Chất lượng công chức cấp xã

Một phần của tài liệu Chất lượng công chức cấp xã, huyện đắk mil tỉnh đắk nông (Trang 34 - 41)

7. Kết cấu của luận văn

1.2. Chất lượng công chức cấp xã

1.2.1. Khái niệm chất lượng, chất lượng công chức cấp xã

1.2.1.1. Khái niệm chất lượng

Chất lượng là một khái niệm quen thuộc được sử dụng trong nhiều lĩnh vực cũng như trong đời sống thường ngày. Có thể nói, chất lượng là một phạm trù phức tạp, tùy theo đối tượng sử dụng trong mỗi lĩnh vực nên cũng có những quan niệm về chất lượng có phần khác nhau.

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa “Chất lượng là một phạm trù triết học biểu thị những thuộc tính bản chất của sự vật, chỉ rõ nó là cái gì, tính ổn định tương đối của sự vật và phân biệt nó với sự vật khác. Chất lượng là đặc

tính khách quan của sự vật, biểu thị ra bên ngoài qua các thuộc tính. Chất lượng của sự vật, hiện tượng biểu thị trình độ phát triển của nó, chất lượng càng cao thì mức độ phát triển của sự vật, hiện tượng càng lớn” [41, tr. 419].

Theo Đại từ điển Tiếng Việt do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007 thì chất lượng là “cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một con người, sự vật, sự việc” [47, tr 248].

Đây là cách đánh giá một con người, một sự việc, một sự vật trong cái đơn nhất, cái tính độc lập của nó. Chất lượng của một con người được hiểu là tổng hợp những phẩm chất nhất định về sức khỏe, trí tuệ, chuyên môn nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, ý chí, niềm tin, năng lực.

Ở góc độ kỹ thuật, TCVN 5814-1994 (ISO 8402: 2000) trên cơ sở tiêu chuẩn ISO-9000 của Tổ chức Quốc tế về tiêu chuẩn hóa đã đưa ra định nghĩa: “Chất lượng là tập hợp các đặc tính của một thực thể (đối tượng) tạo cho thực thể đó có khả năng thỏa mãn những yêu cầu đã nêu ra hoặc tiềm ẩn”.

Tuy nhiên, con người là một thực thể phức tạp. Nói đến chất lượng là nói đến phẩm chất, giá trị, là tính chất tốt đẹp của con người. Chất lượng của cá nhân được hiểu là tổng hợp những phẩm chất nhất định về sức khỏe, trí tuệ và tư duy, chuyên môn nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, ý chí, niềm tin, năng lực; luôn gắn bó tập thể, với cộng đồng.

Để xác định chất lượng của một cá nhân trong lĩnh vực công vụ thì ngoài phẩm chất, giá trị của chính bản thân con người đó, còn cần một yếu tố nữa đó là sự đánh giá của xã hội. Hay nói cách khác, phẩm chất, giá trị đó có đáp ứng nhu cầu của xã hội hay không. Chính vì vậy, khi nói đến chất lượng công chức là nói đến tổng thể những phẩm chất và năng lực thể hiện khả năng và kết quả hoàn thành nhiệm vụ họ được cấp có thẩm quyền phân công theo luật định.

1.2.1.2. Chất lượng công chức cấp xã

Khi nghiên cứu về chất lượng CCCX, có thể xét hai yếu tố chủ yếu:

Một là, phẩm chất, giá trị của CCCX bao gồm: phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, sức khỏe. Đó là tổng hợp các yếu tố chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm làm việc, năng khiếu cá nhân, yếu tố tiềm năng hoặc thiên bẩm để nâng cao khả năng làm việc của công chức .

Hai là, khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Ở khía cạnh này, đó là sự đánh giá về kết quả thực thi công vụ của cơ quan quản lý và nhân dân địa phương nơi CCCX làm việc.

Thực tiễn cho thấy chất lượng của cá nhân là tổng hợp những phẩm chất nhất định về tư tưởng, đạo đức, sức khỏe, trí tuệ, trình độ văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp, ý chí, niềm tin, năng lực; sự thích nghi và gắn bó với tập thể, với cộng đồng; mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như sự tham gia vào quá trình tổ chức thực hiện chức năng - nhiệm vụ của tổ chức.

Từ những phân tích trên đây, có thể quan niệm: Chất lượng công chức cấp xã là một hệ thống tổng hợp những giá trị được thể hiện qua các yếu tố về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, tình trạng sức khỏe, kinh nghiệm, tinh thần - thái độ công tác và khả năng cũng như kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao của người công chức thuộc UBND cấp xã.

1.2.2. Các tiêu chí đánh giá chất lượng công chức cấp xã

Qua việc phân tích và tiếp cận nội hàm các khái niệm nêu trên, việc đánh giá chất lượng công chức nói chung và CCCX nói riêng cần dựa vào các tiêu chí thể hiện: Phẩm chất chính trị, đạo đức; năng lực thực thi công vụ (bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc), sức khỏe, kinh nghiệm; năng suất và hiệu quả công tác (thể hiện qua kết quả đánh giá - xếp loại thực hiện nhiệm vụ và mức độ hài lòng của người dân). Có các tiêu chí đánh giá chủ yếu sau:

1.2.2.1. Tiêu chí phẩm chất chính trị, đạo đức

- Chính trị, tư tưởng: Đây thường là yêu cầu được đề cập đầu tiên khi đánh giá công chức, bao gồm: quan điểm chính trị, lập trường tư tưởng; nhận thức và việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy chế, quy định đặc thù của ngành, lĩnh vực công tác người công chức đảm nhiệm.

