Hai phẩm Sám hối, Phát nguyện, giống như phần trước. Ai chỉ cần phần cốt yếu thì chọn phần đầu, nếu cần vắn tắt thì chọn phần giữa, còn nếu cần chi tiết rộng rãi thì chọn phần dưới. Phần chi tiết khuyến khích những hành giả có tâm chân thực nguyện vãng sanh. Khi sám hối, hoặc đối với bốn chúng, hoặc đối với mười phương Phật, hoặc đối với xá lợi Phật, tượng Phật, v.v..., hoặc đối với một người, hoặc tự chính mình. Lại phải hướng về mười phương Tam bảo cùng tận hư không giới, cùng tận chúng sanh giới, v.v... mà phát lồ sám hối. Sám hối có ba phần: thượng, trung, hạ.
Thượng phẩm sám hối, nghĩa là các lỗ chân lông đều rỉ máu, thống khổ hối hận, hai mắt cũng rỉ máu. Đây gọi là thượng phẩm sám hối.
Trung phẩm sám hối, nghĩa là toàn thân toát mồ hôi nóng, hai mắt rỉ máu. Đây gọi là trung phẩm sám hối.
Hạ phẩm sám hối, nghĩa là toàn thân nóng bức, hai mắt đẫm lệ. Đây gọi là hạ phẩm sám hối.
Ba phẩm sám hối này, tuy có sự sai khác, đều là do từ lâu đã trồng căn lành giải thoát, khiến cho đời này kính pháp trọng thầy, không tiếc thân mạng. Nhẫn đến phạm những tội nhỏ, đều hết lòng như pháp sám hối. Người nào
sám hối như vậy, bất luận lâu mau, đều có thể mau chóng diệt trừ tất cả những tội nặng. Nếu không như vậy, dù cho vất vả tụng niệm suốt ngày, tất cả đều vô ích, giống như chưa sám hối. Nên biết, lúc sám hối, dù không thể có những biểu hiện bên ngoài như vừa nói ở phần trên, nhưng nếu có tâm chí thành chí thiết, thì những tội chướng cũng sẽ tiêu diệt một cách nhanh chóng.
---o0o---
QUẢNG SÁM
Kính bạch mười phương chư Phật, mười phương tôn pháp, chư đại Bồ Tát, tất cả thánh hiền, tất cả long thiên bát bộ, pháp giới chúng sanh, cùng tất cả đại chúng đang có mặt, chứng tri cho con là.... phát lồ sám hối, từ vô thỉ cho đến ngày nay, tất cả tội chướng:
1.Sát hại tất cả Tam bảo, sư tăng, cha mẹ, lục thân quyến thuộc, tất cả chúng sanh trong pháp giới, số lượng không kể xiết.
2.Trộm cắp tài vật của tất cả Tam bảo, sư tăng, cha mẹ, lục thân quyến thuộc, tất cả chúng sanh trong pháp giới, số lượng không kể xiết.
3.Sanh khởi tà tâm đối với tất cả Tam bảo, sư tăng, cha mẹ, lục thân quyến thuộc, tất cả chúng sanh trong pháp giới, không thể kể xiết.
4.Vọng ngữ lừa dối với tất cả Tam bảo, sư tăng, cha mẹ, lục thân quyến thuộc, tất cả chúng sanh trong pháp giới, không thể kể xiết.
5.Nói lời vô nghĩa (ỷ ngữ) đối với tất cả Tam bảo, sư tăng, cha mẹ, lục thân quyến thuộc, tất cả chúng sanh trong pháp giới, không thể kể xiết.
6.Nói lời hung ác đối với tất cả Tam bảo, sư tăng, cha mẹ, lục thân quyến thuộc, tất cả chúng sanh trong pháp giới, không thể kể xiết.
7.Nói lời đâm thọc (lưỡng thiệt) đối với tất cả Tam bảo, sư tăng, cha mẹ, lục thân quyến thuộc, tất cả chúng sanh trong pháp giới, không thể kể xiết. 8.Hoặc phá năm giới, tám giới, mười giới (sa di), hai trăm năm mươi giới (tỳ kheo), năm trăm giới (tỳ kheo ni), ba tụ giới Bồ Tát, mười vô tận giới, nhẫn đến tất cả giới luật, uy nghi, v.v... Tự mình làm, hoặc bảo người khác làm, hoặc thấy người làm mà vui, không thể kể xiết.
Những tội chướng mà con đã tạo tác như vậy, nhiều như số vi trần trong mười phương thế giới. Hư không vô biên, tội ác mà con đã tạo cũng vô biên. Phương tiện vô biên, tội ác mà con đã tạo cũng vô biên. Pháp tính vô biên, tội ác mà con đã tạo cũng vô biên. Pháp giới vô biên, tội ác mà con đã tạo cũng vô biên. Tam bảo vô biên, chúng con xâm tổn, cướp đoạt, sát hại cũng vô biên. Giới phẩm vô biên, chúng con hủy phạm giới luật cũng vô biên.
Những tội chướng như vậy, trên cho đến các bậc Bồ Tát, dưới cho đên các bậc Thanh văn Duyên giác, cũng không thể biết hết được, chỉ có chư Phật mới có thể biết được số lượng tội nghiệp mà chúng con đã tạo là bao nhiêu. Nay con đối trước Tam bảo, cùng chúng sanh trong mười phương pháp giới, phát lồ sám hối, không dám che dấu. Xin nguyện mười phương Tam bảo cùng pháp giới chúng sanh, chứng nhận sự sám hối, ghi nhớ cho sự thanh tịnh của con. Kể từ ngày hôm nay, nguyện cùng pháp giới chúng sanh, cải tà quy chánh, phát tâm Bồ đề, đối xử nhau từ bi, xem nhau như Phật, làm quyến thuộc Bồ đề, làm chân thật thiện tri thức, cùng vãng sanh về Tây phương Cực Lạc, nhẫn đến khi thành Phật. Những tội như vậy, vĩnh viễn đoạn trừ sự tương tục, không còn dám tái phạm. Sám hối rồi, chí tâm quy mạng A Di Đà Phật.
