Một số kiến nghị

Một phần của tài liệu Bản tóm tắt quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh hòa bình (Trang 25 - 27)

Thứ nhất, Bộ VH,TT&DL cần hỗ trợ các địa phương trong đó có tỉnh Hòa Bình trong việc triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến PTDL ở cấp quốc gia. Cũng nằm trong nội dung này, để hoạt động xúc tiến PTDL đạt được hiệu quả trong bối cảnh thời đại mới, Bộ VH,TT&DL cần hỗ trợ tỉnh Hòa Bình xây dựng và sử dụng, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu du lịch để phục vụ cho công tác quản lý cũng như cho PTDL.

Thứ hai, Bộ VH,TT&DL cần tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù cho ngành du lịch trong các cơ sở đào tạo để tạo nguồn lao động có chất lượng, giàu kỹ năng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc ngay sau khi ra trường. Đây sẽ là nguồn lao động bổ sung rất có giá trị cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch các tỉnh, trong đó có tỉnh Hòa Bình nói riêng, cả ở vị trí cán bộ quản lý hay vị trí nhân viên tác nghiệp, góp phần đưa du lịch phát triển đạt mục tiêu như đã đặt ra.

Thứ ba, dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thêm vào đó là tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch cũng như một số ngành kinh tế khác buộc phải chuyển đổi hình thức hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến. Những vấn đề đang được đặt ra với ngành du lịch hiện nay là chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, du lịch thông minh, du lịch thực tế và thực tế ảo,... Với các điểm đến du lịch mang tính chất là các di tích lịch sử, văn hóa, hoặc các điểm đến có liên quan đến yếu tố an ninh quốc phòng,… việc “số hóa” đến mức độ nào, vấn đề an ninh, bảo mật ra sao hiện vẫn chưa có văn bản nào quy định. Chính vì vậy, NCS kiến nghị Bộ VH,TT&DL cần phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan để nghiên cứu, bổ sung các quy định về vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn và kiểm soát thông tin trên không gian mạng trong việc “số hóa” và “thông minh hóa” ngành du lịch, tiến tới bổ sung nội dung này vào Luật Du lịch Việt Nam. Những quy định này vừa mang tính chất hướng dẫn, vừa giúp các tỉnh quản lý PTDL của tỉnh đảm bảo phù hợp với khung khổ pháp luật của Nhà nước và đạt mục tiêu đặt ra.

KẾT LUẬN

Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hòa Bình nói riêng đã và đang được định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhằm phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của địa phương cũng như của cả nước. Trong quá trình PTDL, quản lý nhà nước có vai trò hết sức to lớn trong việc quản lý, điều tiết các hoạt động du lịch diễn ra một cách đúng hướng và hiệu quả.

Hòa Bình là một tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, rất giàu tiềm năng PTDL. Trong thời gian qua, mặc dù đã có những bước tiến trong PTDL nhưng chưa thực sự tương xứng với năng lực và điều kiện hiện có. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến PTDL của tỉnh là vấn đề về QLNN đối với PTDL và thực tế cho thấy QLNN của CQĐP tỉnh Hòa Bình đối với PTDL của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế. Chính vì vậy, việc nghiên cứu nhằm tăng cường QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình là hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu nghiên cứu là tìm ra các giải pháp nhằm tăng cường QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình, luận án đã thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu như sau:

Thứ nhất, hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về QLNN đối với PTDL của một địa phương cấp tỉnh. Trong đó, NCS đã tiến hành làm rõ các nội dung như: khái niệm, điều kiện, nội dung và tiêu chí đánh giá PTDL của địa phương cấp tỉnh; khái niệm, nguyên tắc, công cụ, nội dung, tiêu chí đánh giá QLNN đối với PTDL của một địa phương cấp tỉnh; các yếu tố ảnh hưởng đến QLNN đối với PTDL của một địa phương cấp tỉnh; kinh nghiệm QLNN với PTDL của một số địa phương cấp tỉnh trong và ngoài nước và bài học rút ra cho tỉnh Hòa Bình (với các bài học điển hình của Lào Cai, Hà Giang và Venice (Italia)).

