Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Thực trạng chống thất thu thuế trên địa bàn huyện Lạng Giang
4.1.1. Tình hình quản lý thuế
4.1.1.1. Quản lý người nộp thuế và cấp mã số thuế
Mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh chịu thuế đều phải kê khai đăng ký thuế để được cấp mã số thuế (MST) và hệ thống mã số này được ứng dụng kể từ ngày 01/01/1999. Cơ quan thuế có trách nhiệm sử dụng mã số thuế để quản lý, giao dịch với người nộp thuế. Việc quản lý người nộp thuế trên mã số thuế đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho công tác quản lý thuế nói chung và của Chi cục thuế huyện Lạng Giang nói riêng (Quốc hội, 2006a).
Tại Chi cục Thuế huyện Lạng Giang, hồ sơ xin cấp mã số thuế được bộ phận “một cửa” tiếp nhận, sau đó chuyển đến bộ phận Kê khai và Kế toán thuế thực hiện. Bộ phận Kê khai và Kế toán thuế sau khi nhận được hồ sơ xin cấp mã số thuế có trách nhiệm kiểm tra và thực hiện các thủ tục để cấp mã số cho người nộp thuế. Để tạo thuận lợi trong việc cấp MST Chi cục thuế đã sử dụng phiên phần mềm cấp mã số thuế do Tổng Cục Thuế cung cấp để phục vụ công tác cấp mã số thuế cho các đối tượng kinh doanh.
Việc cấp MST bằng chương trình phần mềm tin học cấp chi cục được thực hiện đơn giản và giảm thiểu công việc đối với cán bộ thuế vì hầu hết các công đoạn xử lý đều được máy tính thực hiện. Cán bộ tiếp nhận tờ khai, kiểm tra các thông tin theo quy định, sau đó nhập các thông tin liên quan đến người nộp thuế vào chương trình phần mềm cấp mã số thuế. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập các thông tin của người nộp thuế, chương trình tự động xử lý và truyền tải thông tin về Tổng cục Thuế thông qua đường truyền nội bộ của ngành; hàng ngày Tổng cục Thuế sẽ trả mã số thuế chính thức theo đường truyền nội bộ về máy chủ của Chi cục. Cán bộ phụ trách cấp mã số thuế của Chi cục thực hiện các thao tác cần thiết để in thông báo mã số thuế, trình lãnh đạo ký để trả kết quả cấp mã số thuế cho người nộp thuế; đồng thời yêu cầu người nộp thuế kê khai doanh thu để cơ quan thuế lập bộ quản lý thuế.
Bảng 4.1. Thống kê tình hình cấp mã số thuế trên địa bàn huyện Lạng Giang giai đoạn 2013 - 2015
Đơn vị tính: Người nộp thuế
Chỉ tiêu
Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015
MST được cấp trong năm Lũy kế MST được cấp trong năm Lũy kế MST được cấp trong năm Lũy kế Cá nhân có thu nhập từ
tiền lương, tiền công 2.581 41.449 1.140 42.589 914 43.503
Công ty cổ phần 8 21 13 34 8 42
Công ty TNHH 14 156 9 165 42 207
Doanh nghiệp tư nhân 2 21 6 27 4 31
Hợp tác xã 0 11 7 18 4 22
Hộ kinh doanh cá thể 157 1.477 496 1.973 572 2.545
Đơn vị sự nghiệp, đơn
vị vũ trang 0 50 20 70 4 74
Tổng cộng 2.762 43.185 1.691 44.876 1.548 46.424
Nguồn: Chi cục thuế huyện Lạng Giang (2015)
Từ số liệu tại Bảng 4.1 cho thấy, trong những năm qua, Chi cục thuế huyện Lạng Giang đã thực hiện tốt việc cấp mã số thuế theo đúng quy trình của Tổng cục Thuế và của Luật quản lý thuế. Vì vậy, số người nộp thuế được cấp mã số thuế qua các năm đã giảm dần; đến năm 2015 chủ yếu là những người nộp thuế mới phát sinh trong năm, không còn tồn đọng người nộp thuế đang quản lý thuế mà chưa được cấp mã số thuế.