(Hết phần Quảng Sám)
Trước khi nhập quán hoặc ngủ nghỉ, nên phát nguyện như sau, hoặc đứng hoặc ngồi, một lòng chắp tay, hướng về phía tây, niệm mười câu A Di Đà Phật, Quán Âm Thế Chí, chư Bồ Tát Thanh tịnh Đại hải chúng xong, nguyện:
“Đệ tử... hiện tại là phàm phu sanh tử, tội chướng sâu nặng, trôi lăn sanh tử khổ không thể tả, ngày nay gặp được thiện tri thức, được nghe danh hiệu bổn nguyện của đức A Di Đà Phật, một lòng xưng niệm cầu nguyện vãng sanh, nguyện Phật từ bi không quên lời thệ nguyện rộng lớn nhiếp thọ chúng sanh. Đệ tử chúng con chưa thấy thân Phật tướng hảo quang minh, nguyện Phật từ bi thị hiện cho chúng con được thấy thân tướng của ngài, các vị Bồ Tát Quán Âm Thế Chí, cùng cảnh giới quang minh thanh tịnh trang nghiêm của cõi Cực Lạc.”
Nói xong, một lòng chánh niệm, sau đó tùy ý nhập quán hoặc ngủ nghỉ. Như vậy, hoặc trong lúc đang phát nguyện, hoặc trong lúc ngủ nghỉ, thấy được cảnh giới, ngoại trừ kẻ không chí thành. Điều này đã có nhiều người chứng nghiệm.
Hỏi: Nếu niệm một câu A Di Đà Phật, hiện đời sẽ được công đức lợi ích gì?
Đáp: Niệm một câu A Di Đà Phật có thể diệt trừ được tám mươi ức kiếp sanh tử trọng tội. Lễ Phật, niệm Phật cũng tương tự như vậy. Thập Vãng sanh Kinh nói: “Nếu có chúng sanh niệm A Di Đà Phật nguyện sanh Cực Lạc, đức A Di Đà sẽ cho hai mươi lăm vị đại Bồ Tát đến hộ trì hành giả.
Người đó trong lúc đi đứng nằm ngồi, hoặc ngày hoặc đêm, tất cả mọi nơi, không cho ác quỷ ác thần não
hại hành giả.”
Lại như Quán Kinh nói: “Nếu xưng niệm, lễ lạy A Di Đà Phật, nguyện sanh Cực Lạc, Phật A Di Đà sẽ cho vô số hóa Bồ Tát giống như Bồ Tát Quán Âm Thế Chí đến hộ trì hành giả. Lại cùng với hai mươi lăm vị đại Bồ Tát trước, vây quanh hành giả, trăm vòng ngàn vòng, trong tất cả mọi thời, bất kể hành giả đó đi đứng nằm ngồi, các ngài thường không rời người ấy.” Nay đã có được sự lợi ích thù thắng làm chỗ nương tựa, nguyện các hành giả đều nên chí tâm cầu nguyện vãng sanh. Lại như Vô Lượng Thọ Kinh nói:
“Nếu ta thành Phật, mười phương thế giới chúng sanh xưng niệm danh hiệu của ta, nhẫn đến tối thiểu là mười niệm, nếu như không được vãng sanh, ta thề
không thành Chánh giác.”
Đức A Di Đà hiện nay đã thành Phật ở cõi Cực Lạc, như vậy phải nên biết rằng lời thệ nguyện trọng đại đó là chân thật, không phải hư dối. Chúng sanh xưng niệm, ắt được vãng sanh. Lại như Kinh A Di Đà nói: “Nếu có chúng sanh, nghe được danh hiệu đức A Di Đà, phải nên chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày, hai ngày, nhẫn đến bảy ngày, một lòng hệ niệm không loạn. Khi người ấy mạng chung, đức A Di Đà và các thánh chúng hiện ra trước mặt, lúc đó, người ấy tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Phật bảo ngài Xá Lợi Phất, ta thấy được sự lợi ích, cho nên mới nói như vậy. Nếu ai nghe điều này, phải nên phát nguyện vãng sanh cõi Cực Lạc.”
Phần dưới quyển kinh nói: “Phương đông, số chư Phật nhiều như cát sông Hằng, các phương nam, tây, bắc, cùng phương trên phương dưới, số chư Phật cũng nhiều như cát sông Hằng, mỗi vị đều ở tại cõi nước của mình, hiện tướng lưỡi rộng dài, che trùm tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thực như sau: Này các chúng sanh, phải nên tin tưởng kinh Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm.” Thế nào gọi là Hộ Niệm? Nếu có chúng sanh xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, hoặc bảy ngày, hoặc một ngày, hoặc tối thiểu là mười niệm, hoặc một niệm, đều được vãng sanh. Các vị Phật đều chứng thành sự kiện này, nên gọi là Hộ
Niệm Kinh. Kế đó, đoạn văn phần dưới nói: “Nếu xưng niệm danh hiệu Phật cầu vãng sanh, thường được hằng hà sa chư Phật ở sáu phương hộ niệm, cho nên được gọi là Hộ Niệm Kinh.”
Hiện nay có những điều thệ nguyện tăng thượng để nương tựa, các vị Phật tử tại sao lại không nỗ lực cầu nguyện vãng sanh!
---o0o--- HẾT