1.3.1. Dịch tễ học lâm sàng
Tỉ lệ mắc bệnh sỏi mật ở các nước phương Tây khoảng 10 -15% dân số, còn ở châu Á tỉ lệ mắc sỏi mật khoảng 3- 5%. Tỉ lệ mắc bệnh sỏi mật tăng theo tuổi. Theo Jerome thống kê chung khoảng 5% người bị sỏi mật có sỏi OMC, nhưng tỉ lệ này ở người cao tuổi từ 10-20% [92].
Sỏi đường mật chính có hai loại: Sỏi nguyên phát, được hình thành lúc đầu tại đường mật chính và thành phần chủ yếu là sắc tố mật, loại sỏi này thường gặp ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Sỏi thứ phát, được hình thành ở túi mật sau đó di chuyển xuống đường mật chính, thành phần chủ yếu là cholesterol, loại sỏi này gặp nhiều ở Mỹ và các nước phương Tây. Khoảng 10
– 15% bệnh nhân sỏi túi mật phát hiện có sỏi đường mật chính trước, trong hoặc sau phẫu thuật cắt túi mật. Tuy nhiên 1/3 trong số này sỏi tự xuống tá tràng trong vòng vài tháng mà không cần can thiệp gì, số còn lại thì phải can thiệp bằng nội soi hoặc phẫu thuật. Sỏi đường mật chính có khi là đơn thuần, nhưng cũng có nhiều trường hợp phối hợp với sỏi trong gan và/hay sỏi túi mật làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn và làm tăng tỉ lệ sót sỏi sau mổ [1], [5], [14], [26].
1.3.2. Hình dạng và thành phần hóa học sỏi đường mật chính
Sỏi đường mật thường có hình trứng hay hình bầu dục. Đa số sỏi mềm, bóp dễ vỡ, bên ngoài màu đen hoặc nâu sẫm, bên trong màu vàng nhạt của sắc tố mật. Khi cắt ngang viên sỏi ta thấy có nhiều vòng tròn đồng tâm. Sỏi có thể một vài viên đến hàng trăm viên kích thước vài milimet đến vài centimet, có
khi sỏi to in khuôn hình đường mật phải bóp hay tán cho vỡ mới lấy ra được. Thành phần chủ yếu của sỏi đường mật chính là bilirubin và cholesterol [12], [19], [21].