Sau khi rà soát hồ sơ, lực lượng chức năng phát hiện tài xế P. có tới hai bằng thật mà dân trong nghề gọi là “mẹ bồng con”.
“Nhiều trường hợp gian lận trong việc xin cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) được chúng tôi phát hiện như giấy phép “mẹ bồng con”, giấy phép giả, xin cấp lại khi bị xử lý vi phạm giao thông...” - ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM, cho biết.
Giấy phép kiểu “mẹ bồng con”
“Chúng tôi phối hợp với CSGT kiểm tra từng trường hợp xin cấp, đổi lại GPLX và đã phát hiện nhiều trường hợp tài xế có giấy phép kiểu “mẹ bồng con”, tức một người có tới hai bằng thật hẳn hoi” - ông Ngô Đình Quang nói.
Theo một chuyên viên Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX, trường hợp mới nhất phát hiện một tài xế có giấy phép kiểu “mẹ bồng con” là ông NMP, cư trú tỉnh Bình Phước. Ông P. đến TP.HCM để xin đổi lại GPLX mới thì bị phát hiện. Sau khi rà soát hồ sơ kết hợp với thông tin do phía công an cung cấp, Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX phát hiện tài xế P. có tới hai bằng thật mà dân trong nghề thường gọi là “mẹ bồng con”.
“Trong trường hợp tài xế cố tình giả báo mất bằng để được cấp lại thì đơn vị cũng… đành chịu. Vì sau khi kiểm tra trên hệ thống không phát hiện họ vi phạm bị tước hoặc giữ bằng lái thì trong vòng hai tháng chúng tôi phải cấp lại theo yêu cầu. Khi đó họ xài song song hai bằng lái, nếu bị giữ cái này thì vẫn còn cái kia để hành nghề” - chuyên viên Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX giải thích.
Chia sẻ thêm, vị chuyên viên cho biết sau khi bị phát hiện sử dụng cùng lúc hai GPLX, các bác tài có rất nhiều lý do để giải thích. Ví dụ, họ giải thích đơn giản là báo mất rồi và đã xin cấp phó bản thì có người nhặt được đem trả lại; người thì giải thích rằng có người nhặt được rồi yêu cầu chuộc lại… Trong các trường hợp như thế, Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX chỉ giữ lại phó bản.
CSGT đang lập biên bản một tài xế vi phạm giao thông. Ảnh: LƯU ĐỨC
Vẫn lọt sổ
Một chiêu gian lận khác thường được các bác tài sử dụng là sau khi bằng lái bị tước hay bị tạm giữ, thay vì đi nộp phạt để lấy lại bằng lái thì họ làm đơn cớ mất để xin cấp lại.
“Mới đây chúng tôi nhận được một đơn cớ mất GPLX và xin cấp lại phó bản. Sau thời gian xác minh hai tháng theo quy định (từ tháng 12-2018 đến tháng 2-2019), chúng tôi phát hiện bằng lái này đang bị công an tạm giữ vì có vi phạm nên đã yêu cầu tài xế phải đến Công an quận Phú Nhuận nộp phạt. Trường hợp này chúng tôi kiên quyết không cấp lại bằng lái” - vị chuyên viên cho biết.
lượng CSGT tạm giữ, theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM. Nhiều nhất ở Đội CSGT An Lạc có hơn 21.000 trường hợp. Tại Đội CSGT Bình Triệu, GPLX bị bỏ lại hơn 5.000 trường hợp. Hiện Phòng CSGT đang cho tổng hợp lại toàn bộ số GPLX bị người vi phạm bỏ rơi đang lưu trữ trong kho để có hướng giải quyết.
Tuy nhiên, vị này cho biết cũng có nhiều trường hợp đơn vị để lọt sổ. Đó là các trường hợp sau khi rà soát rất kỹ, cả những thông tin từ cơ quan công an thông báo về Sở GTVT nhưng không phát hiện vi phạm nên đơn vị cấp lại, sau đó mới nhận được thông báo cập nhật về vi phạm của tài xế này.
