TẢNG ĐÁ PHỦ RÊU XANH

Một phần của tài liệu Ebook Vì thương: Phần 2 (Trang 35 - 39)

ẹ là chị lớn của một bầy em năm đứa toàn con gái. Dì Út cách mẹ đến hai mươi tuổi.

Trong ký ức của mẹ, tuổi thơ là những năm tháng ẵm em đến vẹo sống lưng, là những buổi mò cua bắt ốc ở cánh đồng gần nhà, giữa hai bên vách núi thâm u, mây xám chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp.

Lớn lên chút nữa, mẹ phải khăn gói đi trọ học ở trường huyện, cách nhà mấy chục cây số. Mẹ kể, tối nào mẹ cũng khóc thầm vì nhớ nhà. Bụng đói không ngủ được vì suốt bữa ăn phải ngồi đầu nồi, xới cơm cho cả gia đình chủ trọ.

Mẹ học giỏi lắm. Mỗi lần ông ngoại vô thăm, những câu chuyện ông kể đều xoay quanh những kỳ thi, những tờ giấy khen của mẹ. Những lúc ấy, mắt ông sáng lên, lấp lánh, giọng nói sôi nổi hẳn. Mẹ giống ông tính tình, giống bà dáng vóc. Ông nóng nảy, cầu toàn, nghiêm khắc. Với ông, con cái không học giỏi thì coi như là người hỏng. Chắc do vậy mà mẹ cũng thiệt thòi. Chưa khi nào thấy mẹ kể về những lúc được ông bà âu yếm. Rồi có lẽ lâu dần thành quen. Sau này, mẹ thành cô giáo dạy văn, lãng mạn lắm, nhưng ở sách vở hay ở đâu đâu chứ đối với các con vẫn ít khi tỏ bày tình cảm.

Tôi là con gái duy nhất của bố mẹ, đứa con gái điệu đàng ở giữa hai cậu con trai lộc ngộc. Tất cả những đường nét trên khuôn mặt tôi đều được thừa hưởng từ bố: Sống mũi cao, đôi môi dày, cặp mắt sâu với hai đồng tử màu nâu sẫm. Tôi giống ông cả cái nết hay nhăn mặt và hay thở dài. Bố tôi cưng tôi lắm. Ông dạy triết học, lại yêu sách vở, âm nhạc nên rất tâm lý với con cái. Tình yêu của bố và con gái thì ôi thôi khỏi phải nói. Thuở bé, tôi thấy nó như là một que kem. Với một đứa trẻ, còn có điều gì dịu dàng hơn một que

kem mát lạnh giữa mùa hè. Đi đâu tôi cũng bám riết lấy bố. Có điều gì vui buồn cũng ôm cổ thì thầm với bố. Bố là người đầu tiên dạy tôi cách mặc áo đầm. Bố chở tôi đi nhà thiếu nhi học múa, học vẽ. Thành thử, mẹ chỉ xếp vị trí thứ hai hay thứ ba trong bảng xếp hạng tình cảm của tôi, tùy lúc. Còn bố, luôn luôn là số một.

Rồi bố bị tai biến, liệt nửa người. Mọi việc trong nhà đảo lộn. Mẹ, vốn đã nghiêm khắc, giờ gánh lấy toàn bộ gánh nặng gia đình, vừa nuôi dạy ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học vừa chăm sóc chồng ốm đau nên tính tình càng quyết liệt. Ba anh em tôi không tuần nào là không bị mẹ mắng hoặc ăn một trận đòn quắn cả đít. Tôi vốn yếu đuối, vụng về, làm gì cũng hỏng nên thành ra ăn mắng nhiều hơn cả. Mỗi lần như thế, đi ngang qua nhà người ta, nhìn vào thấy cảnh đầm ấm tôi đều tủi thân đến chảy nước mắt. Lâu dần, mẹ trở thành người thân mà không gần, thương nhưng mà sợ. Tôi trải qua những năm tháng khủng hoảng của tuổi dậy thì một mình, buồn vui đều lặng lẽ cất đi, như con trai cất hạt cát vào sâu trong thân của nó.

Rồi thời gian trôi đi, ba anh em lớn lên, đều đậu đại học rồi ra trường có việc làm. Những cuộc nói chuyện giữa mẹ và con cái rôm rả hơn. Nhưng sâu thẳm trong lồng ngực, hình như tôi vẫn thấy có một hòn đá mọc rêu đã xanh um. Tình cảm với mẹ vẫn là kính sợ nhiều hơn trìu mến.

