Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu 4333BKHDT_TH_20160606_Khung_huong_dan_Ke_hoach_PTKTXH_2017 (Trang 29 - 30)

IV. NHIỆM VỤ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH VÀ LĨNH VỰC

4.Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Tăng cường công tác xây dựng, ban hành và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Trong đó, tập trung hoàn thiện, ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành các Luật mới được ban hành như Luật Đất đai, Luật bảo vệ Môi trường, Luật Khí tượng thuỷ văn,…

Tập trung thực hiện các giải pháp tổng thể, toàn diện, có căn cứ khoa học và thực tiễn để ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21); các chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, phòng chống giảm nhẹ thiên tai.

Triển khai lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp ngành và cấp tỉnh; tập trung hoàn thiện hướng dẫn đầu tư xanh; nâng cao nhận thức và tuyên truyền về tăng trưởng xanh ở tất cả các cấp, ngành và địa phương. Tiếp tục nghiên cứu và đề xuất cơ chế khai thác hiệu quả các nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu, trong đó có Quỹ Khí hậu xanh - GCF, xây dựng các cơ chế để khu vực tư nhân có thể tiếp cận Quỹ Khí hậu xanh thông qua hệ thống ngân hàng.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án khắc phục thiên tai, hạn hán, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và tưới tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, các dự án chống xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Khôi phục rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp.

Tăng cường quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước đầu nguồn và đất, khoáng sản. Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước trong các hồ chứa. Chấn chỉnh việc quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông. Cải thiện chất lượng môi trường, phòng ngừa ô nhiễm và xử lý triệt để nguồn gây ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các lưu vực sông, vùng ven biển, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng.

Kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tăng cường các biện pháp xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp, chất thải độc hại và chất thải y tế. Đẩy mạnh các giải pháp hữu hiệu giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường, cảnh quan ở khu vực nông thôn, các khu đô thị lớn.

Một phần của tài liệu 4333BKHDT_TH_20160606_Khung_huong_dan_Ke_hoach_PTKTXH_2017 (Trang 29 - 30)