10. Cấu trúc của luận văn
1.3.1. Tóm tắt ba vở kịch tiêu biểu của Nguyễn Huy Tưởng
Vũ Như Tô là vở bi kịch năm hồi của Nguyễn Huy Tưởng, viết về một sự kiện lịch sử xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517. Nhân vật Vũ Như Tô là một kiến trúc sư có tài, bị vua Lê Tương Dực bắt xây Cửu Trùng Đài để vui chơi với các cung nữ. Vốn là một nghệ sĩ chân chính gắn bó với nhân dân nên ông từ chối. Nhưng sau nghe lời khuyên của cung nữ Đan Thiềm nên Vũ Như Tô trổ tài xây một lâu đài vĩ đại làm niềm hãnh diện của dân tộc. Công trình làm tốn rất nhiều mồ hôi, xương máu và tài sản nên Vũ Như Tô bị nhân dân vô cùng oán ghét. Nhân mâu thuẫn ấy, Quận công Trịnh Duy Sản dấy binh, lôi kéo thợ làm phản giết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm và thiêu hủy Cửu Trùng Đài. Đây là một vở kịch đầu tay của Nguyễn Huy Tưởng, đề tài của vở được ông khai thác từ một chi tiết trong lịch sử thời Lê.
Vở kịch Bắc Sơn được Nguyễn Huy Tưởng sáng tác vào năm 1946, vở
kịch có năm hồi, viết về cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Bắc Sơn năm 1940 -1941. Lúc này ở Vũ Lăng bùng nổ khởi nghĩa. Nhiều Tây và quan lại bị bắt và bị giết. Nhân dân rầm rập kéo đi mít tinh, đem bò, lợn, gạo ủng hộ quân cách mạng. Ông cụ Phương và cậu con trai tên là Sáng rất nhiệt tình hưởng ứng. Bà cụ Phương cùng người con gái là Thơm thì vẫn lừng chừng, do dự. Cửu, một nông dân 24 tuổi, người Tày trở thành cốt cán của phong trào. Sau đó, cấp trên cử giáo Thái về Vũ Lăng để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Các hiện tượng lệch lạc
về quân sự, về chính trị, về tổ chức được uốn nắn để xốc phong trào lên. Ngọc, chồng của Thơm, là một tên Việt gian dẫn Tây về đàn áp cuộc khởi nghĩa. Nhiều người bị bắt, bị bắn chết. Sáng bị giặc bắn. Ông cụ Phương trúng đạn giặc mà hi sinh. Nửa đêm, Ngọc, lí trưởng, quan, bọn Tây truy đuổi theo anh Thái và anh Cửu, hai người chạy vào nhà Ngọc. Thơm đã giấu hai cán bộ cách mạng vào buồng và cứu thoát họ. Khẩu súng lục của cụ Phương để lại đã được Thơm tặng cho giáo Thái. Quân khởi nghĩa rút vào rừng. Biết được Ngọc ngày mai sẽ dẫn Tây vào đánh úp, Thơm đã băng rừng giữa đêm khuya vào tận căn cứ tiếp tế muối, chăn và báo cho quân cách mạng kịp thời ứng phó. Thơm quay về thì gặp Ngọc, bị hắn bắn trọng thương. Còn Ngọc lại trúng đạn của lũ quan thầy mà chết. Cuộc vây quét của giặc Pháp bị thất bại, quân cách mạng thu giữ được nhiều súng, đạn.
Vở kịch Những người ở lại của Nguyễn Huy Tưởng viết về giai đoạn then
chốt của cuộc kháng chiến chống Pháp xảy ra trong tháng 12 năm 1946, thời điểm gay go nhất, trước khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến nổ ra. Bối cảnh trong vở kịch lúc này là lính nhảy dù mũ đỏ của Pháp đã tràn đầy Hà Nội. Các đoàn thể Việt Minh kêu gọi dân chúng đoàn kết, chuẩn bị kháng chiến, đào hầm đục tường xuyên nhà nọ nhà kia, tản cư khỏi các phố. Dân chúng Hà Nội đã bắt đầu tản cư khá nhiều về các vùng ngoại ô. Các công sở được lệnh thu xếp hồ sơ, dụng cụ để đem đi các nơi an toàn.
Tác phẩm Những người ở lại của Nguyễn Huy Tưởng xoáy vào những
tháng ngày lịch sử dữ dội của dân tộc, những ngày nhân dân Thủ đô sống hết sức căng thẳng và xây dựng nên một bi kịch gia đình của bác sĩ Thành. Bác sĩ Thành là một trí thức tiếng tăm được cả người Việt và người Pháp kính trọng. Sơn con trai ông, vì hoàn cảnh gia đình (cha mẹ bỏ nhau) đã từ cha, kiên quyết không gọi bác sĩ Thành là bố. Sơn làm công nhân, theo Việt Minh, vào Tự vệ.
Con gái bác sĩ Thành là Lan đi theo kháng chiến, trong khi vợ hai của ông là Ngọc Cẩm lại bỏ nhà theo Tây. Bên cạnh bác sĩ Thành là những thanh niên trẻ như Kính, như Quảng, như Lan nô nức đi theo kháng chiến, đi biểu tình như trẩy hội, không ai thực sự ý thức được những chết chóc đợi chờ. Nguyễn Huy Tưởng đã sắp xếp nhiều mối quan hệ chồng chéo trong vở kịch như quan hệ giữa bác sĩ Thành với Sơn, giữa bác sĩ Thành với Ngọc Cẩm, giữa Ngọc Cẩm với Dương, giữa Ngọc Cẩm với Quảng, giữa Quảng với Lan...với những cuộc đấu tranh dằn vặt của bác sĩ Thành nên ở lại Hà Nội những ngày này hay ra ngoài thành. Trong giây phút nghiêm trọng của Hà Nội trước khi nổ súng, Sơn được "tổ chức" gửi về để thuyết phục bác sĩ Thành ra ngoài thành, theo kháng chiến. Bác sĩ Thành đã giết kẻ phản bội là người vợ Ngọc Cẩm và bước ra ngoài thành theo Sơn, theo cách mạng.