Các hình thức phỏng vấn

Một phần của tài liệu 7.Tai lieu DHDT KTV (Trang 53 - 55)

a. Phỏng vấn trực tiếp:

Nhà tuyển dụng trao đổi trực tiếp với ứng viên về các thông tin liên quan đến vị trí tuyển dụng. Tùy theo số lượng ứng viên được phỏng vấn trong một lần mà có thể phân chia thành 2 hình thức phỏng vấn trực tiếp sau:

- Phỏng vấn cá nhân: Một người phỏng vấn 1 ứng viên hoặc nhiều người phỏng

vấn 1 ứng viên (còn gọi là phỏng vấn hội đồng)

Với các vị trí quan trọng, nhà tuyển dụng thường sử dụng hình thức phỏng vấn hội đồng để có nhiều ý kiến đánh giá về ứng viên tại một thời điểm. Thông thường sẽ

Kỹ năng Tìm việc

có một người điều khiển chính cuộc phỏng vấn, đó là người đặt câu hỏi cho bạn nhiều nhất. Tuy nhiên đôi khi người có ảnh hưởng nhiều hơn có thể chính là người chỉ quan sát và lắng nghe câu trả lời của bạn. Điều bạn nên làm trong cuộc phỏng vấn này là làm chủ được cảm xúc của mình, giữ thái độ bình tĩnh. Khi trả lời câu hỏi, bạn hãy nhìn vào người trả lời và đưa ra các câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc nhưng không quên quan sát thái độ của những người còn lại.

- Phỏng vấn nhóm: Một người phỏng vấn nhóm ứng viên hoặc nhiều người

phỏng vấn nhóm ứng viên

Hình thức phỏng vấn này giúp cho nhà tuyển dụng có sự so sánh trực tiếp về kiến thức, kỹ năng và thái độ giữa các ứng viên với nhau. Trên hồ sơ, những ứng viên cùng tham gia phỏng vấn có các điều kiện gần như tương đồng với bạn. Không cướp lời ứng viên khác, không trả lời khi chưa được mời, không chê bai ý kiến của ứng viên khác là điều cơ bản bạn phải tuân thủ. Nhưng điều quan trọng hơn hết là bạn phải gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng bằng sự khác biệt, độc đáo của mình.

b. Phỏng vấn gián tiếp

Khi việc gặp gỡ ứng viên trực tiếp để phỏng vấn không thuận lợi do yếu tố thời gian, khoảng cách địa lý thì nhà tuyển dụng có thể đề nghị phỏng vấn thông qua các phương tiện thông tin liên lạc. Phỏng vấn qua điện thoại hoặc phỏng vấn qua phần mềm ứng dụng như Skype, Zalo, Viber, …

Một số cuộc phỏng vấn gián tiếp được báo trước, khi đó bạn có nhiều thời gian để chuẩn bị nội dung cũng như hồ sơ cần thiết. Đôi khi những cuộc phỏng vấn qua điện thoại bất ngờ đến với bạn. Nếu thời điểm trả lời không phù hợp, bạn hãy cho người gọi biết và đề nghị một thời điểm khác. Khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại, bạn cần chọn nơi không có tiếng ồn để có thể nghe đầy đủ các thông tin. Nhớ tên người gọi sẽ giúp cho khoảng cách giữa hai bên thu hẹp lại. Câu trả lời của bạn cần ngắn gọn, rõ ràng và lịch sự. Bạn cần ghi chép lại những thông tin quan trọng, nhất là thông tin về cuộc hẹn phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng.

c. Phỏng vấn tạo áp lực (gây sốc)

Trong hình thức phỏng vấn này, nhà tuyển dụng sẽ đưa ứng viên vào các tình huống khó khăn, bất ngờ để đánh giá phản ứng của họ. Các tình huống có tính chất gây sốc từ nhẹ đến nặng. Các câu hỏi gây sốc có mục đích thử phản xạ, quan điểm,

Kỹ năng Tìm việc

cách hành xử, kiểu thần kinh và nhận dạng điểm yếu của ứng viên. Một số tình huống gây sốc nhà tuyển dụng có thể tạo ra trong kiểu phỏng vấn này bao gồm:

- Sơ ý đổ ly nước vào người ứng viên - Đột nhiên quát tháo

- Để ứng viên ngồi trên ghế sắp gãy - Tạo tiếng ồn để ứng viên mất tập trung - Cố tình để ứng viên chờ lâu

- Hỏi nhiều vấn đề không liên quan rồi yêu cầu ứng viên tổng hợp - Tỏ vẻ không hiểu, yêu cầu ứng viên nhắc lại nhiều lần

- Tỏ vẻ phản bác, chê bai thành tích ứng viên để bắt buộc ứng viên phản ứng Cách ứng xử phù hợp trong kiểu phỏng vấn này là giữ được bình tĩnh, không nóng vội hay tỏ ra bối rối, lúng túng. Nhà tuyển dụng cố tình đưa bạn vào tình thế khó khăn theo kịch bản đã được chuẩn bị để thử thách bạn. Vì thế bạn phải chứng tỏ cho họ thấy bản lĩnh của mình khi đối diện các vấn đề. Sự điềm tĩnh, tự tin sẽ giúp bạn sáng suốt đưa ra câu trả lời thích hợp. Đôi khi bạn cũng có thể tranh luận với nhà tuyển dụng để bảo vệ quan điểm của mình nhưng tránh cướp lời họ hay nóng giận.

d. Phỏng vấn hành vi

Trong hình thức phỏng vấn này, nhà tuyển dụng quan tâm nhiều đến cách xử lý các vấn đề trong quá trình làm việc trước đó của ứng viên. Thông qua đó, họ có thể dự đoán cách thức và kết quả công việc trong tương lai của ứng viên khi đảm nhận vị trí tuyển dụng. Nhà tuyển dụng sẽ hỏi bằng nhiều cách để biết rõ cách thức ứng viên đã thực hiện công việc trước đây như thế nào. Do đó, khi trả lời câu hỏi kiểu này, bạn cần cung cấp thông tin chi tiết về sự việc đã xảy ra, cách thức cụ thể bạn đã làm, những kỹ năng đã sử dụng để giải quyết vấn đề và kết quả đạt được.

Một phần của tài liệu 7.Tai lieu DHDT KTV (Trang 53 - 55)