Hợp đồng quyền chọn (Option contracts)

Một phần của tài liệu 04_FIN301_Bai 2_v1.0011101210 (Trang 31 - 35)

Khái niệm:Hợp đồng quyền chọn là loại hợp đồng cho phép bên nắm giữ quyền (bên mua quyền) được mua (nếu là hợp đồng quyền chọn mua) hoặc bán (nếu là hợp đồng quyền chọn bán) nhưng không bắt buộc một khối lượng chứng khoán nhất định với một mức giá và trong một thời hạn xác định.

Các yếu tố cơ bản của hợp đồng quyền chọn

o Tên và khối lượng chứng khoán được mua, hoặc bán theo quyền, o Loại quyền: quyền chọn mua (call option) hay chọn bán (put option),

o Cách thực hiện quyền: quyền chọn kiểu Mỹ hay kiểu Âu,

o Thời hạn hiệu lực của quyền,

o Giá hàng hóa cơ sở (giá mua, hoặc bán chứng khoán theo quyền),

o Giá (phí) quyền chọn mà người mua quyền phải trả cho người bán quyền.

Người nắm giữ quyền chọn có quyền mua, hoặc có quyền bán chứng khoán trong thời gian hiệu lực

của hợp đồng. Một hợp đồng quyền chọn kiểu Mỹ có thể được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong thời gian hiệu lực của nó, kể cả ngày đáo hạn của hợp đồng. Còn một hợp đồng quyền chọn kiểu Âu chỉ được phép thực hiện vào ngày hợp đồng đáo hạn.

Đặc điểm của hợp đồng quyền chọn

o Hợp đồng quyền chọn được ký kết ở hiện tại và tại thời điểm này người mua quyền phải trả cho người bán quyền phí quyền chọn.

o Hợp đồng quyền chọn không có tính bắt buộc, do đó trong thời gian hiệu lực của hợp đồng, người nắm giữ quyền có thể thực hiện, hoặc không thực hiện quyền chọn, hoặc có thể bán quyền cho người khác.

o Người bán quyền có trách nhiệm chuyển giao chứng khoán (đối với quyền chọn mua) hoặc thanh toán tiền (đối với quyền chọn bán) cho người mua quyền nếu người mua quyền thực hiện hợp đồng.

o Hợp đồng quyền chọn được các nhà đầu tư sử dụng để bảo vệ lợi nhuận hoặc hạn chế thua lỗ trong đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Các loại quyền chọn

o Quyền chọn mua (Call option)

Khái niệm

Quyền chọn mua là loại quyền chọn cho phép bên mua quyền có quyền nhưng không bắt buộc mua một khối lượng chứng khoán nhất định với một mức giá và trong một thời hạn xác định.

Ví dụ: Giá cổ phiếu (CP) của công ty ABC hiện đang giao dịch ở mức giá

60.000 đ/CP. Dựa trên cơ sở một số thông tin thu thập được, ông Nam dự đoán giá CP này sẽ tăng lên 90.000 đ/CP vào tháng 10. Nếu ông Nam muốn mua 2000CP ở hiện tại thì phải bỏ ra 120.000.000 đ (2000 × 60.000). Nếu dự đoán đúng, Ông Nam sẽ thu được lợi nhuận từ thương vụ đầu tư này, giá CP của công ty ABC càng tăng thì lợi nhuận thu được càng lớn. Nhưng nếu dự đoán của ông Nam không đúng, giá CP của công ty ABC không tăng mà lại giảm xuống 50.000 đ/CP vào tháng 10 thì ông Nam sẽ bị lỗ 20.000.000 đ [2000 × (60.000 – 50.000)]. Và, nếu giá thị trường càng giảm sâu bao nhiêu thì thua lỗ mà ông Nam phải gánh chịu sẽ càng lớn bấy nhiêu.

