a có một buổi chiều ngược ngạo, mang tiếng là đi chơi nhưng phải len lỏi chen chúc mới tìm được một chỗ ngồi trong khuôn viên quán. Chiều xuống rồi mà cả người nhễ nhại mồ hôi. Đã vậy, các cô tiếp viên mặt đẹp mà quạu đeo. Bạn khoát tay, “chịu cực môt chút, ở đây chim sẻ nướng muối ớt ngon dã man. Đi nhậu chớ có phải làm thơ đâu mà tìm chỗ đẹp”. Lâu lắm mới gặp nó, nhưng chẳng thể trò chuyện, chung quanh ồn đến mức chỉ có thể ngó nhau cười cười gật gật, cuối cùng (hay bắt đầu?) là cụng ly.
Và trong cái không gian bừa bộn, nhộn nhạo đó, những cây gòn lạc lỏng đứng bên rào, chỗ góc sân. Gòn tháng Ba, nhiều trái đã khô, và vài trái khô nứt mình lộ ra chùm bông trắng muốt. Bàn ta ngồi, bông gòn rơi xuống. Đó là lúc ta thấy mình sắp chết đến nơi, thấy mình đuối như môt câu văn dài ngoằng không biết bao giờ mới ngắt dòng bao giờ dừng lại, và nhúm bông gòn lìa cây rơi phớt trên tay ta, như một hơi thở khẽ khàng, như lời chào dè dặt, như một dấu chấm câu. Hụt chết. Mừng quá, buột miệng kêu, trời, bông gòn, thằng bạn hưởng ứng, “Hả? Ờ, dzô cái cho xôm đi”. Ta chỉ lên đầu, gòn kìa. Bạn cũng ngước lên trời, nhìn mãi theo tay ta thì chỉ thấy những trái gòn lủng lẳng trên cành, nhìn mãi thì cũng không hiểu sao con bạn nó lại xúc động vì những cái cây. Bạn cười hơ hơ, cây gì mà vô duyên quá trời, chỉ toàn trái, không hoa lá, trụi lủi, trụi trơ. Ta nhớ ngày xưa, ta cũng nói với má câu này, má cười nói, cây gòn phải
hy sinh để dồn sức nuôi trái gòn lớn đàng hoàng chớ. So đũa cũng vậy, trái càng lớn lá càng thưa. Ta còn nhỏ, không hiểu rằng cây cũng giống hệt cái cách má vì con của má… Ta bây giờ chẳng lớn bao nhiêu, chẳng khôn nhiều nhưng ngó những cây gòn cuối hạn bỗng thương. Bỗng buồn, khi chúng đứng chơi vơi giữa giữa đám khói bốc lên từ những con chim sẻ nướng. Bỗng nhớ những cây gòn nơi xóm cũ. Không ai trồng, nhưng những cây gòn mọc dài theo bờ kinh xáng, gòn chen chúc làm thành hàng rào trước nhà, gòn chênh vênh trên liếp. Dứt mưa, gòn đãi đám trẻ nghèo những trái gòn non, giữa lúc chúng thả diều, giữa lúc đá banh, giữa lúc nghe ruột cồn cào nhưng còn tiếc cuộc chơi, giữa những xế trưa trốn ngủ lén ra vườn chơi nhà chòi. Tháng Ba, trong nắng “trời ơi”, (bởi không kêu trời thì không biết ta thán với ai cái nắng vàng sẫm, nóng rực, như đổ lửa, như đúc thành khối. Trời đứng trân, gió đứng trân, cây cỏ đứng trân, đi mãi mà không gặp con nít chơi ngoài sân. Lú đầu ra khỏi nhà phải buột miệng: Nắng! Trời ơi!), mọi thứ cố trốn tránh, im lặng để chờ mùa mưa tới, thì những trái gòn trơ trọi giữa trời nứt ra rồi tách vỏ hẳn, vỏ cũng rơi xuống đất, cây chỉ còn treo những chùm bông trắng tinh. Đám trẻ lấy bao hái những cục tuyết lửng lơ giữa trời đó về cho má dồn vào gối mới.
Đó là món quà duy nhất mà cây gòn tặng cho người, cho giấc ngủ của người. Lá ăn chẳng ra gì, hoa cũng không ấn tượng, trái non thì có thể ăn tạm, nhưng vì nghèo, thiếu thốn trẻ con mới ăn. Thân cây xốp, bở nên không ai thèm xẻ ván đóng tủ, giường, thậm chí bắc cầu qua mương, hay làm củi chụm cũng tệ. Nhưng mỗi cuối mùa nắng, gòn lại chứng tỏ mình không sống cuộc đời vô duyên, vô ích. Có lẽ
vì vậy mà những cây gòn, dù không ai trồng tỉa vẫn được sống trên khắp đất quê.
Và trong ký ức không thể chỉnh sửa của những đứa trẻ ngày đó, gòn chỉ đứng nơi bờ kinh, bờ ruộng, bên khẩu đìa, bên những cây quao, cây trâm bầu… nên thấy gòn giữa thành phố, giữa cái quán nhậu chật chội bức bối hơi người, có kẻ kêu lên, trời, sao mấy cây gòn lại lạc ở đây. Nửa mừng, vì cái cảm giác như bạn thời thơ ấu, bạn thời ghẻ chóc mọc trên đầu từ quê cũ lặn lội ra thăm. Nửa lơ ngơ, như thấy đám rau càng cua mọc bên thềm chợ, như nghe con dế gáy trên vỉa hè, tự hỏi, sao tụi nó ở đây? Mà, sao ta lại ở đây? Sao những cây gòn lại ở đây, để ngày ngày chứng kiến bạn cũ của mình – những con chim sẻ - bị nướng vàng nằm phơi trên đĩa, bị ngốn ngấu trong miệng của con người - cũng là bạn cũ. Sao gòn không về bờ kinh, liếp chuối, về cái nơi còn những người nghèo chờ tháng ba về hái bông gòn để chăm chút nâng niu giấc ngủ cho người thân? Sao những cây gòn lại đứng đây, chẳng để làm gì, treo chùm trái trên cao, như những dấu chấm than buông lửng bên trời, buốt nhức.