- Phẩm chất đạo đức: đạo đức là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của công chức trong các mối quan hệ công vụ và quan hệ xã hội. Đạo đức công vụ thể hiện qua lối sống, cách ứng xử của mỗi công chức; phản ánh mối quan hệ giữa công chức với công dân, tổ chức, đồng nghiệp trong hoạt động công vụ. Trong quy định của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước đã xác định những yêu cầu về nghĩa vụ, chuẩn mực đạo đức, ứng xử của công chức.

1.2.2.2. Tiêu chí trình độ, kiến thức

Trình độ chuyên môn phản ánh mức độ về tri thức, kiến thức của một ngành, lĩnh vực mà cá nhân có được thông qua quá trình học tập, đào tạo trong các trường thuộc hệ thống giáo dục - đào tạo của quốc gia, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Văn bằng, chứng chỉ là một trong những cơ sở để xem xét trình độ kiến thức, chuyên môn - nghiệp vụ trong lĩnh vực mà họ đã được đào tạo, bồi dưỡng.

Một người có trình độ chuyên môn - nghiệp vụ cao, được bố trí theo vị trí việc làm phù hợp thì họ sẽ có nhiều khả năng và có điều kiện thuận lợi để giải quyết tốt công tác được giao. Thực tế hiện nay cho thấy, trình độ chuyên môn chủ yếu được đánh giá thông qua văn bằng, chứng chỉ. Đó là một trong những cơ sở để xem xét trình độ kiến thức, chuyên môn - nghiệp vụ trong lĩnh vực mà họ đã được công nhận.

Tuy nhiên, để đánh giá con người và kiến thức của người đó không thể chỉ thông qua trường lớp, văn bằng mà họ có được . Trên thực tế, vẫn có những trường hợp tuy chưa được đào tạo bài bản nhưng nhờ quá trình tự học và tích lũy kinh nghiệm họ vẫn có thể là một công chức có trình độ chuyên môn đáng trân trọng. Do đó, văn bằng, chứng chỉ chỉ có ý nghĩa khi người đó biết vận dụng những kiến thức đã được học vào thực tiễn công vụ một cách sáng tạo và phù hợp, thể hiện qua hiệu quả thực hiện công tác của cá nhân đó.

Các lĩnh vực chủ yếu để đánh giá trình độ kiến thức, chuyên môn của người công chức bao gồm:

- Một là, trình độ học vấn.

- Hai là, trình độ chuyên môn - nghiệp vụ.

- Ba là, trình độ lý luận chính trị.

- Bốn là, trình độ quản lý Nhà nước

- Năm là, trình độ tin học, ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số)

1.2.2.3. Tiêu chí kỹ năng nghiệp vụ

Theo từ điển Tiếng Việt năm 2006 do Nhà xuất bản Đà Nẳng ấn hành thì kỹ năng được hiểu là “Khả năng vận dụng những kiến thức thu được trong lĩnh vực nào đó vào thực tế”.

Như vậy chúng ta có thể hiểu kỹ năng là mức độ thành thạo trong công việc, khả năng biết vận dụng những kiến thức đã học được vào thực hành một lĩnh vực hoặc công việc. Kỹ năng của mỗi cá nhân có được nhờ rèn luyện, học hỏi, tích lũy và chắt lọc qua thực tiễn..

Đối với CCCX, những kỹ năng cơ bản đó là: Kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng phối hợp trong công tác, kỹ năng lập kế hoạch công tác cá nhân và khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm; kỹ năng phân tích, kỹ năng tiếp nhận và xử lý thông tin, kỹ năng giao tiếp và thuyết trình, diễn đạt…

Tất cả các kỹ năng nêu trên đều chịu ảnh hưởng quan trọng của trình độ chuyên môn, khả năng và kinh nghiệm công tác của công chức trong quá trình thực thi công vụ. Đây là nội dung khá phức tạp trong quá trình đánh giá công chức, có khi dễ nhầm lẫn những kỹ năng công tác với trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

1.2.2.4. Tiêu chí thái độ, hành vi trong công vụ

- Thái độ: Là cách nghĩ, cách nhìn và cách hành động hoặc ứng xử; là yếu tố bên trong con người nên khó có thể xác định và đo lường. Tuy nhiên, cũng như các định nghĩa và thang đo về tính cách, chúng ta có thể nhận định, đánh giá được thái độ con người thông qua ý thức và hành vi của họ.

