Thanh Thuận
Tại Lễ hội Lồng tồng, sau lễ cúng, người dân cho trâu xuống ruộng cày những đường cày
đầu tiên trong năm
VĂN HÓA - XÃ HỘI
Với quan niệm đầu xuôi đuôi lọt, thời khắc đầu tiên của mỗi năm sẽ đánh dấu và mở đầu cho mọi việc trong năm, chính vì vậy ngày rằm tháng giêng thường niên được xem như ngày lễ quan trọng của người Việt. Cũng tại thời điểm này, Bình Dương diễn ra lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, bên cạnh cầu nguyện thần linh ban phúc lành đầu Xuân, người dân đến đây còn tham gia nhiều hoạt động ngày hội vô cùng náo nhiệt.
Chùa Bà Thiên Hậu tọa lạc tại số 4 đường Nguyễn Du thuộc thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nơi đây do người Việt gốc Hoa xây dựng để thờ cúng vị thần Thiên Hậu Thánh Mẫu. Theo truyền thuyết, nữ thần này tên thật là Lâm Mạc Nương sinh vào năm 960 ở huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Mẹ bà mang thai 14 tháng mới hạ sinh, năm 11 tuổi bà tu theo Phật giáo, luyện tập đắc đạo và coi thiên văn trên biển giúp đỡ không ít người. Sau khi Lâm Mạc Nương mất năm 28 tuổi, bà đã nhiều lần hiển linh cứu ngư dân bình an trở về bờ, vì vậy, mỗi khi thuyền bè ngoài biển gặp nạn, người ta thường cầu nguyện nữ thần ban cho sóng yên biển lặng. Về sau người dân Phúc Kiến bắt đầu xây miếu thờ phụng vị thần họ Lâm này, vào đời nhà Nguyên bà được phong làm Thiên Phi, đến đời Thanh, vua Khang Hy phong bà làm Thiên Hậu. Và danh hiệu đó được lưu truyền mãi đến ngày nay.
Bà Thiên Hậu ngoài được xem như thần bảo trợ của vùng biển, còn là vị thần hộ mệnh cho những người nhập cư mới đến. Mỗi khi người Hoa sống xa quê hương đều dựng lên những ngôi chùa mang tên bà đầu tiên để tạ ơn nữ thần đã phù hộ đến nơi an toàn. Ban đầu, lễ hội chỉ được tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa sinh sống trên địa bàn tỉnh, nhưng về sau do những câu chuyện linh thiêng về bà Thiên Hậu ngày
một lan rộng, người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các khu vực lân cận cũng đã thờ phụng vị thần này. Vì vậy, lễ hội chùa Bà Thiên hậu được tổ chức hàng năm dần trở thành lễ lớn của người dân Nam Bộ.