Về tập quán, tín ngưỡng dân gian của người Hoa

Một phần của tài liệu Bai Giai KK_Huynh Thi Nga (Trang 68 - 72)

II. Cộng đồng người Hoa

2. Về tập quán, tín ngưỡng dân gian của người Hoa

Ba trăm ba mươi năm có lẻ, kể từ khi đặt chân đến “Đồng Nai xứ sở lạ lùng, con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh“, nhóm người Hoa đầu tiên bắt đầu tạo lập cuộc sống trên vùng đất mới. Họ cùng với lưu dân người Việt, số lưu dân đến định cư trước, cần mẫn khai khẩn mưu cầu một cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc hơn nơi mà họ đã ra đi dù trước mắt còn nhiều chông gai trắc trở. Bao thế hệ người Hoa từ đoàn di dân buổi đầu tiên trên đến những đợt di cư do nhiều biến cố xã hội sau này (trong đó có cộng đồng người Hoa trước đây sinh sống tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam, đến Đồng Nai từ cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, thế kỷ XX) đã cùng nhau khẩn khai, xây dựng vùng “tị địa “trước xa lạ trở thành “quê hương” thân quen, bao dung họ.

Chùa Ông Cù lao phố (Biên Hòa) - Một cơ sở tín ngưỡng của người Hoa - Thờ ông Quan thánh đế quân (ảnh tư liệu)

Hành trang đến với vùng đất phương Nam của nhóm lưu dân người Hoa ngoài sự cần cù, nhẫn nại, khéo léo trong buôn bán để mưu cầu cuộc sống no ấm, họ còn mang trong tâm thức mình hình ảnh của tổ tiên, thần, thánh, tập tục,

tín ngưỡng. Do vậy, khi đã ổn định và thành công trong cuộc sống, người Hoa xây dựng nhiều ngôi chùa, đền miếu để tỏ lòng thành, ghi nhớ công lao với tổ tiên, phúc thần mà chính họ quan niệm rằng, đã giúp đỡ, chở che cho cộng đồng người Hoa trong suốt chặng hành trình đầy hiểm nguy và con đường lập nghiệp nơi vùng đất mới. Tín ngưỡng thờ Ông Quan Đế thánh quân với nhiều tên gọi khác để chỉ về nhân vật lịch sử thời Tam quốc: Quan Vân Trường (một con người được tôn thánh của lòng trung nghĩa, tài đức vẹn toàn) được cụ thể hóa bằng các đền, chùa khá phổ biến trên vùng Đồng Nai. Nói một cách khác, có thể xem sự tồn tại hoặc tàn tích của những ngôi miếu, chùa thờ Quan Công là nhận diện được vùng này có cộng đồng người Hoa sinh sống trong lịch sử 320 năm của xứ Đồng Nai - Gia Định. Ở Đồng Nai, tồn tại nhiều ngôi chùa Ông mà điển hình là các địa điểm: Phước Thiền, Bến Gỗ, Cù lao Phố, Bến Cá. Hiện nay, kiến trúc hiện tồn của chùa Ông chỉ còn ở Phước Thiền, Bến Gỗ và Cù lao Phố. Chùa Ông ở Cù lao Phố là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, là cơ sở văn hóa tín ngưỡng được xây dựng sớm và có quy mô lớn của người Hoa.

Rước đức ông Quan Thánh đế quân trên sông Đồng Nai trong lễ hội chùa Ông, Cù lao Phố (ảnh tư liệu)

Bên cạnh tín ngưỡng thờ Ông qua đền, chùa, cộng đồng người Hoa còn thờ các vị nhân thần khác có gốc tích từ quê nhà. Di tích Phụng Sơn tự ở thành phố Biên Hòa là một điển hình của người Hoa bang Phúc Kiến. Họ tôn thờ Quảng

Trạch tôn vương - một con người xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ nhưng có chí hướng ở vùng Phụng Sơn, Nam An. Sống giúp dân dẹp loạn, chết oai linh hiển hách bảo vệ dân làng nên người Hoa Phúc Kiến suy tôn ông lên bực thánh minh, gọi họ làm danh xưng Quách Thánh vương.