Thái độ thể hiện qua tác phong làm việc và cách ứng xử của mỗi cá nhân trước những vấn đề xảy ra trong công vụ cũng như trong cuộc sống. Ứng xử là cách xử lý các vấn đề trong quá trình làm việc và các mối quan hệ nơi làm việc để các vấn đề đó được giải quyết tốt, đồng thời nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp. Người có phong cách làm việc chuyên nghiệp sẽ giúp họ tăng thêm sức mạnh trong công việc đồng thời dễ nhận được sự quý trọng của cấp trên, sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp dưới và đồng nghiệp.

Thái độ bao gồm: Ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan; tinh thần trách nhiệm trong công tác; tinh thần hợp tác, cầu thị, sự cởi mở trong giao tiếp với đồng nghiệp và nhân dân; ý thức học tập, rèn luyện về đạo đức và chuyên môn - nghiệp vụ; thái độ phục vụ công dân và doanh nghiệp,…

Sự hài lòng của người dân đối với CCCX được đánh giá thông qua rất nhiều hình thức khác nhau như phản ánh về mức độ hài lòng, thông qua khiếu nại hay tố cáo những hành vi mà nhân dân cho là CBCC đã lạm dụng quyền hạn, thông qua dư luận xã hội… Do đó thái độ của CCCX đều tác động trực tiếp đến người dân và có ảnh hưởng lớn đến hiệu lực, hiệu quả QLNN.

Nếu CCCX không có thái độ tích cực trong hoạt động công vụ thì dù có kiến thức và kỹ năng tốt cũng khó phát huy hết năng lực làm việc. Hoạt động của CCCX chủ yếu được tiến hành tại công sở, nơi trực tiếp thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, tổ chức. Để đảm bảo đúng bản chất của Nhà nước phục vụ nhân dân, nếp sống văn hóa công sở phải được thực hiện nghiêm túc bằng các quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, hành vi ứng xử của CCCX trong công vụ, mối quan hệ với công dân, tổ chức cũng rất quan trọng, thể hiện tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ của người CCCX.

1.2.2.5. Một số tiêu chí về sức khỏe, năng khiếu hoặc tố chất bẩm sinh; thâm niên và kinh nghiệm công tác

- Yêu cầu về sức khỏe: Năng lực của người công chức không chỉ biểu hiện ở trí lực, tinh thần, thái độ, động cơ và ý thức lao động mà còn phụ thuộc rất nhiều ở yếu tố sức khỏe, thể lực. Thể lực là cơ sở nền tảng để phát triển trí tuệ, là phương tiện để truyền tải tri thức, trí tuệ của con người vào hoạt động thực tiễn. Sức khỏe là trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, là tổng hòa nhiều yếu tố tạo nên. Sức khỏe của CCCX cũng là một tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng CCCX. Yêu cầu về sức khỏe không chỉ là tiêu chuẩn bắt buộc khi tuyển dụng, bố trí - sử dụng CCCX mà còn là yếu tố quan trọng cần được duy trì trong cả cuộc đời công vụ của công chức.

- Kinh nghiệm được công chức tích lũy trong cuộc sống cũng như qua quá trình thực thi công vụ sẽ góp phần hình thành khả năng, mức độ thành thạo, nhuần nhuyễn để giải quyết các vấn đề đặt ra trong công việc. Tuổi trẻ có lợi thế là nhạy bén tiếp cận cái mới (nhất là về khoa học - nghiệp vụ chuyên ngành, tin học, ngoại ngữ); đam mê công việc, không ngại khó, có ý thức cầu tiến… Tuy nhiên trên thực tế, kiến thức, kỹ năng và cả thái độ công chức còn chịu ảnh hưởng của kinh nghiệm họ có được qua quá trình từng trải trong công vụ.

1.2.2.6. Tiêu chí về kết quả đánh giá - xếp loại thực thi công vụ của công chức cấp xã hàng năm

- Chất lượng CCCX còn phải được xem xét thông qua kết quả thực hiện công việc và tính chuyên nghiệp của người công chức. Tính chuyên nghiệp của người CCCX thể hiện ở kết quả thực hiện công việc được giao, khả năng thích ứng và khắc phục khó khăn để hoàn thành được nhiệm vụ với tính kỷ luật cao, với tinh thần phục vụ cũng như mối quan hệ hợp tác với đồng nghiệp, công dân, tổ chức.

Căn cứ đánh giá kết quả thực thi công vụ của công chức bao gồm: thành tích thực tế trên cơ sở kết quả phân tích công việc gắn với chức trách và nhiệm vụ được giao; so sánh, đối chiếu kết quả đã đạt được với mục tiêu đề ra. Việc đánh giá kết quả thực thi công vụ của CCCX chủ yếu là căn cứ vào kết quả đánh giá - phân loại công chức hàng năm theo các quy định hiện hành (Cụ thể là Nghị định 90/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ 2020).

Tuy nhiên, việc đánh giá kết quả thực thi công vụ của công chức thường mang tính định tính. Với tính chất công việc của chính quyền cấp xã là thường xuyên cung cấp dịch vụ hành chính công cho nhân dân và giải quyết nhiều công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, việc đánh giá này cần phải tính đến những đặc thù công việc của CCCX thì mới đảm bảo khách quan, chính xác.

Một phần của tài liệu Chất lượng công chức cấp xã, huyện đắk mil tỉnh đắk nông (Trang 34 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(146 trang)
w