Đúng là có người nói như vậy, các bậc tu hành đạo cao đức trọng có thể chịu quả báo thay cho chúng sinh. Thí dụ có người nói, Lão Hòa Thượng Hư Vân gặp phải sự kiện Vân Môn, bị đánh đập thương tích đầy mình, đến nỗi gần chết, chính là đã chịu nạn thay cho tất cả mọi người Trung Hoa trên đại lục. Lại có người nói, có những vị đại Lạt Ma, lâm trọng bệnh, đau đớn đến chết là thay cho toàn nhân loại mà tiêu trừ nghiệp ác. Lại có người nói, có những bậc cao tăng tu khổ hạnh ngồi nhiều ngày trong tuyết, ngồi phơi nắng dưới mặt trời hoặc nhờ người khác dùng roi, gậy đánh đập nhục thân của mình, là
để cho số đông người sống được bình an, mạnh khỏe. Hiểu như vậy hình như đúng mà thực là sai, không phải là sự hiểu biết đúng đắn của Phật pháp. Phật giáo giảng lý nhân quả áp dụng chung cho tất cả chúng sinh không phân biệt. Mọi người tạo ra nghiệp riêng biệt, chỉ chịu báo riêng biệt. Nhiều người tạo ra nghiệp chung (cộng nghiệp) thì chịu quả báo chung được phúc báo. Thí dụ : Mọi người đều ăn cơm thì mọi người đều no, không ăn thì đói.
Một người ăn không thể làm cho nhiều người no. Một người không ăn, không liên quan gì đến sự no đói của đại chúng. Kinh Địa Tạng nói : "Cha con là người chí thân, đường đi khác nhau, dù họ gặp nhau cũng không thay đổi cho nhau được".
Sức mạnh tu hành của các bậc cao tăng, đúng là có ảnh hưởng đến người khác. Nơi nào có bậc cao tăng tu hành thì nơi đó quần chúng được lợi, thời nào xuất hiện một đại cao tăng thì quần chúng thời ấy được hỗ trợ nhiều. Đó là sức mạnh cảm hóa của lời nói và việc làm của bậc đại tu hành, là sức mạnh cảm ứng của bậc ấy, khiến cho nhiều người bỏ ác làm lành, quỷ thần cũng che chở. Đó cũng là phúc đức của dân chúng thời ấy nơi ấy cảm ứng mà có cao tăng đại đức xuất hiện, chứ không phải bậc cao tăng tiêu trừ nghiệp chướng thay cho chúng sinh.
Trong trường hợp bậc đại tu hành lâm bệnh nặng hay gặp tai nạn thì có hai khả năng : Một là bậc thánh thể hiện thành tướng phàm phu, ứng xử giống như phàm phu chịu khổ nạn để dễ dàng tiếp cận với phàm phu tác động đến phàm phu. Hai là bản thân bậc đại tu hành đã tạo nghiệp nay chịu báo. Ngay ở kiếp sống cuối cùng của Phật và A La Hán cũng có thọ báo, huống hồ là bậc đại tu hành còn ở giai đoạn phàm phu nói chung. Có trường hợp do bậc cao tăng tinh tấn tu hành khiến các loài Ma Vương khiếp sợ hay là các oan gia cũ, những chủ nợ cũ tái sinh làm quỷ thần, lo sợ bậc đại tu hành sau khi rời khỏi sinh tử sẽ không còn phải trả nợ cũ nữa. Do đó mà chúng gây bệnh tật hiểm nghèo, giáng tai họa lớn vào đầu bậc đại tu hành. Lại có trường hợp do nghiệp ác tạo ra từ trước đáng lẽ nên chuyển nghiệp, không phải đọa ba đường ác, nhưng nhờ công phu tu hành cho nên chuyển nghiệp, không phải đọa cõi ác, mà chỉ phải trả nợ bằng một vài bất hạnh ở cõi người, gọi là phạm tội chịu quả báo nhẹ. Cho nên bậc đại cao tăng gặp tai nạn hay bất hạnh, là hiện tượng tốt, không phải là tiêu trừ nghiệp ác thay cho chúng sinh.
Quan niệm bậc thánh chịu tội thay cho chúng sinh là tư tưởng mượn của tôn giáo thần quyền. Tỉ dụ : Chúa Giê-Su vì để chuộc tội cho loài người mà phải chết trên thánh giá. Trong tín ngưỡng dân gian Trung Hoa, người ta tin rằng các vị Bồ Tát có thể tiêu trừ nghiệp chướng hộ cho chúng sinh, tin rằng đức Phật Dược Sư có quyền năng "kéo dài tuổi thọ, tiêu sạch tai ương" hoặc cho rằng Bồ Tát Địa Tạng vào địa ngục để cứu độ chúng sinh. Lại có người vì để tiêu trừ tai họa, kéo dài tuổi thọ cho cha mẹ và họ hàng thân thích mà phát nguyện ăn chay, xuất gia, tự mình xin giảm thọ. Những việc làm như vậy tuy xuất phát từ lòng tốt trong sáng nhưng đều không phù hợp với luật nhân quả của nhà Phật.
Có người cho rằng, người tu hành có thể giúp người khác tiêu nghiệp, trị bệnh, đuổi tà xua quỷ; trong nhân gian người ta vốn tin như vậy. Nhưng Phật giáo cho rằng, một khi nghiệp tạo ra được xác định rồi, chín muồi rồi thì nhất định phải chịu quả báo, không
tránh khỏi được. Tuy sức mạnh niềm tin tôn giáo của dân gian có thể có công hiệu nào đó, nhưng không thể giải quyết vấn đề một cách căn bản.
Dùng sức mạnh của chú thuật hay sức mạnh tâm linh của người tu hành có thể nhất thời hạn chế nghiệp chướng của người khác. Nhưng nếu hạn chế quá nhiều hoặc miễn cưỡng hạn chế, thì bản thân người dùng chú thuật hay là người tu hành sẽ bị phẫn kích rồi mắc bệnh, thậm chí bị chết. Cũng như dùng ba tấm ván để ngăn dòng thác trên núi đổ xuống thì làm sao thành công được, đó không phải là tiêu nghiệp cho chúng sinh mà là tự mình tạo nghiệp và chịu quả báo do làm trái luật nhân quả. Tuy bản thân có lòng tốt muốn cho người khác không chịu quả báo, nhưng lưới trời lồng lộng khó thoát. Không thể có đạo lý tạo nghiệp ác mà không chịu quả báo. Như vậy là làm trái với tự nhiên, với luật nhân quả. Dù là giúp người bằng sức mạnh của chú thuật hay sức mạnh của tâm linh của người tu hành, cũng đều phải dựa trên nguyên tắc cân đối. Nghĩa là người được giúp đỡ phải có thiện căn, tâm phải chuyển biến tốt, cộng thêm sức mạnh của chú thuật, và sức mạnh tâm linh của người tu hành mới có thể hiệu quả. Đó là hiệu quả sinh ra trên nguyên tắc hợp lý, chứ không phải là "tiêu nghiệp hộ cho người khác".