Điều 27, Điều 28 và Điều 29.
20.1. Các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương
đương được quyền thành lập, giải thể tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo quy định của Điều lệ. Khi thành lập mới công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải xây dựng đề án trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê duyệt. Không thành lập công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác khi Điều lệ Công đoàn Việt Nam không quy định. Trường hợp đặc biệt, nếu thấy cần thí điểm thành lập tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không có trong quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam phải được sự đồng ý của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
20.2. Tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được bố trí cán bộ công đoàn chuyên
trách theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhưng không thành lập ban tham mưu giúp việc chuyên trách.
20.3. Công đoàn giáo dục huyện theo Điều 24 trực tiếp quản lý, chỉ đạo các công đoàn cơ sở:
- Công đoàn cơ sở cơ quan phòng giáo dục huyện.
- Công đoàn cơ sở ở các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học, trung học cơ sở và các đơn vị trực thuộc phòng giáo dục huyện.
20.4. Công đoàn ngành địa phương theo Điều 25:
a. Công đoàn ngành địa phương trực tiếp quản lý, chỉ đạo các công đoàn cơ sở thuộc ngành tại địa phương.
b. Không thành lập công đoàn ngành địa phương khi không có công đoàn ngành trung ương.
c. Công đoàn viên chức tỉnh, thành phố:
Công đoàn viên chức tỉnh, thành phố là công đoàn ngành địa phương, tập hợp cán bộ, công chức, viên chức, lao động làm việc tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc các ban của Đảng; cơ quan Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở cấp tỉnh, thành phố; cơ quan của các sở thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố, nơi không có công đoàn ngành địa phương.