Để hạn chế rủi ro và vẫn thực hiện được ý định mua CP của công ty ABC như dự đoán, ông Nam đầu tư bằng việc mua quyền chọn mua CP của công ty

ABC, giá cổ phiếu theo hợp đồng quyền chọn E = 60.000 đ/CP, thời hạn 2 tháng, số lượng 2.000 CP với giá (phí) quyền chọn mua C = 3.000 đ/CP. Tổng chi phí mua quyền chọn mua là 6.000.000 đ (2000 × 3000). Nếu đến tháng 10, giá CP của công ty ABC tăng lên 90.000.000 đ/CP (theo đúng dự đoán), ông Nam sẽ thực hiện quyền chọn mua của mình và so với giá thị trường ông đã thu được số tiền lãi: 2.000 × (90.000 – 60.000 – 3.000) = 54.000.000 đ. Nếu giá CP trên thị trường càng tăng cao thì lãi ông Nam nhận được càng lớn. Ngược lại, nếu giá CP không tăng mà giảm, thì ông Nam sẽ bị lỗ. Nhưng ông đã giới hạn được mức thua lỗ tối đa là 6.000.000 đ. Đây chính là điểm khác biệt giữa hợp đồng mua bán giao ngay với hợp đồng quyền chọn.

o Quyền chọn bán (Put option)

Khái niệm

Quyền chọn bán là loại quyền chọn cho phép bên mua quyền có quyền nhưng không bắt buộc bán một khối lượng chứng khoán nhất định với một mức giá và trong một thời hạn xác định.

Ví dụ: Ông X đang nắm giữ 2.000 CP của công

ty A mà ông đã mua cách đây 5 tháng với giá 40.000 đ/CP. Hiện tại CP này đang giao dịch ở mức giá 60.000 đ/CP. Dựa trên cơ sở 1 số thông tin thu thập được ông X dự đoán giá CP này sẽ giảm xuống 40.000 đ/CP vào tháng 10. Ông X dự tính nếu bán 2.000 CP ở hiện tại thì sẽ thu được 120.000.000 đ (2.000 × 60.000) và thu được mức lãi là 40.000.000 đ. Nhưng nếu dự

đoán của X không đúng, giá CP của công ty A không giảm mà lại tăng lên 70.000 đ/CP vào tháng 10 thì thu nhập của ông X sẽ bị giảm 20.000.000 đ. Để bảo vệ lợi nhuận và vẫn thực hiện được ý định bán số CP, ông X mua quyền chọn bán CP của công ty A, giá bán theo hợp đồng quyền chọn E = 60.000 đ/CP, thời hạn 2 tháng, số lượng 2.000 CP với giá (phí) quyền chọn bán P = 3.000 đ/CP. Tổng chi phí mua quyền chọn bán là 6.000.000 đ. Đến tháng 10, nếu giá CP của công ty A giảm xuống 40.000 đ/CP (theo đúng dự đoán), ông X sẽ thực hiện quyền chọn bán của mình và vẫn thu được số tiền lãi: 2.000 × (60.000 – 40.000 – 3.000) = 34.000.000 đ. Nếu giá CP không giảm mà lại tăng lên 70.000 đ/CP, thì ông X sẽ không thực hiện quyền bán mà bán theo giá thị trường. Ông X sẽ nhận được số tiền lãi là: 2.000 × (70.000 – 40.000 – 3.000) = 54.000.000 đ. Nếu giá thị trường càng tăng thì lãi ông X nhận được sẽ càng lớn.

Ngoài việc sử dụng quyền chọn cho mục đích phòng ngừa rủi ro như các ví dụ nêu trên, ngày nay quyền chọn còn được sử dụng cho mục đích đầu cơ (hưởng thu nhập từ sự lên xuống giá cổ phiếu mà không cần thực hiện việc chuyển giao cổ phiếu).

Ví dụ: Nhà đầu tư A mua quyền chọn mua 1000 cổ phiếu XYZ với giá mua

theo hợp đồng 100 USD/CP, phí quyền chọn là 1 USD/CP, kỳ hạn 2 tháng. Nếu đến ngày thực hiện quyền chọn, giá cổ phiếu XYZ trên thị trường giao

ngay là 120 USD/CP, nhà đầu tư sẽ nhận được lãi trên mỗi cổ phiếu là 19 USD (120-100-1). Ngược lại, nếu giá cổ phiếu giảm xuống 95 USD/CP, nhà đầu tư lỗ 1 USD/CP.

