V/ KẾT LUẬN VÀ HẠN CH Ế
5.1 Kết luận và đóng góp của đề tài
Lao động trẻ em là vấn đề cần được chú ý nhiều hơn bởi tác động của nó đối với sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ trong hiện tại và năng suất lao động trong tương lai. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp hồi quy logit kết hợp với bộ dữ liệu được trích từ bộ dữ liệu VHLSS 2016, gồm trẻ từ 6 tới 15 tuổi ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, để tìm hiểu các tác động của gia đình tới lao động trẻ em, góp phần giảm thiểu số lượng lao động trẻ em. Nghiên cứu đã chỉ ra được hai kết quả chính sau: Đầu tiên là, tiền lương của cha mẹ có tác động âm tới xác suất trẻ trở thành lao động khi chưa đủ tuổi, điều này có nghĩa khi tiền lương của cha mẹ tăng lên sẽ làm giảm xác suất trẻ trở thành lao động trẻ em.
Kế tiếp là, học phí có tác động tới xác suất trở thành lao động trẻ em. Trẻ có đi học và được miễn giảm học phí sẽ có xác suất đi làm thấp hơn so trẻ không đi học và cao hơn so với trẻ đi học và không được miễn giảm học phí.
Kết quả này cho thấy có ít nhất một yếu tố từ gia đình có tác động tới xác suất gia nhập thị trường lao động của trẻ. Từ đó có thể đề xuất những chính sách cải thiện phúc lợi hộ gia đình để giảm thiểu số lượng lao động trẻ em, cải thiện chất lượng nguồn lực trong tương lai. Đồng thời, các chính sách về miễn/giảm học phí nhằm gia tăng phúc lợi giáo dục cũng nên được chú trọng.