4.1.1.2. Quản lý người nộp thuế và quản lý thông tin người nộp thuế
- Quản lý người nộp thuế: Tại Chi cục thuế, công tác quản lý người nộp thuế là hộ kinh doanh do các Đội thuế liên xã thực hiện và tổ chức, các doanh
nghiệp, hợp tác xã do Đội Kê khai - Kế toán thuế, tin học và Tổng hợp - Nghiệp vụ dự toán và Thuế thu nhập cá nhân quản lý trực tiếp. Đội thuế Liên xã có trách nhiệm phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và hội đồng tư vấn thuế của các xã, thị trấn rà soát địa bàn quản lý, kịp thời nắm bắt tình hình kinh doanh người nộp thuế là các hộ kinh doanh cá thể, nhất là các đối tượng mới hoạt động để thống kê và đưa vào lập bộ quản lý thu thuế. Sau khi hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ kê khai, đội thuế liên xã lập bảng kê và chuyển hồ sơ số người nộp thuế phát sinh về Đội Kê khai - Kế toán thuế, tin học và Tổng hợp - Nghiệp vụ dự toán và Thuế thu nhập cá nhân để kiểm tra và nhập thông tin của người nộp thuế vào cơ sở dữ liệu của Chi cục thuế.
- Về quản lý thông tin người nộp thuế: Thông qua hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế, Chi cục thuế thực hiện việc tổng hợp thông tin về người nộp thuế để làm cơ sở quản lý. Ngoài ra thông tin về người nộp thuế còn được Chi cục khai thác thông qua các cơ quan có liên quan như UBND các xã, thị trấn, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, Ngân hàng, Chi cục Thống kê và các tổ chức khác.
Hiện nay Chi cục thuế huyện Lạng Giang quản lý thông tin về người nộp thuế với các nội dung chính như: tên, địa chỉ, số điện thoại, thời điểm bắt đầu kinh doanh, ngành kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kinh doanh, mã số thuế, số tài khoản, số thuế thực nộp trong năm; tình trạng ngưng, nghỉ kinh doanh, tình hình biến động doanh số, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm, tình hình thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với ngân sách Nhà nước hàng năm, báo cáo quyết toán thuế hàng năm...
Toàn bộ thông tin của người nộp thuế được cập nhật vào cơ sở dữ liệu tại Chi cục để phục vụ cho công tác quản lý thu thuế.
Việc giữ gìn bảo mật thông tin về người nộp thuế cũng được Chi cục thực hiện theo đúng quy định của Luật quản lý thuế. Theo báo cáo tổng kết của Chi cục trong các năm 2013, 2014, 2015 tại Chi cục không xảy ra trường hợp nào khiếu kiện liên quan đến tình hình bảo mật thông tin của người nộp thuế.
Nhìn chung trong những năm qua công tác quản lý thông tin người nộp thuế tại Chi cục được thực hiện khá tốt, qua đó đã góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, kịp thời đôn đốc người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước (Tổng cục thuế, 2015 a)
4.1.1.3. Quản lý kê khai thuế
Tại Chi cục thuế, hàng tháng trước thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và thời hạn nộp thuế của người nộp thuế, Đội thuế Liên xã và Đội Kê khai - Kế toán thuế, tin học và Tổng hợp - Nghiệp vụ dự toán và Thuế thu nhập cá nhân thực hiện rà soát, cập nhật và tổng hợp danh sách theo dõi người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế để đôn đốc người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế. Riêng người nộp thuế là các hộ kinh doanh cá thể thực hiện nộp thuế theo hình thức thuế khoán thì các Đội thuế liên xã có trách nhiệm đôn đốc người nộp thuế nộp tờ khai một năm 01 lần (chậm nhất đến 30/01 hàng năm), toàn bộ hồ sơ khai thuế được chuyển đến cho Đội thuế Liên xã và Đội Kê khai - Kế toán thuế, tin học và Tổng hợp - Nghiệp vụ dự toán và Thuế thu nhập cá nhân để kiểm tra, tính toán, xác định doanh số, số thuế phải nộp để tổng hợp lập bộ quản lý thuế.
Người nộp thuế là hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo hình thức thuế khoán ổn định theo năm và thu theo quý, căn cứ số thuế được Chi cục Thuế ấn định từ đầu năm, hàng quý người nộp thuế có trách nhiệm nộp thuế cho cán bộ quản lý địa bàn ở Đội thuế liên xã.
