Điện Tây Sơn
Điện Tây Sơn là nơi thờ ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, nay nằm trong khu vực nhà Bảo tàng Quang Trung thuộc khối I, thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn. Điện thờ này xấy dựng mới lần đầu được khánh thành năm 1960; năm 1998 được nâng cấp tôn tạo quy mô hơn nhưng không khác mấy so với năm 1960. Điện thời Tây Sơn mang trong mình có cả một câu chuyện lịch sử dài. Sau một thời gian cư trú bên quê vợ là làng Phú Lạc, Hồ Phi phúc và Nguyễn Thị Đông chuyển sang định cư ở làng Kiên Mỹ.
Phú Lạc và Kiên Mỹ đều thuộc ấp Kiên Thành huyện Tuy Viễn phủ Quy Nhơn, về sau đều thuộc xã Bình Thành huyện Tây Sơn. Mãi đến năm 1979 Kiên Mỹ mới tách ra khỏi xã Bình Thành nhập vào thị trấn Phú Phong và gọi là khối I. Kiên Mỹ là quê hương thứ ba của dòng họ Tây Sơn ở Đàng trong, là nơi sinh trưởng của ba anh em nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Thôn Kiên Mỹ được thành lập từ bao giờ thì chưa có tư liệu khẳng định. Có người nói rằng Kiên Mỹ được bắt đầu hình thành với công cuộc khẩn khoan của Hồ Phi Phúc thế kỷ XVIII. Tuy nhiên qua nhiều tài liệu khác lại cho thấy ngay tại thời điểm này Kiên Mỹ đã là một vùng đất trù phú. Ở vào vị trí trung chuyển giữa hai vùng miền núi và đồng bằng, lại có sông Kôn - con sông huyết mạch của Bình Định chảy qua, nên Kiên Mỹ có điều kiện phát triển kinh tế, không chỉ nông nghiệp mà cả kinh tế công thương. Cứ nhìn vào tên gọi 7 xóm cổ của Kiên Mỹ cũng đã phần nào hình dung được điều này: xóm Rèn, xóm Bún, xóm Chợ, xóm Ươm, xóm Mía, xóm Trầu. Chợ Kiên Mỹ nổi tiếng trong vùng, một trung tâm buôn bán của vùng Tây Sơn hạ đạo. Khi rời sang Kiên Mỹ ông bà Hồ Phi Phúc đã tích cực khai hoang nên chẳng bao lâu đã có được ruộng đất 3 mẫu 2 sào. Ngoài việc nông trang ông bà còn thêm nghề buôn bán: Hồ công buôn bán ngược xuôi Nông trang vất vả lắm mùi truân chuyên Nhờ sự tầng tảo của cha mẹ, anh em Tây Sơn lớn lên có điều kiện học hành tử tế. Hồ Phi Phúc chọ thầy giáo Hiến ở An Thái là nơi gửi gắm các con mình: Tiếng thầy vang khắp thị thành Môn sinh lui tới học hành rất đông Hồ công nghe rõ thủy chung Mừng nay con trẻ hạnh phùng minh sư Chọn này mùng chín tháng tư Xin con thụ nghiệp thi thư thành hiền Một ngôi nhà khang trang được xây cất, có cây me, có giếng nước. Tuổi thơ của anh em Tây Sơn đã đi qua tai đây. Sự nghiệp của anh em Tây Sơn cũng bắt đầu từ đây. Sau khi giành được thắng lợi nhà Nguyễn đã thi hành
chính sách trả thù tàn bạo. Kiên Mỹ, mảnh đất quê hương của những người anh hùng Tây Sơn không tránh khỏi sự hủy hoại. Nhà cửa bị tàn phá, ruộng đất bị tịch thu. Tuy nhiên với tấm lòng tự hào và tôn kính những người anh hùng của quê hương, nhân dân Kiên Mỹ bằng nhiều cách khác nhau, vẫn giữ gìn và lưu truyền hình ảnh đẹp đẽ về những người con yêu dấu của mình. Phong trào Tây Sơn khi mới giành được thắng lợi ban đầu đã đem lại nhiều quyền lợi thiết thực cho người nghèo. Vì thế, nhân dân Tuy Viễn, để thể hiện lòng biết ơn, đã đóng góp tiền của và công sức xây dựng lại ngôi nhà anh em Tây Sơn ngay trên nền