Đồng thời với tín ngưỡng thờ Ông, cộng đồng người Hoa còn có tín ngưỡng thờ Bà - mà nhân vật được tôn thờ là Bà Thiên Hậu. Hầu hết các di tích tín ngưỡng của người Hoa ở Đồng Nai đều có miếu thờ Bà ở bên cạnh. Nguyên ủy bà Thiên Hậu là một nhân vật tài năng nhưng chết trẻ và thường hiển linh cứu độ người dân đi biển khi gặp bão dông, tai ương. Có lẽ, cảm ứng trước sự linh ứng, lòng trắc ẩn và cũng có thể quan niệm chính bà Thiên Hậu đã độ trì giúp cho họ trong chuyến vượt biển tìm đến nước Nam mà cộng đồng người Hoa ở vùng đất Đồng Nai đã không quên lập miếu tôn thờ.

Ở Đồng Nai miếu, chùa thờ bà Thiên Hậu khá phổ biến. Nhưng có lẽ di tích tiêu biểu và quy mô phải kể đến Thiên hậu cổ miếu ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Nơi đây, vốn là một ngôi miếu nhỏ của những người Hoa bang Hẹ làm nghề đá tạo dựng để thờ Tổ sư Ngũ Đăng. Sự linh ứng của bà Thiên Hậu thu hút nhiều người tôn thờ nên người Hẹ đã rước Bà vào phối tự tại di tích. Đây là một công trình kiến trúc khá độc đáo được phối hợp bởi nhiều thành tố xây dựng nhưng chủ yếu vẫn là kiến trúc đá, được thể hiện tinh xảo bởi các nghệ nhân của người Hoa bang Hẹ. Bên cạnh đó, một số di tích của người Hoa trong quá trình giao lưu văn hóa Việt đã có tính chất Việt hóa như đình Tân Lân, miếu Thiên Hậu, miếu Cây Quăn, miếu Bà Thánh trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

Với hệ thống cơ sở tín ngưỡng phong phú, cộng đồng người Hoa bày tỏ lòng thành của mình với thần, thánh, phật, tổ một cách trang nghiêm qua những nghi thức của lễ hội. Họ kính trọng và tôn thờ và luôn cầu mong những điều tốt đẹp của thần thánh ban cho cộng đồng, cho bản thân trong sự tồn tại của chu kỳ đời người. Đó là những khát vọng đẹp đẽ và đáng trân trọng. Những nghi lễ được dung hợp của nhiều quan niệm tín ngưỡng trong các lễ hội đã làm nên sự đa dạng của đời sống tinh thần trong cộng đồng người Hoa.

Tùy thuộc vào đối tượng thờ và phối thờ tại từng cơ sở tín ngưỡng mà ở đó tổ chức những ngày lễ cúng. Các cơ sở thờ thần chung chung thì chọn các ngày trong tháng (thường các ngày cúng được chọn rơi vào các ngày đầu tháng theo định kỳ. Loại hình miếu rẫy, miếu thờ thần tại khu vực cộng đồng sinh sống thường có các ngày cúng theo tiết, mùa trong năm như: xuân, hạ, thu, đông và lễ tạ ơn cuốn năm. Các lễ cúng diễn ra trong thời gian ngắn, thường giới hạn trong

một ngày. Những cơ sở có đối tượng thờ được xác định thường chọn các ngày lễ trọng liên quan đến đối tượng thờ như: ngày sanh, ngày đắc đạo, hiển thánh hoặc ngày mất.

Về lễ hội có tính chất quy mô, điển hình ở một số cơ sở tín ngưỡng sau, thời gian tính theo âm lịch:

- Thiên Hậu cổ miếu (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) theo lệ 3 năm 1 lần, tổ chức lễ lớn vào các ngày 10 đến 13 tháng 6.