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh, căn cứ vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng tháng, quý phải có trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý thực tiếp. Đối với doanh nghiệp nộp hồ sơ theo tháng thì thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất vào ngày 20 của tháng kế tiếp và đối với doanh nghiệp nộp hồ sơ theo quy thì thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là ngày 31 của tháng đầu quý kế tiếp; đồng thời trực tiếp nộp thuế tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước ngay trong tháng nộp hồ sơ khai thuế. Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh các đối tượng này ngừng hoạt động, tạm nghỉ, phá sản... đều phải báo cơ quan thuế và quyết toán thuế cho cơ quan thuế. Đối với các trường hợp kê khai không đầy đủ, kê khai không phù hợp, hoặc do kê khai sai thì các đối tượng này phải kê khai bổ sung những tháng, quý bị sai, thiếu vào tháng tiếp theọ Các trường hợp thu thừa hoặc lỗi do-*- kê khai thừa thì cơ quan thuế có nhiệm vụ truy hoàn lại cho các đơn vị bị nhầm.
Đối với thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công đơn vị chi trả thu nhập phải trách nhiệm tổng hợp thu nhập và thực hiện quyết toán cho người lao động và gửi hồ sơ đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất 31/3 hàng năm (Tổng cục thuế, 2015b).
Bên cạnh đó, tâm lý người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, do đó người bán hàng chỉ ghi hóa đơn mang tính đối phó với cơ quan thuế cả về số lượng và chủng loại hàng hóa bán ra, dẫn đến việc xác định doanh số bán hàng hóa, dịch vụ để làm cơ sở tính thuế rất khó khăn và thường không phản ánh hết tình hình mua bán hàng hóa của các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh.
Mặc dù điều kiện cán bộ Đội thuế liên xã ít (3-4 cán bộ/Đội) trong khi đó địa bàn quản lý rộng. Đối với người nộp thuế là hộ kinh doanh nộp thuế khoán có đặc thù hoạt động kinh doanh của họ là không sử dụng hóa đơn, không có sổ sách kế toán, bên cạnh đó xuất phát từ lợi ích cá nhân nên họ thường không khai đầy đủ doanh số nhằm trốn lậu thuế. Chi cục Thuế đã chỉ đạo các Đội thuế tổ chức điều tra, rà soát yêu cầu các hộ kinh doanh kê khai doanh số khoán để làm căn cứ điều chỉnh số thuế phải nộp hàng năm. Tuy nhiên công tác này cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa thực hiện tốt, nên việc quản lý còn chưa chặt chẽ và triệt để, dẫn đến vẫn còn thất thu cho ngân sách Nhà nước. Từ thực trạng này đòi hỏi Chi cục Thuế, ngoài việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để khai thác thuế cần kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm được phát hiện, đồng thời cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người hiểu và nghiêm túc tuân thủ các chính sách, pháp luật về thuế.