đất cũ, làm nơi thờ tự ông bà Hồ Phi Phúc. Ngôi từ đường này bị nhà Nguyễn phá hủy, nhưng tuyên truyền rằng ngay trên nền nhà đó dân làng đã dựng lên một ngôi đình, gọi là đình Kiên Mỹ. Đình đã bị phá hủy trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến lúc bấy giờ. Tuy nhiên, đến nay ký ức dân gian vẫn còn nhớ rõ về cấu trúc và quy mô của ngôi đình xưa. Đình Kiên Mỹ quay mặt về hướng Nam, ngoài cùng là cổng xây bằng đá ong và vôi vữa, tiếp theo là bình phong, hai bên có hai cột trụ, nhà chính là tiền đường và hậu tẩm, khung gỗ lợp theo lối lá mái. Đình Kiên Mỹ nổi tiếng khắp vùng với những cột đình to người ôm không xuể, cũng như chợ Đình (thôn Vạn Tường xã Bình Hòa) nổi tiếng về những con hạc cao sơn son thiếp vàng rất đẹp. Nhân dân địa phương có câu: Hạc chợ Đình, cột đình Kiên Mỹ hay: Không hạc nào cao bằng hạc chợ Đình Không cột đình nào to bằng cột đình Kiên Mỹ Đình Kiên Mỹ được lập ra là bí mật thờ “Ba ngài Tây Sơn”. Hàng năm, vào ngày 5 tháng 11 âm lịch, tức vào dịp lễ thường tân (tết cơm mới), dân làng cúng giỗ “Ba ngài Tây Sơn” nhưng thường chỉ cúng hương hoa và chỉ “mật cáo” chứ không có văn tế. Lời “mật cáo” được bí mật truyền miệng từ đời người phụng tế này đến người phụng tế khác. Số ruộng trước đây gia đình Tây Sơn khai hoang ở Kiên Mỹ bị nhà Nguyễn tịch thu sung làm công điền. Nhân dân đã quy ước với nhau hàng năm đem số ruộng đất này đấu giá để lấy tiền chi phí cho việc thờ cúng ở đình. Tuy nhiên, để che mắt vua quan nhà Nguyễn, dân làng đã khai thành hoàng và xin sắc nhà Nguyễn, danh nghĩa là thờ ở đình nhưng trên thực tế là thờ ở miếu Vĩnh An (xóm Chợ hay xóm Hưng Trung) và hàng năm tổ chức cúng tế linh đình vào tháng ba. Đình Kiên Mỹ trước sau vẫn chỉ là nơi thờ ba anh em Tây Sơn. Năm 1947 sau khi có chủ trương tiêu khổ kháng chiến đình Kiên Mỹ bị phá dân làng lập một miếu nhỏ để tiếp tục thờ cúng “Ba ngài Tây Sơn”. Đến năm 1958 nhân dân Bình Khê đã đóng góp công của xây dựng lại ngôi miếu khang trang hơn lấy tên là Điện Tây Sơn. Công việc đến năm 1960 thì hoàn thành. Điện Tây Sơn tuy nhỏ nhưng trang nghiêm. Trước sân rộng vốn là nền Kiên Mỹ cũ có tam quan, tiếp đó là nhà bia ghi công lao của
Quang Trung - Nguyễn Huệ viết bằng chữ quốc ngữ. Chính điện gồm ba gian, gian giữa thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ, có bức tranh ông cưỡi ngựa đặt trong khung lồng kính, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi là ban thờ các tướng Tây Sơn phụ theo. Cái làm nên giá trị của Điện Tây Sơn
không phải là kiến trúc mà là những ý nghĩa lịch sử to lớn của nó. Đây là nền nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đông, nơi ba anh em đã cất tiếng khóc chào đời, đã cùng đi qua tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành rồi phất phất cờ khởi nghĩa trở thành những lãnh tụ kiệt xuất của nông dân và dân tộc vào cuối thế kỷ XVIII. Trải qua bao biến cố tấm lòng của người dân Kiên Mỹ với Tây Sơn, dù là phải “bí mật”. Đình phá thì xây miếu, miếu đổ lại dựng điện…Hiện nay trong khu vườn củ của gia đình anh em Tây Sơn, may