Theo Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX, tình trạng hoang báo mất để xin cấp lại GPLX thực tế không đáng lo ngại bằng tình trạng sử dụng bằng giả hiện nay. Một trường hợp mới nhất bị phát hiện dùng bằng giả là tài xế NVHE, cư trú Bến Tre. Tài xế E. tỉnh bơ đến Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM làm thủ tục xin đổi GPLX vì đã cũ thì bị phát hiện dùng bằng giả. “Trong những trường hợp như vậy, đơn vị chỉ có chức năng giữ lại bằng giả này và không thực hiện đổi bằng cho tài xế” - vị chuyên viên chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, để ngăn chặn tình trạng gian lận khi đổi, cấp lại GPLX thì phải xây dựng một cổng thông tin điện tử công khai, đưa tất cả dữ liệu của tài xế (có kèm ảnh) để các đơn vị quản lý khi cần là có thể kiểm tra ngay lập tức. Ngoài ra, hiệp hội kiến nghị ngành giao thông kết nối liên thông với ngành công an để đưa lý lịch hoạt động của tài xế lên cổng thông tin như quá trình lái xe, hành vi vi phạm, vi phạm mức nào… để tất cả thuận tiện trong quản lý, xử lý. Được biết mới đây bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ thực hiện việc này.
Bằng lái xe thế hệ… 0.4!
Đó chính là những bằng lái PET với hàm lượng công nghệ số tích tụ trong đó rất mỏng nên chỉ phục vụ rất ít cho công tác quản lý. Từ các năm sau 2005, Bộ GTVT bắt đầu chuyển từ loại bằng lái giấy sang bằng lái nhựa PET nhưng đến nay mới chỉ có phần mềm đọc, tra để biết đó là bằng thật hay giả.
Hãy nhìn vào bằng lái của các nước. Trên mỗi bằng đều có thông tin tên, năm sinh như ở ta nhưng còn gắn thêm con chip ghi tổng số điểm (người vi phạm giao thông sẽ bị trừ dần đến hết điểm được lái xe). Số liệu từ con chip trên bằng lái cũng được nối liên thông với hệ thống quản lý của CSGT, cơ quan cấp bằng. Như vậy CSGT, cơ quan cấp
bằng không cần tước, tạm giữ bằng lái khi người lái vi phạm, vì dù anh có cầm bằng lái đã hết điểm trong tay thì cũng là… vô dụng!
Tại Việt Nam, từ nhiều năm qua trên máy điện thoại thông minh của nhiều bà nội trợ đã cài đặt app để đọc mã vạch của các loại hàng hóa nhằm phân biệt hàng thật, dỏm. Thẻ ATM của mỗi người đều có thể kiểm tra tài khoản còn hay hết tiền! Vậy tại sao bằng lái xe, đã được làm giống thẻ ATM từ nhiều năm qua lại không tích hợp được các tiện ích cho cả người dùng và người quản lý. Có ý kiến cho rằng từ sau năm 1995, việc cấp bằng lái từ ngành công an được chuyển giao cho ngành GTVT nên sự phối hợp giữa hai ngành này trong việc áp dụng công nghệ để kiểm soát bằng lái đã không được thực hiện. Hai ngành vẫn “thích” kiểu báo cáo qua lại bằng giấy, theo định kỳ tháng hoặc quý. Từ đó mới dẫn tới chuyện kiểm tra bằng lái mất, bị tạm giữ hoặc bị tước giữa hai cơ quan luôn vênh nhau và tạo kẽ hở cho người khai báo gian dối xin cấp lại hai, ba bằng (phó bản).
Chúng ta ở thời đại 4.0, mọi thông tin, quản lý đều có thể thông qua một tấm thẻ, một con chip. Thế nhưng bằng lái hiện nay vẫn đang ở thế hệ… 0.4!
Theo plo.vn