Thứ hai, tìm hiểu thực trạng QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình. Trong đó, NCS đã khái quát đôi nét về tình hình PTDL của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015 – 2020; phân tích thực trạng QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình trên cơ sở các dữ liệu thứ cấp thu được từ các sở, ban, ngành có liên quan và dữ liệu sơ cấp thu được qua khảo sát cán bộ QLNN về du lịch của tỉnh Hòa Bình và một số đối tượng khác; từ đó đưa ra đánh giá chung về các thành công, hạn chế và nguyên nhân trong QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình. Các vấn đề còn hạn chế trong QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình được xác định như sau: (1) Hệ thống VBPL về du lịch chưa thực sự hoàn chỉnh, còn thiếu hệ thống VBPL liên quan đến các vấn đề như quản lý loại hình cơ sở lưu trú homestay, farmstay; các quy định về quản lý khai thác hang động trong kinh doanh du lịch; quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch và quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành có liên quan trong hỗ trợ khách du lịch. (2) Việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch PTDL của tỉnh Hòa Bình còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với nguồn lực nội bộ, một số quy hoạch sai quy trình, vi phạm quy định, chưa mang lại hiệu quả cao. (3) Công tác quản lý thu hút đầu tư PTDL chưa hiệu quả. (4) Hoạt động quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch còn chưa được quan tâm đúng mức; các kênh quảng bá, xúc tiến còn hạn chế; nội dung thông tin trên các kênh truyền thông còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. (5) Số lượng và chất lượng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn còn hạn chế. (6) Chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề xác định sức chứa và các giải pháp nhằm quản lý sức chứa của điểm đến. (7) Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý PTDL của tỉnh hiệu quả chưa cao. (8) Trên địa bàn tỉnh còn để xảy ra nhiều hiện tượng vi phạm trong PTDL như các dự án chậm tiến độ, dừng tiến độ, xây dựng và hoạt động trái phép. Sở dĩ để xảy ra tình trạng này là do du lịch Hòa Bình mới bước vào thời kỳ phát triển nên đội ngũ cán bộ quản lý trong các cơ quan QLNN về du lịch còn khá mỏng, non trẻ, thiếu kinh nghiệm quản lý; cơ sở hạ tầng, CSVCKT phục vụ du lịch của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu PTDL; ý thức, nhận thức của một bộ phận cá nhân, tổ chức còn kém dẫn đến những sai phạm trong quá trình thực hiện PTDL; sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và sức ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tác động không nhỏ đến QLNN đối với PTDL của tỉnh.

Thứ ba, đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình trên cơ sở nghiên cứu các hạn chế và nguyên nhân của QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình và xem xét các vấn đề trong mối tương quan với quan điểm, mục tiêu, định hướng PTDL của tỉnh Hòa Bình, kết hợp với các bài học kinh nghiệm rút ra qua nghiên cứu QLNN đối với PTDL của một số địa phương trong và ngoài nước. Các giải pháp bao gồm: (1) Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật theo thẩm quyền về PTDL của tỉnh Hòa Bình; (2) Tăng cường đào tạo và phát triển nhân lực du lịch của tỉnh Hòa Bình; (3) Tăng cường hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; (4) Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh Hòa Bình; (5) Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ PTDL của tỉnh Hòa Bình; (6) Hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh Hòa Bình; (7) Tăng cường quản lý sức chứa của điểm đến du lịch Hòa

Bình; (8) Chú trọng bảo tồn tài nguyên du lịch trong phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình; (9) Xây dựng môi trường du lịch của tỉnh Hòa Bình an ninh, an toàn; (10) Tăng cường hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong PTDL của tỉnh Hòa Bình; (11) Các giải pháp khác; và một số kiến nghị.

Với kết quả nghiên cứu này, NCS mong muốn đóng góp công sức nhằm tăng cường QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình, góp phần đưa du lịch Hòa Bình trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Dù đã nỗ lực nghiên cứu, tuy nhiên trong khuôn khổ luận án này, NCS mới chỉ nghiên cứu và đưa ra được các giải pháp mang tính tổng quát nhằm hoàn thiện QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình. Các vấn đề chi tiết như xác định cơ cấu phù hợp cho các ngành kinh tế của tỉnh Hòa Bình, xác định sức chứa của các điểm, khu du lịch tại Hòa Bình và đưa ra giải pháp áp dụng cụ thể cho từng điểm, từng khu du lịch cần được tiếp tục nghiên cứu trong các công trình nghiên cứu tiếp theo.

Ngoài ra, lượng dữ liệu thứ cấp thu thập được có độ dài thời gian hạn chế do công tác lưu trữ dữ liệu, tiếp đó là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những diễn biến phức tạp khó lường của nó nên cần tiếp tục có những nghiên cứu khác nhằm làm rõ hơn vấn đề và áp dụng tốt trong thực tiễn.

Để hoàn thành được luận án, NCS xin gửi lời tri ân sâu sắc đầu tiên đến hai giảng viên hướng dẫn – những người dẫn đường tận tâm và luôn sát cánh định hướng, động viên NCS hoàn thành nghiên cứu. NCS cũng luôn cảm thấy may mắn vì luôn nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiệt tình của các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý tại Phòng Quản lý SĐH trong suốt quá trình học tập. Bên cạnh đó, để hoàn thành nội dung luận án, NCS cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình; Ban Giám đốc, các phòng chức năng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình; Cục Thống kê tỉnh Hòa Bình; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình; Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đã hỗ trợ, cung cấp các dữ liệu đáng tin cậy, chính xác và phù hợp cho luận án.

Mặc dù đã rất nỗ lực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng luận án vẫn không thể tránh khỏi những hạn chế. NCS rất mong nhận được ý kiến của các nhà khoa học, các thầy cô giáo và người đọc để luận án có thể được hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu Bản tóm tắt quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh hòa bình (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(27 trang)
w