Danh từ nhà ở nên bao quát cả những đồ đạc, cách bày biện, và các hoàn cảnh vật chất ở chung quanh nhà. Vì ai cũng biết rằng khi lựa một ngôi nhà, nên chú ý tới nội bộ trong nhà. Tôi biết nhiều phú ông ở Thượng Hải rất hãnh diện rằng có được một miếng đất nhỏ, một cái hồ rộng ba bốn thước, và một cái đồi nhân tạo leo độ ba phút đã tới ngọn; mà họ không biết rằng có những người nghèo cất chòi lá ở sườn núi mà được hưởng một cảnh đẹp tuyệt vời, như cả vũ trụ là cái vườn riêng của mình. Hai hạng người đó ai sướng hơn ai, chẳng cần phải so sánh làm gì. Có những căn nhà cất trên núi trong những cảnh đẹp đến nỗi chẳng ai nghĩ tới việc rào dậu làm chi, vì bước ra khỏi cửa là một vùng trời đất hiện ra trước mắt, nào núi xanh mây trắng, nào thác đổ ào ào, chim kêu ríu rít. Người nào sống trong cảnh đó mới thực là phú ông mà hạng triệu phú ở thành thị không sao bì kịp. Một người sống nơi thành thị có thể thấy mây bay ngang qua, nhưng ít khi họ biết ngắm mây mà có ngắm thì cũng chẳng thú gì, vì có mây trắng mà không có núi xanh24[24]. Bối cảnh không thích nghi chút nào cả.
Người Trung Hoa có quan niệm rằng nhà ở chỉ là một bộ phận nhỏ trong cảnh thiên nhiên và phải hoà hợp với cảnh như một viên ngọc trong một hộp kim ngân. Vì vậy tất cả những nét nhân tạo đều phải che khuất đi càng nhiều càng tốt, những đường thẳng của tường phải cắt bằng những chỗ nhô ra. Nhà máy có thể cất vuông vức như một cái hộp vì cần tiện lợi trước hết. Nhưng nhà ở mà như vậy thì coi sao được. Một văn nhân Trung Hoa đã tả một ngôi nhà lí tưởng như sau:
“Bước qua khỏi cổng là tới một lối đi, lối đi nên khuất khúc. Tới khúc quẹo của lối đi một bức bình phong, bình phong nên nhỏ. Sau bình phong là một cái sân, sân nên phẳng. Ở bên cái sân có hoa, hoa nên tươi. Sau dẫy hoa có bức tường, tường nên thấp. Gốc tường có cây thông, thông nên già. Dưới gốc thông có đá, đá nên kì quái. Trên đá có cái đình (nhà mát), đình nên giản phác. Sau đình có trúc, trúc nên nhỏ và thưa. Hết các bụi trúc tới nhà ở, nhà nên u tịch. Bên nhà có đường đi, đường nên rẽ ra hai ngả. Chỗ rẽ có cầu, cầu nên cao. Bên cầu có cây, cây nên lớn. Dưới bóng cây có cỏ, cỏ nên xanh. Trên bãi cỏ có hào (rãnh), hào nên hẹp. Cuối hào có ngọn suối, suối nên róc rách. Phía trên dòng suối nên có núi, núi nên cao. Chân núi có cái trang, trang nên vuông vắn. Một bên cái trang có vườn rau, vườn nên rộng. Trong vườn có hạc, hạc phải múa. Hạc báo có khách tới, khách không phàm tục. Khách tới bày rượu, khách không được từ chối; uống rượu rồi say, khách say mà không đòi về”.
Nhà ở nên có tích cách độc lập. Lí Lạp Ông, trong một cuốn bàn về nghệ thuật sống, để ra mấy chương xét vấn đề nhà cửa. Trong bài tựa, ông đặc biệt nhấn vào hai điểm “tự tại” và “độc lập tính”. Tôi cho rằng điểm “tự tại” quan trọng hơn điểm “độc lập tính” vì nhà cửa dù rộng rãi, đẹp đẽ đến bực nào, bao giờ cũng có một gian mà ta thích nhất, và chỉ ở trong gian đó ta mới thấy khoan khoái; luôn luôn nó là một gian nhỏ, giản dị, thân mật.