Bảng 4.2. Tình hình đăng ký, nộp tờ khai thuế trên địa bàn huyện Lạng Giang
Đơn vị tính: Lượt tờ khai
Năm
Chỉ tiêu 2013 2014 2015
Số tờ khai nộp thuế 1.771 1.948 1.121
Số tờ khai xác định trị giá tính thuế 680 804 459
Nguồn: Chi cục thuế huyện Lạng Giang (2015)
Qua số liệu trong Bảng 4.2 cho thấy, tỷ lệ số người nộp thuế nộp tờ khai thuế năm 2014 cao hơn năm 2013 (tăng 177 lượt) là do từ năm 2014 trở về trước tất cả người nộp thuế nộp hồ sở kê khai thuế theo tháng; tăng 177 lượt tờ khai là do tăng số người nộp thuế phát sinh trong năm. Từ năm 2015 mặc dù số người nộp thuế tăng cao hơn năm 2014, nhưng chủ yếu người nộp thuế thực hiện kê khai thuế theo quý , vì vậy đã giảm so với năm 2014 là 827 lượt tờ khaị
Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan; Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về triển khai thực hiện kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử, kể từ tháng 7/2015 tất cả các doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử. Đây là một biện bước thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế rất hiện đại và thítt thực, do vậy đã giảm rất nhiều thời gian kê khai và nộp thuế cho các doanh nghiệp; bởi họ không phải mất thời gian đến trực tiếp cơ quan thuế để nộp hồ sơ như trước đâỵ
4.1.1.4. Công tác lập dự toán và quản lý thu nộp
+ Công tác lập dự toán thu: Hàng năm vào cuối quý III, đầu quý IV, Chi cục thuế huyện tiến hành rà soát các người nộp thuế trên địa bàn quản lý, rà soát bộ thuế của năm trước. Đồng thời căn cứ vào khung hướng dẫn của Tổng Cục thuế và Cục Thuế tỉnh để tiến hành lập dự toán thu ngân sách trên địa bàn huyện để báo cáo về Cục thuế và UBND huyện. Sau khi thảo luận dự toán với Cục thuế tỉnh (có đại diện lãnh đạo UBND huyện dự) để thống nhất kế hoạch giao dự toán thu giữa Cục thuế tỉnh và UBND huyện, Cục thuế có thông báo chính thức về giao dự toán thu ngân sách trong năm. Căn cứ dự toán tỉnh giao, Chi cục thuế phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu cho UBND huyện phân bổ dự toán và trình HĐND huyện xem xét phê chuẩn. Căn cứ Nghị quyết HĐND huyện, Phòng Tài chính-Kế hoạch và Chi cục thuế phối hợp tham mưu UBND huyện ban hành quyết định giao dự toán thu-chi ngân sách cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Chi cục thuế cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đội thuế liên xã thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các đơn vị được giao dự toán thu thực hiện kế hoạch thu phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu dự toán thu ngân sách được giao; định kỳ hàng tháng, quý có tổng hợp kết quả để báo cáo Cục thuế tỉnh và UBND huyện.
+ Về quản lý thu nộp: Hàng tháng, căn cứ kết quả đối chiếu số liệu thu nộp giữa Chi cục thuế và kho bạc nhà nước, Đội Kê khai - Kế toán thuế, tin học, Tổng hợp - Nghiệp vụ dự toán và Thuế thu nhập cá nhân tiến hành chấm sổ bộ và tổng hợp báo cáo thu nộp hàng tháng. Thông qua việc chấm sổ bộ, xác định được
trong tháng đã thu nộp được bao nhiêu, còn bao nhiêu người nộp thuế chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trong tháng để chuyển qua Đội Quản lý nợ, Cưỡng chế nợ thuế - Trước bạ và thu khác để theo dõi, đôn đốc thu nộp.
Đối với người nộp thuế là các hộ kinh doanh cá thể nộp thuế khoán, do số thuế được ấn định ngay từ đầu năm, hàng tháng các hộ kinh doanh thường không chủ động đến đội thuế liên xã nộp thuế theo quy định; thường thì cán bộ thuế phải đến đến trực tiếp thu tại cửa hàng nên ít có nợ đọng tiền thuế.
Đối với người nộp thuế là các tổ chức kinh doanh và các doanh nghiệp thì hàng tháng hoặc hàng quy (tùy từng đối tượng) đều phải nộp tờ khai thuế cho cơ quan thuế và thông qua việc tiếp nhận tờ khai, cán bộ thuế đồng thời đôn đốc các đối tượng này thực hiện nộp thuế vào ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước hoặc các ngân hàng thương mạị Các đối tượng này, thực hiện tính tự chủ, tự tính, tự khai, tự nộp theo quy định của Luật quản lý Thuế; so với hộ kinh doanh cá thể thì các tổ chức, doanh nghiệp thường có số thuế phát sinh lớn hơn gấp nhiều lần và có nhiều doanh nghiệp không thực hiện nộp thuế đúng thời hạn theo quy định. Vì vậy, Chi cục thuế phải thường xuyên chỉ đạo Đội quản lý thu nợ - Cưỡng chế nợ thuế, trước bạ và thu khác phối hợp với Đội Kiểm tra thuế và Đội Kê khai - Kế toán thuế, tin học, Tổng hợp - Nghiệp vụ dự toán và Thuế thu nhập cá nhân đôn