồng tính cũng tượng trưng cho những giá trị xã hội như bình đẳng giới, đa dạng giới.

Niềm tin về bạn là người đồng tính là cơ sở quan trọng hình thành thái độ và hành vi ứng xử với bạn là người đồng tính. Nếu ngay từ đầu chúng ta tin các bạn đồng tính đang làm như vậy là sai, là quá lố, không đúng với các giá trị, chuẩn mực đạo đức mà xã hội đặt ra, chúng ta sẽ có thái độ gay gắt, không muốn làm bạn, kì thị. Tương tự, khi chúng ta tin rằng người bạn này bị bệnh chúng cần tránh xa, thì hành vi ứng xử của chúng ta sẽ là xa lánh, tẩy chay, có những lời nói, hành động không đúng mực với các bạn là người đồng tính.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) NHẬN THỨC của học SINH TRUNG học cơ sở QUẬN BÌNH tân, THÀNH PHỐ hồ CHÍ MINH về bạn là NGƯỜI ĐỒNG TÍNH (Trang 28 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(131 trang)
w