Tại Việt Nam cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả có uy tín về tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng
khoán nói riêng. Một nghiên cứu về tác động của COVID-19 đến các hoạt động kinh tế tại Việt Nam cho thấy COVID-19 có tác động mạnh đến tỷ giá hối đoái, giá dầu, giá vàng và các kim loại khác trên thị trường (Nam 2021). Trong khi đó trên thị trường chứng khoán, với chỉ số VN-Index, bài viết này cho rằng chỉ số này không có tương quan với thông tin tổng số ca nhiễm, nhưng lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tổng số ca tử vong do đại dịch COVID-19 (Nam 2021).
Đối với hoạt động của ngành ngân hàng, ở Việt Nam cũng đã có một số bài nghiên cứu xem xét đến tác động của đại dịch COVID-19. Bằng việc sử dụng dữ liệu của 27 NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2020, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu mối quan hệ giữa hiệu quả kinh doanh của các NHTM niêm yết và quy mô tín dụng, hiệu quả tín dụng của các NHTM đó trong đại dịch COVID-19 (Hoàng 2021). Kết quả cho thấy quy mô tín dụng có tác động ngược chiều, trong khi hiệu quả tín dụng và hiệu quả quản lý chung có tác động cùng chiều đến hiệu quả kinh doanh, đo lường bởi tỷ suất sinh lời trên tài sản ROA, của các NHTM (Hoàng 2021).
Xét riêng đến giá cổ phiếu ngân hàng, một bài viết đã đánh giá sự tác động của COVID-19 lên giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam bằng việc nghiên cứu chỉ số cổ phiếu của ngành ngân hàng trong ba lần phong tỏa tại Việt Nam năm 2020 (Phuong 2021). Với hướng tiếp cận nghiên cứu sự kiện, và cơ sở lý luận dựa trên lý thuyết thị trường hiệu quả của Fama (1970) và lý thuyết thay thế không hoàn hảo của Shleifer (1986) tác giả nhận định rằng phản ứng của các nhà đầu tư trong mỗi sự kiện vô cùng khác nhau (Phuong 2021). Theo bài nghiên cứu, trước đợt phong tỏa đầu tiên, các nhà đầu tư đã khá bối rối và thị trường đã cho thấy những tín hiệu nhiễu. Tuy nhiên, đến đợt thứ hai, thị trường đã dự báo trước tác động tiêu cực của việc phong tỏa toàn quốc bằng những phản ứng trước và sau ngày sự kiện (Phuong 2021). Cuối cùng, tác giả cũng đưa ra nhận định thú vị về phản ứng tích cực của chỉ số ngành ngân hàng trong đợt phong tỏa thứ ba tại Đà Nẵng (Phuong 2021). Kết quả nghiên cứu của tác giả cho thấy, qua mỗi đợt cao điểm của đại dịch, các nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị hơn trong việc đánh giá và đưa ra các quyết định đầu tư cho cổ phiếu ngành ngân hàng (Phuong 2021). Đặc biệt, ở đợt phong tỏa cuối cùng, tâm lý chung của các nhà
đầu tư được nhận định là tích cực, thể hiện sự bình tĩnh suy xét thông tin và kỳ vọng cao vào tỷ suất sinh lời của nhóm ngành ngân hàng (Phuong 2021).
Nghiên cứu về ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch COVID-19 đến giá cổ phiếu các NHTM niêm yết, tác giả Linh (2021) sử dụng ba tiêu chí đại diện cho đại dịch: số ca nhiễm COVID-19 trong nước, số ca nhiễm COVID-19 nhập cảnh, và số ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận theo ngày tại Việt Nam (Linh 2021). Bài viết chỉ ra tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến giá cổ phiếu của các ngân hàng, qua cả ba tiêu chí đo lường nói trên (Linh 2021). Trong đó, giá cổ phiếu của các ngân hàng bị tác động mạnh nhất bởi số ca tử vong do Covid-19 và bị tác động thấp nhất bởi số ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh (Linh 2021). Ngoài ra, bài nghiên cứu còn tìm thấy tác động tích cực của biến kiểm soát giá trị vốn hóa đến giá cổ phiếu của các ngân hàng (Linh 2021).