Giá trị nội tại của quyền chọn

Là giá trị mà người nắm giữ quyền sẽ nhận được bằng cách thực hiện ngay lập tức. Gọi E là giá chứng khoán theo quyền, S là giá chứng khoán mua bán giao ngay ở hiện tại.

E < S Quyền chọn mua có lãi (in the money) E = S Quyền chọn mua hòa vốn (at the money) E > S Quyền chọn mua lỗ (out of money) Đối với quyền chọn bán thì ngược lại.  Giá trị thời gian của quyền

Là khoản trội ra giữa giá của một quyền so với giá trị nội tại của nó.

Ví dụ:

Giá quyền chọn mua 1 cổ phiếu ABC là C = 4000 đ, E = 40.000, S = 42.000 Giá trị thời gian của quyền là: 4000 – (42.000 – 40.000) = 2000 đ

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá quyền chọn

o Giá thực hiện (E): Đối với quyền chọn mua chứng khoán, nếu giá thực hiện theo quyền càng cao so với giá hiện hành của chứng khoán trên thị trường (S) thì giá quyền chọn mua càng thấp và ngược lại. Đối với quyền chọn bán chứng khoán, nếu giá thực hiện theo quyền càng cao thì giá quyền chọn bán càng cao và ngược lại.

o Xu hướng biến động giá giao ngay (S) của chứng khoán cơ sở: Đối với quyền chọn mua, giá quyền chọn có quan hệ cùng chiều với sự tăng giảm giá của chứng khoán cơ sở. Ngược lại, đối với quyền chọn bán, giá quyền chọn có quan hệ ngược chiều với sự biến động của giá chứng khoán cơ sở.

o Thời hạn hiệu lực còn lại của quyền chọn: Thông thường, nếu thời hạn hiệu lực của quyền chọn càng dài thì giá quyền càng cao. Ngược lại, thời hạn hiệu lực còn lại càng ngắn thì giá quyền càng thấp.

o Lãi suất ngắn hạn phi rủi ro hiện hành trên thị trường: Yếu tố này chủ yếu liên quan tới sự tăng, giảm giá của quyền chọn mua hoặc bán trái phiếu. Giá quyền chọn mua trái phiếu sẽ tăng nếu lãi suất ngắn hạn phi rủi ro hiện hành tăng. Điều này ngược lại đối với giá quyền chọn bán trái phiếu .

o Lãi suất coupon: Với lý do các coupon luôn có xu hướng làm giảm giá quyền mua trái phiếu, nên việc nắm giữ trái phiếu sẽ trở nên hấp dẫn hơn so với việc nắm giữ quyền. Điều đó sẽ làm cho giá quyền chọn mua trái phiếu có coupon thấp hơn giá quyền mua trái phiếu thông thường không có coupon. Điều này hoàn toàn ngược lại đối với giá quyền chọn bán trái phiếu.

o Xu hướng dao động của lãi suất trong thời hạn còn lại của quyền: Điều này được giải nghĩa là khi mức lãi suất dự đoán có xu hướng tăng thì giá quyền mua chứng khoán sẽ tăng, ngược lại, giá quyền bán chứng khoán sẽ giảm nếu nếu lãi suất dự đoán có xu hướng giảm sút. Bởi lẽ, khi lãi suất dự đoán càng cao thì người nắm giữ chứng khoán không muốn tiếp tục nắm giữ chứng khoán, điều này có lợi cho người nắm giữ quyền chọn mua và sẽ bất lợi cho những người nắm giữ quyền chọn bán.

Việc nghiên cứu sự tác động của các yếu tố tới sự tăng giảm giá quyền có một ý nghĩa quan trọng đối với người nắm giữ và nó lại càng quan trọng hơn đối với những người kinh doanh quyền chọn trên TTCK bởi đây chính là những căn cứ cần thiết để xác định giá quyền chọn.

Một phần của tài liệu 04_FIN301_Bai 2_v1.0011101210 (Trang 31 - 35)