Lí viết:
“Người ta không thể không có nhà cũng như cơ thể không thể không có áo. Mùa hè phải mát, mùa đông phải ấm, thì nhà cũng vậy. Nhà cao vài chục thước, rui mè nhô ra vài thước, lớn thì lớn thật, nhưng hợp với mùa hè mà không hợp với mùa đông. Vô nhà một bực quí nhân, không lạnh mà cũng run: tuy cái thế khiến nên như vậy, nhưng cũng tại nhà rộng lớn quá, như ta bận cái áo cừu rộng quá mà
không thắt lưng nên vẫn lạnh. Vô một căn nhà tường chỉ ngang vai, hẹp chứ không có chỗ đặt chân, kiệm thì kiệm thật, nhưng hợp với chủ mà không hợp với khách… Tôi muốn rằng các nhà quan lớn đừng rộng quá, phòng với người nên xứng với nhau. Vẽ sơn thuỷ, người ta theo qui tắc này: Núi cao một trượng thì cây cao một thước, ngựa cao một tấc, người bằng hạt đậu25[25]. Núi cao một trượng mà cây cao hai, ba thước, hoặc ngựa cao một tấc, mà người thì nhỏ bằng hạt thóc, hạt kê, thử hỏi có xứng không? Nếu các ông lớn cao chín mười thước thì ở ngôi nhà cao vài chục thước là hợp26[26]; nếu không vậy thì nhà càng cao, người hoá ra càng lùn, nhà càng rộng thì thân hình hoá ra càng nhỏ. Như vậy sao bằng cất nhà nhỏ bớt đi cho thân hình có vẻ lớn ra? Tôi thường thấy các ông lớn hoặc họ hàng của họ bỏ ra hàng ngàn hàng vạn đồng để xây vườn, bảo người thợ: “Đình (nhà mát) thì đúng kiểu của ông này, tạ (nhà thuỷ tạ) thì theo đúng cách thức của ông nọ, đừng sai một li nhé”. Khi xây cất xong, hãnh diện khoe rằng, từ cửa cái, cửa sổ đến cái hiên, cái gác nhất thiết đều giống các vườn danh tiếng, không sai phép tắc chút nào cả. Ôi! Bỉ lậu thay bọn đó.
“Trong việc kiến trúc, phải tránh sự xa xỉ và cầu kì. Chẳng những hạng dân thường cần phải kiệm phác mà đến bậc vương công đại nhân cũng nên trọng điều đó. Vì nhà để ở, quí thuần giản chứ không quí rực rỡ, quí tân kì nhã nhặn chứ không quí tiêm xảo, lạn mạn. Người ta thích khoe sang trọng rực rỡ, không phải vì thích cái đó mà vì không có sáng kiến mới mẻ; bỏ cái sang trọng rực rỡ đi thì không có gì để khoe nữa”.
Trong bộ sách của ông, Lí Lạp Ông còn bàn về cách bố trí các phòng, các cửa, cách bày biện đồ đạt, từ cái bàn cái ghế đến cái giường, tủ và các đồ trang hoàng lặt vạt. Ông có rất nhiều sáng kiến và rất đa tài: vừa là nhà soạn tuồng, nhà âm
nhạc, vừa là kiến trúc gia, mĩ dung chuyên gia27[27].
Về cách bày biện trong nhà, quan niệm của người Trung Hoa gồm hai nguyên tắc: giản dị và khoảng khoát. Đồ đạc trong phòng không nên nhiều, nên làm bằng loại dữu mộc (acajou), đánh bóng, nét giản dị, góc cong. Sát tường nên bày một cái bàn dài không có hộc, trên bày một bình lớn. Góc tường nên bày vài cái giá đặt chậu hoa hoặc đồ cổ. Phía khác trong phòng kê một kệ sách có những ngăn cao thấp khác nhau. Ở tường treo một vài bức tranh hoặc liễn, nét vẽ thì nên đậm, thưa, nét chữ thì nên hùng kính, mà sự bày biện trong phòng cũng nên đạm, thưa như bức tranh. Nét đặc biệt nhất của nhà cửa Trung Hoa là cái sân lát đá có vẻ vừa an ninh vừa u tĩnh như những cái sân Y Pha Nho vậy.
* * *
Chú thích:
28[1] Tức bọn Sơn Đông mãi võ, huynh hoang quảng cáo những món thuốc tầm thường. Pháp văn: philosophe “de foire”: “triết gia chợ phiên”. [Nguyên văn tiếng Anh: “market philosopher”. (Goldfish)]
29[2] Đoạn này tác giả dùng một phép chơi chữ: Tiếng Anh lying có hai nghĩa: nằm, và nói dối. Cả bản tiếng Pháp và bản tiếng Trung Hoa đều không dịch nỗi lối chơi chữ đó: cho nên tôi nghĩ lượt bớt đi cho dễ hiểu.
30[3] Một hoạ sĩ danh tiếng đời Nguyên.
31[4] Một hoạ sĩ danh tiếng đời Tống, bạn của Tô Đông Pha. 32[5] Một văn sĩ ít ai biết, coi trong bài tựa của tác giả.
33[6] Tôi cắt một đoạn Lâm tả những tiếng ông nghe được một buổi sáng ở Thượng Hải trong khi ông đã tỉnh dậy mà vẫn nằm ở trên giường.
