Vai trò của quản trị nhân lực đối với các hoạt động của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC TẠI NHÀ MÁY Z119. (Trang 32 - 38)

Trong những năm gần đây, công tác quản trị nhân sự đã được các nhà quản trị đặc biệt chú ý đến. Nếu trước kia nguồn nhân lực chỉ được coi là chi phí cho hoạt động đầu vào của quá trình sản xuất thì hiện nay nguồn nhân lực đã được xem như tài sản quan trọng nhất của mỗi doanh nghiệp, chính nguồn nhân lực là yếu tố cấu thành nên tổ chức, vận hành tổ chức và quyết định sự

thành bại của tổ chức. Nghiên cứu quản trị nguồn nhân lực giúp cho nhà quản trị đạt được mục đích, kết quả của công việc thông qua người khác. Hiện nay, khoa học kỹ thuật công nghệ đang ngày một phát triển không ngừng kéo theo sự phát triển của nền kinh tế buộc các nhà quản trị phải biết làm thế nào cho tổ chức của mình thích ứng với điều kiện nền kinh tế. Bởi vậy, việc quản trị đóng góp một vai trò vô cùng lớn trong hoạt động quản lý doanh nghiệp.

Quản trị nhân lực có vai trò quyết định trong việc thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Ngày nay, trong kinh tế tri thức, khi mà trong giá trị sản phẩm có đến hơn 80% là hàm lượng chất xám thì yếu tố con người ngày càng được đặt vào một vị trí quan trọng. Con người - với kỹ năng, trình độ của mình, tác động vào công cụ lao động tác động vào đối tượng lao động để tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã hội. Quá trình này cũng được tổ chức, điều khiển bởi con người. Con người thiết kế và sản xuất ra hàng hóa dịch vụ, kiểm tra chất lượng, đưa sản phẩm ra bán thị trường, phân bổ nguồn tài chính, xác định các chiến lược quan trọng và mục tiêu cho tổ chức. Không có những con người làm việc có hiệu quả thì mọi tổ chức đều không thể nào đạt tới mục tiêu của mình.

Xét về mặt kinh tế, quản trị nhân lực giúp doanh nghiệp khai thác khả năng tiềm tàng, nâng cao năng suất lao động và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp về nguồn nhân lực. Một nhà quản trị thực hiện tốt công việc quản trị giúp họ học được cách giao dịch với người khác, biết tìm ra ngôn ngữ chung, biết nhạy cảm với nhu cầu của nhân viên, đánh giá nhân viên của mình một cách chính xác để từ đó tạo động lực và thu hút nhân viên say mê với công việc của mình, từ đó nâng cao hiệu quả của tổ chức.

Thêm nữa, xét về mặt xã hội, quản trị nhân lực thể hiện quan điểm rất nhân bản về quyền lợi của người lao động, đề cao vị thế và giá trị của người lao động, chú trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa tổ chức, doanh nghiệp và người lao động, giảm bớt mâu thuẫn tư bản – lao động trong các doanh nghiệp.

Quản trị nguồn nhân lực đóng vai trò trung tâm trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển và đi lên trong cạnh tranh. Nhiệm vụ quản trị con người không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của trưởng phòng nhân sự hay tổ chức cán bộ trước đây mà là tất cả các quản trị. Con người là yếu tố cấu thành doanh nghiệp, bản thân con người vận hành doanh nghiệp và con người quyết định sự thắng bại của doanh nghiệp, bởi vậy việc quản trị nguồn nhân lực là yếu tố quyết định tới sự thành bại của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tìm được đúng người, giao đúng vị trí công việc, vào đúng thời điểm cần thiết, tuyển chọn, sắp xếp, đào tạo và điều động nhân sự trong tổ chức một cách khéo léo để đạt được hiệu quả cao nhất

1.4 Chức năng của quản trị nhân lực

Chức năng của quản trị nguồn nhân lực thể hiện ở các phương diện: Thứ nhất, quản trị nguồn nhân lực có chức năng thu hút nguồn nhân lực. Chắc chắn rằng không người lao động nào có thể từ chối một doanh nghiệp, tổ chức có điều kiện tốt, mức đãi ngộ cao và môi trường làm việc an toàn. Nhóm chức năng này chú trọng vấn đề đảm bảo có đủ số lượng nhân viên với các phẩm chất phù hợp cho công việc của doanh nghiệp và gồm các hoạt động như: Hoạch định nhu cầu nhân viên, phân tích công việc và tuyển dụng: phỏng vấn, trắc nghiệm. thu thập, lưu giữ và xử lý các thông tin về nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Với vai trò này, quản trị nguồn nhân lực đảm bảo cho doanh nghiệp có đủ số lượng nhân viên để thực hiện các hoạt động trong công ty cho kết quả cao với trình độ, kỹ năng, phẩm chất phù hợp mỗi công việc và bố trí đúng người đúng việc để đạt được hiệu quả cao nhất. Chức năng này thể hiện qua các hoạt động như phân tích công việc, tìm hiểu nhu cầu nhân viên, lựa chọn và tuyển dụng nhân viên. Để đội ngũ nhân viên không bị dư thừa, doanh nghiệp trước khi đăng tin tuyển dụng phải xem xét tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và phối hợp với quản lý công việc