thay, vẫn còn lại hai di tích cực kỳ qúy giá, là cây me cổ thụ và giếng nước xưa, tương truyền có thời Hồ Phi Phúc. Hai cây me cổ thụ bên cạnh điện Tây Sơn cành lá xum xuê che lợp cả một bóng vườn. Trong đó co cây me ở bên trái điện nhiều tuổi hơn, gốc cây có chi vi tới 3,5m. Cùng bến Trường Trầu, cây me đã đi vào ký ức dân gian địa phương trong một câu ca trữ tình đượm màu lịch sử. Giếng nước ở bên phải điện Tây Sơn, đường kính 0,9m, trước đây xây bằngđá ong và không sâu như bây giờ. Sau này dân làng vét sâu thêm và xây thành giếng cao hơn mặt đất 0,8m để làm giếng chung cho cả làng. Cạnh điện Tây Sơn hiện nay là nhà bảo tàng Quang Trung khang trang đã được xây dựng. Những người có trách nhiệm đã cân nhắc kỹ khi chọn địa điểm thôn Kiên Mỹ để xây dựng nhà bảo tàng này. Cây me hơn hai trăm tuổi mà sức sống vẫn tràn trề. Thủa ông Hồ Phi Phúc xới đất trồng cây nào có ngờ rằng cây me ấy đã đi vào lịch sử. Giếng nước vẫn mái mát trong, vẫn như ngày nào chắt chiu từng giọt nước ngọt lành môi lớn tâm hồn và ý chí các anh em Tây Sơn.
Cây me cổ thụ
Hơn 200 tuổi, tương truyền do thân sinh ba anh em Tây Sơn trồng, nằm ở bên cạnh điện Tây Sơn cành lá xum xuê che rợp cả một góc vườn, gốc cây có chu vi tới 3,5m, cây me đã đi vào ký ức dân gian trong một câu ca quen thuộc, trữ tình, đượm màu lịch sử:
“ Cây Me cũ, bến Trầu xưa
Không nên tình nghĩa thì cũng đón đưa cho trọn niềm” Giếng nước
Ở bên phải điện Tây Sơn, tương truyền có từ thời thân sinh ba anh em Tây Sơn, được xây bằng đá ong, đường kính 0,9m, thành giếng cao 0,8m. Đến nay giếng nước xưa vẫn mát trong như ngày nào chắt chiu từng giọt nước ngọt lành nuôi lớn tâm hồn và ý chí anh em Tây Sơn.
Hiện nay, di tích Điện thờ Tây Sơn, Cây me, Giếng nước được gìn giữ trang trọng, tôn kính, trong khuôn viên của khu Bảo tàng Quang Trung. Bảo tàng Quang Trung được nhà nước xây dựng vào năm 1978 có quy mô đồ sộ, hoành tráng, kiến trúc theo kiểu cổ, dáng vẻ uy nghiêm, gồm 9 phòng trưng bày các kỷ vật liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung (1771 - 1789).
Về thăm Bảo tàng Quang Trung, được đứng trên mảnh đất, ngôi nhà đã từng sinh ra, nuôi dưỡng ba anh em Tây Sơn trưởng thành, tận mắt ngắm nhìn những di vật, chiến tích hào hùng, lừng lẫy của phong trào nông dân Việt Nam khởi nghĩa vào
thế kỷ XVIII, vào Điện thờ đốt nén hương thơm tưởng nhớ công tích to lớn, kiệt xuất của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ; đứng dưới gốc Cây me, uống dòng nước mát ngọt của Giếng nước xưa du khách như được sống với tinh thần thượng võ, anh hùng, nghĩa hiệp, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất giữ gìn quê hương đất nước qua lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công hiển hách, lừng lẫy của Quang Trung – Nguyễn Huệ. Bên cạnh đó du khách còn được thưởng thức chương trình biểu diễn phong phú, độc đáo, hấp dẫn về lịch sử phong trào Tây Sơn như võ thuật Tây Sơn, trống trận Quang Trung, ca múa nhạc dân tộc... đưa khách ngược dòng lịch sử về với những chiến thắng hào hùng của dân tộc Việt Nam thế kỷ XVIII.