34[7] Chúng tôi không rõ loài chim giá cô này, tiếng Việt gọi là gì. Nhưng ở Bắc Việt, chúng tôi được nghe một loài chim mà chúng tôi không được biết tên: tiếng hót giống như tác giả đã tả. Theo tai chúng tôi, thì nó hót: chè xôi chuối – thịt; tiếng thịt đổ xuống thật mau. Trong Nam này hình như vào mua xuân, ở đồng quê và ngay của Sài Gòn, có một loài chim hót nghe cũng rất thích. Hỏi ra cũng không ai biết tên, có người gọi nó là chim bồ côi vì tiếng hót nghe y nghe: père, frère, mẻre tout est perdu (cha, anh, mẹ, mất cả rồi), sau mỗi tiếng père, frère, mère ngừng lại một chút rồi tout est perdu dồn một hơi rất gấp.
35[8] Chúng tôi không hiểu rõ ý của tác giả trong đoạn này. Mấy hàng trên mới nói cái thú nhàn đàm là giữ được cái giọng ung dung, nhàn thích, thân mật. Đây lại nói là cần được trút hết nỗi phẫn uất một cách kịch liệt. Phải chăng nhàn đàm tặng ta cả hai thú đó?
36[9] Tôi tạm thêm chữ “không” (có lẽ sách in thiếu), vì nguyên tác tiếng Anh như sau: “There is no question but we need the presence of women in a cultured conversation, to give it the necessary frivolity which is the soul of conversation.
Without frivolity and gaiety, conversation soon becomes heavy and philosophy
itself becomes foolish and a stranger to life. (Goldfish).
37[10] Về tên tác giả của tiểu phẩm Chử tuyền 煮泉小品, trong Sinh hoạt đích
nghệ thuật chép là Điền Nghệ Hằng 田藝恆, nhưng có tài liệu chép là Điền Nghệ
Hành 田藝衡. (Goldfish).
38[11] Ở đây tôi bỏ một đoạn dài hơn một trang nói về cách nấu nước và pha trà mà nhiều người đã viết, chẳng hạn Nguyễn Tuân trong “Vang bóng một thời”. 39[12] Ý nói trà rất dễ nhiễm (hấp phụ) mùi hương. Nguyên văn tiếng Anh: “tea, most susceptible to contamination of flavors”. (Goldfish).
40[13] Tiểu thuyết gia Anh (1811-1863), viết loại nào cũng thành công, có vẻ châm biếm, cay độc hơn Dickens.
41[14] Bỏ một đoạn trên ba trang, trong đó tác giả kể lại một lần bỏ thuốc lá. 42[15] Trong nguyên tác tiếng Anh, là Stalin, Hiller và Mussolini (trang 241). (Goldfish).
43[16] Sách in là: “Một tôn giáo bất cận nhân tình là một chính trị điên khùng”, và tôi tạm sửa lại như trên. Nguyên văn tiếng Anh: “An inhuman religion is no
religion, inhuman politics is foolish politics”. (Goldfish).
44[17] Ở tỉnh Chiết Giang, nổi danh vì thứ rượu hoàng tửu. Gần đó có Lan Đình, nơi mà Vương Hi Chi thường lại chơi. Coi bài Lan Đình tập tự.
45[18] Lệnh có nghĩa là làm chủ, ra lệnh. Trong bữa tiệc, cử một người làm chủ, ra lệnh (chẳng hạn làm thơ) thì các người khác phải nghe, không thì bị phạt rượu, cho nên gọi là tửu lệnh.
46[19] Tác giả viết sách cho người phương Tây đọc, nên đưa ra những tỉ dụ trong tiếng Anh. Chẳng hạn lựa hai chữ Humdrum và Drumstick; cắt cái đuôi drum của chữ thứ nhất và cái đầu, cũng drum, của chữ thứ nhì; còn lại ghép thành Hum-
Strick, phải đoán ra bộ phận đã bị cắt. Tác giả còn đưa ra nhiều thí dụ nữa. Trong bản tiếng Hán, người dịch theo đúng nguyên văn mà lại không đưa thêm một vài thí dụ trong Trung Hoa, thành tử chúng ta chỉ hiểu một cách mơ hồ thôi.
47[20] Người uống rượu.
48[21] Sách in là thực vật, tôi tạm sửa lại là thực phẩm. Nguyên văn cả câu trong bản tiếng Anh là: “Taking then the broader view of food as nourishment, the Chinese do not draw any distinction between food and medicine”. (Goldfish). 49[22] Theo nguyên tác thì là món súp gà ác nấu với sinh địa: “…black-skinned chicken soup, cooked with rehmannia lutea”. (Goldfish).
50[23] Ta thường gọi là Đông y.
51[24] Tác giả hơi khó tính. Ở Sài Gòn này nhìn mây trắng trôi sau một rặng dương (phi lao) trên nền trời xanh, nhiều khi tôi cũng thấy thú lắm.
52[25] Nguyên văn tiếng Anh: “Ten-feet mountains and one-foot trees; one-inch horses and bean-sized human beings”. (Goldfish).
53[26] Nguyên văn tiếng Anh: “It would be all right for officials to live in halls twenty or thirty feet high, if their bodies were nine or ten feet”. (Goldfish). 54[27] Bỏ đoạn nói về một kiểu cửa sổ của Lí Lạp Ông và vài kiểu ghế.