để biết thực trạng sử dụng nhân viên trong doanh nghiệp từ đó mới xác định thời điểm, công việc và vị trí cần tuyển dụng.

Thực hiện phân tích công việc trước khi ra thông báo tuyển dụng sẽ cho nhà quản trị biết cần tuyển dụng với số lượng bao nhiêu, yêu cầu tiêu chuẩn đặt ra đối với ứng viên là như thế nào mới đảm bảo công việc được thực hiện đúng, hiệu quả. Chức năng này thường được thực hiện bởi phòng nhân sự và trong quá trình phỏng vấn có áp dụng trắc nghiệm hỏi chuyên môn để ra quyết định tuyển dụng ứng viên tốt nhất cho công việc.

Thứ hai, quản trị nguồn nhân lực có chức năng duy trì nguồn nhân lực, trong đó bao gồm các chức năng nhỏ: kích thích, động viên nhân viên bằng các chính sách và các hoạt động nhằm khuyến khích, động viên nhân viên như xây dựng bảng lương, thiết lập, áp dụng các chính sách lương bổng, thăng tiến, kỷ luật phúc lợi, phụ cấp... đồng thời duy trì, phát triển các mối quan hệ lao động tốt đẹp trong doanh nghiệp.

Thứ ba, quản trị nguồn nhân lực có chức năng quan hệ lao động. Đây là chức năng liên quan đến các hoạt động nhằm hoàn thiện môi trường làm việc và các mối quan hệ trong công việc như: ký kết hợp đồng lao động, giải quyết khiếu tố, tranh chấp lao động, cải thiện môi trường làm việc.

Chức năng thông tin và dịch vụ về nhân lực: Nhóm chức năng này cung cấp các thông tin có liên quan đến người lao động và thực hiện các dịch vụ mang tính phúc lợi cho nhân viên thông qua chức năng duy trì, phát triển các mối quan hệ lao động tốt đẹp trong doanh nghiệp nhằm hoàn thiện môi trường làm việc, văn hóa công ty, đảm bảo các mối quan hệ theo như điều khoản đã ký hết trong hợp đồng lao động, luôn có sự cải thiện môi trường làm việc, y tế, bảo hiểm và an toàn lao động... Thực hiện tốt chức năng này nhằm thỏa mãn sự hài lòng cho nhân viên cho họ cảm thấy thoải mái, an tâm trong môi trường làm việc chuyên nghiệp với mức thu nhập xứng đáng với những gì đã bỏ ra, là động lực cho nhân viên làm việc lâu dài với tổ chức.

Chức năng đào tạo và phát triển: Để đội ngũ nhân viên trong công ty hoàn thành tốt mọi công việc được giao, nhóm chức năng này phát huy tác dụng chú trọng việc nâng cao năng lực của nhân viên, đảm cho họ có đủ trình độ, kỹ năng, am hiểu chuyên môn về cả chiều sâu lẫn chiều rộng đồng thời tạo điều kiện cho nhân viên được phát triển tối đa điểm mạnh của bản thân. Hoạt động của nhóm chức năng này là hướng nghiệp, huấn luyện, đào tạo kỹ năng thực hành cho công nhân đặc biệt trong hoạt động vận hành máy móc, trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó phải bồi dưỡng nâng cao trình độ lành nghề và cập nhật kiến thức - phương pháp quản lý mới, kỹ thuật mới cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ cho công tác quản lý và điều hành hoạt động của công nhân viên.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

Quản trị nguồn nhân lực được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sự phát triển của doanh nghiệp nói chung và của nhà máy Z119 nói riêng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa và sản xuất. Quản trị nguồn nhân lực có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau và đem đến cho doanh nghiệp rất nhiều vai trò và chức năng cần thiết. Qua chương này, tác giả khái quát các mô hình quản trị nguồn nhân lực và nội dung quản trị nguồn nhân lực đồng thời nêu ra các vai trò và chức năng của công tác quản trị nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp.

Chương 2

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TẠI NHÀ MÁY Z119

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC TẠI NHÀ MÁY Z119. (Trang 32 - 38)