(1662 – 1672)
Ở giai đoạn này, Basho chỉ mới làm quen với thơ Haiku, lúc đó ông chỉ đang ở lứa tuổi đôi mươi và Haiku chỉ là trò mua vui không hơn không kém. Năm 18 tuổi, với bút hiệu Sobo宗房 (Tông phòng, là tên Basho đọc theo âm Hán – Nhật), Basho bắt đầu viết những vần thơ đầu tay theo phong cách sáo mòn của phái Teimon (Trinh Môn) - một trường phái Haiku đặt nặng vấn đề về kĩ thuật. Ta có thể đặc điểm đó qua bài thơ Haiku đầu tiên mà Basho sáng tác năm ông mười tám tuổi:
“Haru ya koshi Toshi ya yukiken Kotsugomori
Có phải mùa xuân đến Hay năm cũ ra đi,
Nhằm hai ngày trước Tết.”
Bài Haiku nói về sự ngỡ ngàng của tác giả trước một hiếm có trong thời tiết, khi tiết Lập xuân năm ấy đáng lý ra nhằm ngày mùng một tháng giêng lại rơi đúng vào ngày cuối năm, báo hiệu mùa xuân đã đến sớm hơn so với dự kiến trên lịch. Nhưng ở đây, ta sẽ không thấy sự sáng tạo nào cả vì nhiều thi nhân đời trước đã sử dụng motif này rồi.
Ở giai đoạn này, Basho làm ra Haiku vì mục đích mua vui cho người đọc, vì thế không có quá nhiều sáng tạo trong Haiku ở giai đoạn này. Nếu muốn làm sống lại một đề tài thường sáo, ông sẽ vay mượn một câu trong bài thơ đã có sẵn nhưng áp dụng nó vào tình huống khác, hay ở một bài Haiku khác, ông sẽ sử dụng bút pháp chơi chữ. Thời kỳ này, Basho sử dụng vào thơ đa phần là bút pháp chơi chữ. Như ở bài thơ sau:
“Akikaze no Yarido no kuchi ya Togarigoe
(Hori 12, thu)
Gió thu đâm thốc vào, Kẽ hở khung cửa kéo,
Nghe như tiếng thét gào.”
Trong bài thơ này, tác giả sử dụng hai lối chơi chữ. Một “yarido” (cửa kéo) hàm chứa chữ đồng âm “yari” (ngọn giáo) và động từ “yaru” (phá vỡ) cho ta thấy sức mạnh của ngọn gió luồn qua. Thứ đến chữ “kuchi” (kẻ hở) còn có nghĩa là cái miệng, làm cho ta liên tưởng đến tiếng ai đang thét gào. Nhưng ngoài trò chơi chữ
này, bài thơ không còn điểm đặc biệt nào khác. Nhiều bài Haiku do Basho viết đầu đời không mang quá nhiều cảm xúc của chính nhà thơ, nếu có đặc biệt cũng chỉ ở nghệ thuật chơi chữ. Nhận xét về kĩ thuật chơi chữ, Ueda Makoto đã viết: “kỹ thuật chơi chữ này có cái hay là kết hợp hai trình độ ngữ nghĩa với nhau và tạo ra một sự mơ hồ cần có của một bài thơ. Khổ thay, nó cũng có cái dở: sự dàn dựng phức tạp
và dụng công của nó đã làm mất đi chất trữ tình.” (Nguyễn Nam Trân, 2018: 59).
Nhưng sau đó, có lẽ với trường phái Teimon, Basho đã cảm thấy không thoả mãn, vì thế ông đã xa rời trường phái ấy, khi đọc một bài thơ trong thi tập Kaioi được viết năm 1672 đã chứng minh điều đó:
“Kite mo miyo Jinbe ga haori Hanagoromo (Hori 38, xuân)
Đến đây mà xem nào Người ta khoác áo chẽn
Làm áo hội anh đào”
Ở đây, sẽ thấy được màu sắc dân dã trong bài thơ, khác hẳn với những bài thơ thời kì đầu khi ông mới làm quen với Haiku. Ta vẫn thấy được bút pháp chơi chữ vì
“kite” trong Nhật ngữ nghĩa là “hãy đến” mà cũng có nghĩa là “hãy mặc”.“Kite mo
miyo” nghĩa là “đến xem nào, xem nào!” là một lối nói thông tục, hay xuất hiện trong
những bài hát rao lúc bấy giờ. Hình ảnh cái áo khoác haori kiểu chàng Jinbe là thứ áo vải thường, bình dân, không có gì cao sang. Mặc dù ngắm hoa anh đào nở là một thú vui tao nhã thời trước nhưng trong bài thơ này, người ngắm hoa cũng chẳng phải ăn mặc cầu kì gì vẫn có thể ngắm hoa, tham gia hội anh đào. Câu chữ không nhiều nhưng đã thể hiện được vẻ dung dị, hài hước nhẹ nhàng, không tả cảnh nhiều lời, vẫn đủ để người đọc liên tưởng đến tâm trạng háo hức, chờ đợi ngày đi xem hoa anh đào khai sắc. Dù trong bài thơ vẫn còn lối chơi chữ nhưng ta nhận thấy được có một sự thay
đổi trong hướng đi của ông. Ban đầu, thơ Haiku của Basho chỉ xoay quanh trong những cái đẹp thanh tao, móc nối với những bài thơ cung đình hay thú vui của tầng lớp quý tộc và những trỏ chơi chữ đầy cơ trí. Nhưng ở thi tập Kaioi (Trò chơi bốc vỏ sò), ông đã sử dụng nhiều tư liệu dân gian hơn như cách nói chuyện của người bình dân hay từ ngữ mang tính đại chúng. Makoto Ueda đã nhận xét về tác phẩm Kaioi: “Giá trị của cuốn sách Kaioi là những lời bình luận, phê phán của Basho về thơ haikai cho thấy sự sắc sảo, trí tưởng tượng phong phú, hiểu biết sâu rộng của Basho về thi ca bình dân, lối diễn đạt hợp thời, là những con đường mới của thế giới nói chung.” [4]