***

Có lẽ tôi và mẹ sẽ lặng lẽ già đi như thế. Một ngày nào đó, tôi sẽ thành mẹ của bây giờ, còn mẹ thành bà ngoại. Hai mẹ con gặp nhau bâng quơ vài câu chuyện kiểu như khu mộ của dòng họ năm nay đã xây hàng rào khang trang lắm, thằng cu Gin nhà cô Tuyết đã đi du học Úc và lấy vợ ở lại rồi, bao giờ thì nhà nước thay đổi luật đất đai... Những câu chuyện đủ gần gũi cho mọi người yên tâm rằng chúng ta là một gia đình nhưng không đủ riêng tư để có thể trải ra những nỗi niềm ai cũng cất trong tim, nặng trĩu. Cho đến buổi sáng nọ, sau bao biến cố đau đớn của đời sống, tôi thức giấc và vỡ lẽ: Những buồn vui mà tôi nhận lấy không phải đến từ người khác mà xuất phát từ bản thân tôi. Sự xa cách với mẹ bao năm qua, cũng từ nguyên nhân như thế.

Thì ra, nếu trong tim tôi có đá, tôi đâu thể nghe được tiếng của trái tim người khác. Hòn đá xanh rêu vẫn ở đó vì tôi đã tin rằng bẩy hòn đá đi là việc của mẹ chứ không phải của tôi. Tôi thiếu sự kết nối với chính mình, đâm ra tôi không kết nối được với mẹ. Tôi luôn căng thẳng, kiểm soát nên không thể tương thích với mẹ vốn đã luôn căng thẳng, kiểm soát. Tôi sợ nhìn vào nỗi buồn của mình, nên đâm ra không dám bày tỏ nỗi buồn cùng mẹ.

Vì mẹ không nhận được tín hiệu nào cả, mẹ đã không đáp lại.

Tôi bắt đầu thả lỏng. Không kỳ vọng. Không phán xét. Tôi học cách bày tỏ cảm xúc của mình tươi và nguyên chất. Tôi cho phép mình yêu, thay vì sợ mẹ.

Sự thay đổi của tôi có kết quả gần như ngay lập tức. Khi mẹ bắt đầu phàn nàn việc em trai tôi không về ăn cơm đúng giờ, như mọi lần, tôi sẽ nghĩ mẹ thật khó chịu, xét nét. Giờ đây, tôi chỉ đọc đúng tín hiệu thuần khiết nhất của việc đó: Mẹ đang lo lắng. Ừ thì lo lắng là việc bình thường, không thể bắt mẹ đừng lo lắng. Không nhất thiết rằng ngay lập tức mẹ phải biết thư giãn, biết thông cảm. Ngay giây phút không kỳ vọng mẹ phải thế này thế kia đó, tôi thấy bình thản và thương mẹ. Buổi chiều hôm đó, mẹ cứ thế thoải mái càu nhàu trong sự yên lành của tôi. Và sau khi nói hết rồi, mẹ giãn ra, hiền hòa. Từ đó, tôi không còn sợ về ăn cơm với mẹ.

Từng ngày, từng ngày một, tôi học cách bày tỏ cảm xúc của mình. Những câu bắt đầu bằng “con nghĩ rằng...”, “con cảm thấy...” dần thay thế cho những câu “tại sao mẹ không...”, “mẹ thật là...”. Tôi học cách bày tỏ mà không đổ thừa cho mẹ hay bất kỳ ai khác về những rắc rối mà mình gặp phải. Dần dà, mẹ mở lòng, mẹ lắng nghe, mẹ bày tỏ lại. Mẹ bắt đầu hào hứng khoe với tôi về một bông hoa mới nở. Mẹ khoe những tấm ảnh chụp với bạn bè. Mẹ kể say sưa về những câu chuyện thời thơ ấu. Lạ kỳ thay, khi tôi quay vào mình, khi tôi thả lỏng, khi tôi không còn nhu cầu kiểm soát mối quan hệ với mẹ phải ra sao thì cũng là lúc mối quan hệ ấy tốt đẹp hơn bao giờ hết. Dường như đã có một dòng suối nhỏ của mùa xuân róc rách chảy khắp khu rừng mà mùa đông qua, cây cối im lìm vì băng giá. Tảng đá phủ rêu xanh ấy, không ai

nhấc bỏ, đã biến mất tự lúc nào.

***

Tôi vẫn sẽ già đi cùng với mẹ. Vẫn sẽ chỉ có những câu chuyện quẩn quanh giữa chúng tôi. Rằng khu mộ của dòng họ năm nay đã xây lại hàng rào khang trang lắm, thằng cu con nhà ai đó đã lớn rồi, nhà nước vừa ban hành luật mới... Chỉ khác là, những câu chuyện đó giờ đây sao mà thân thương đến vậy. Bởi vì, tôi đã biết lắng nghe chúng bằng cả yêu thương.

Q

TRÚC THIÊN

Một phần của tài liệu Ebook Vì thương: Phần 2 (Trang 35 - 39)