IV. GỢI Ý CHI BỘ THẢO LUẬN, LIÊN HỆ 4.1 Đưa nội dung “Thành phố Đà Nẵng
PHÊ BÌNH MÀ THÀNH CÂU CHUYỆN TÂM SỰ
TÂM SỰ
(Học theo Bác về tinh thần phê bình và tự phê bình)
Hằng ngày Bác dậy rất sớm. Nhà chật, gác lụp xụp, Bác vẫn tập thể dục, vươn vai, thở hít. Vận động xong thì Bác dọn dẹp trong nhà. Căn nhà tối tăm, bề bộn của một người nghèo như tôi (Hoàng Quang Bình) bỗng trở nên ngăn nắp, quang quẻ, dễ thở hơn, như mới có thêm ánh sáng.
Ban ngày tôi bận cắt tóc. Bác hay xuống bếp chẻ củi, thổi cơm. Anh Kiên nhặt rau. Người vợ cũ của tôi làm ăn vất vả, hóa ra khó tính mà cũng rất hài lòng. Vợ tôi buôn gạo. Kỳ nào có gạo về, Bác cũng ra vác hộ.
Một lần có gạo về, tôi đang bận học, không có người khuân vác. Vợ tôi bực tức gắt gỏng. Tôi giận quá, từ tên gác xuống, rút guốc đánh
máy cái. Vợ tôi chưa kịp bù lu bù loa thì Bác đã xuống rồi. Bác phê bình tôi:
- Sao anh lại làm như thế?
Rồi Bác rủ anh Kiên và tôi cùng ra vác gạo. Bác bảo:
- Vác gạo cũng quan trọng. Không vác gạo thì không có ăn ngay.
Được nghe Bác nói, vợ tôi chừng cũng hả lòng, không mè nheo dai dẳng như mọi khi. Buổi tối, Bác lại phê bình tôi một lần nữa, Bác phân tích tại sao người đàn bà nghèo khổ phải gắt gỏng, truy đến gốc nỗi khổ của những người bị bóc lột, Bác hỏi tôi đã là một đảng viên sao còn hành động như thế? Bác nói:
- Về việc đoàn thể thì rất có thể chỉ vì hành động sai lầm cỏn con như thế mà lộ bí mật.
Bác nói rất thấm thía. Tuyệt nhiên Bác không gắt gỏng hay bực bội, nên tôi nghe ra ngay. Bác phê bình mà thành câu chuyện tâm sự, thấu vào tận ruột, tận gan.
Nhớ lại lúc đầu gặp gỡ, Bác không vồ vập nhưng Bác đi sâu vào đời sống gia đình giúp đỡ mọi việc thực tế, quan tâm thực sự đến đời sống vật chất và tinh thần của chúng tôi, nên Bác cảm hóa được mọi người trong nhà, tạo được một nếp sống khác hẳn. Nhất là đối với cháu Hải, Bác săn sóc thật chu đáo, hơn cả tôi là bố nó. Nó ngủ nghẹo đầu thì Bác sắp gối, nhẹ nhàng đặt nó nằm thẳng lại. Đêm Bác dậy mấy lần để đắp lại chăn cho nó. Bác luôn luôn lo cho nó ấm, đề phòng nó sưng phổi. Bác sờ bụng nó thấy ăn no mà giải rút buộc chặt thì lại nới ra. Nhiều lần Bác tắm cho nó, dặn nó phải ở sạch. Ngồi ăn cơm tuy chúng tôi là chủ nhà, Bác vẫn giục chúng tôi gắp thức ăn. Bao giờ Bác cũng gắp thức ăn cho cháu Hải trước.
(Bác Hồ sống mãi với chúng ta, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, 2005)
3.