- Thiên Hậu tự, đình Tân Lân(phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa) với lễ Kỳ yên và Địa nàng Bóng rỗi (tính chất Việt hóa).

- Nghĩa từ Phúc Kiến (xã Hóa An) với lễ chay đàn cầu siêu (đáo lệ 3 năm) vào trung tuần tháng 7.

- Miếu Quan Đế (Thất phủ cổ miếu) xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa vía Quan Công hiển thánh ngày 24 tháng 6.

- Các miếu Quan Âm thường diễn ra lễ hội vào ngày 18,19 tháng 2/ vía sanh Quan Âm; có tục đấu giá phúc pháo, đèn.

- Lễ Tả Tài Phán do các miếu Quan Âm tổ chức, kéo dài trong nhiều ngày, không ấn định thời gian cụ thể (thường đáo lệ 5 hay 10 năm, khi miếu có điều kiện về tài chánh).

Đặc điểm chung là mục đích của lễ hội thường là những điều cầu an, cầu phúc, cầu siêu. Ngoài ra, còn có những lễ hội như Tả Tài Phán có thêm tính chất thụ phong cho lực lượng thầy cúng. Một số lễ hội như: Vía Quan Âm, vía Quan Đế, Tả Tài Phán có những hoạt động tính chất hội đã cuốn hút nhiều người tham gia, tham dự có tính xã hội cao như đấu giá đèn lồng. Điểm đáng trân trọng từ các nghi hội này mà nguồn quỹ thu được đã có những đóng góp vào hoạt động phúc lợi xã hội đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Bên cạnh những yếu tố có tính ưu việt đó, cũng cần phải khẳng định rằng: một số lễ hội có những tập tục gây lãng phí nhiều tiền của như tục đốt hàng mã, thời gian kéo dài nhiều ngày. Một số cơ sở tín ngưỡng trong lễ hội còn duy trì, phục hồi những hoạt động mê tín dị đoan như coi bói, xem quẻ. Trong một số lễ hội, đặc biệt là lễ Tả Tài Phán thường có những Mạnh Thường quân là người nước ngoài nên có yếu tố vi phạm về công tác quản lý hành chánh. Những yếu tố được nêu trên cho thấy công tác tổ chức một số lễ hội đã vi phạm vào một số quy định trong Quy chế về Lễ hội được Nhà nước ban hành (QĐ số 39/2002/BVHTT ngày 23 tháng 8 năm 2001). Nếu những yếu tố này sớm khắc phục thì lễ hội của cộng đồng người Hoa ngày càng thể hiện nét văn minh, lành

mạnh trong đời sống xã hội và thực hiện đúng trong kỷ cương pháp luật nhà nước. Để thực hiện tốt những điều này, trách nhiệm không chỉ của cộng đồng người Hoa trong công tác tổ chức lễ hội mà còn là trách nhiệm của những cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, của chính quyền địa phương các cấp.

Trải qua bao biến cố lịch sử, lúc thăng, lúc trầm, trong suốt quá trình di cư và định cư ở Đồng Nai, người Hoa đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc khai phá, xây dựng vùng đất này. Nhóm cộng đồng người Hoa đã để lại những dấu ấn của mình trong diễn trình lịch sử của Đồng Nai. Qua những dấu tích kiến trúc, văn hóa vật chất hiện tồn và cả những nét sinh hoạt văn hoá thông qua các tập tục, tín ngưỡng, ngành nghề, lễ hội... cộng đồng người Hoa đã tạo nên một sức sống mãnh liệt trong dòng chảy lịch sử xứ Đồng Nai. Những dấu tích, kiến trúc các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm bản sắc văn hóa của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai vốn giàu truyền thống và bao dung.

Một phần của tài liệu Bai Giai KK_Huynh Thi Nga (Trang 68 - 72)