Đáng lý chương trình huấn luyện kéo dài sáu tháng. Nhưng chỉ ba tháng sau vì nhu cầu cấp bách, đoàn 14 của chúng tôi
đã bắt đầu vào B. Đoàn gồm 400 người tất cả đều là cán bộ
mùa thu (1). Hầu hết là đảng viên, và cấp bậc thấp nhất là trung sĩ, gồm các quân nhân chuyên môn về pháo, đặc công, trinh sát và cán bộ chính trị. Chúng tôi đi xe lửa xuống Quảng bình, vượt Trường Sơn qua Lào, rồi lại men theo Trường Sơn để vào B. Mỗi người được cấp phát một cái võng, hai bộ quần áo, một ba lô, 2 gói thuốc, 3 lạng đường, 2 lạng sữa, 2 gói muối chừng 2 ký. Vũ khí trang bị đủ loại. Tuy
đã quen sử dụng vũ khí tối tân của các nước anh em bây giờ, chúng tôi phải dùng lại các loại cũ hồi kháng chiến chống Pháp, DK 75 garant M1, Thompson, Mass 36, trung liên Cock. Cuộc hành trình đầy gian lao, khổ nhọc. Tuy bây giờ
chưa có cuộc oanh tạc của B 52 và sự kiểm soát của quân đội miền Nam ở các vùng hẻo lánh biên giới quá sơ sài, nhưng
đoàn 14 đã gặp những trở ngại núi rừng dành cho những người tiền phong. Các con đường chưa mòn nên đầy gai góc. Cầu chưa bắt ngang các dòng suối nước xoáy và đá nhọn. Những trạm tiếp vận thiết lập sơ sài, thiếu thốn đủ mọi bề. Theo chương trình, chúng tôi sẽ lấy thêm gạo ở trạm 10. Đến nơi chỉ thấy có một lều gió lộng và đêm phủ đột ngột bên này sườn núi xanh. Đói khát, lạnh lẽo làm hao mòn sức lực nhiều người. Ở mỗi trạm có tiện nghi y tế và chuyển vận,
đều có một số anh em dừng lại chờ chuyến hành trình ngược
đường.
Đã thế, vì phải tuyệt đối giữ bí mật không cho dân chúng địa phương biết chúng tôi từ miền Bắc vào, nên lệnh trên tuyệt
đối ngăn cấm mua bán với dân chúng. Đồ đạc mang trong người từ cái gương, cái lược cho đến tiền bạc áo quần đều sản xuất từ miền Nam. Nói với nhau chúng tôi cũng phải nói giọng Nam, và mỗi người rình rập để bắt bẻ, phê bình những câu, những tiếng Bắc pha trộn nơi lời nói kẻ khác.
_____________________
(1) Cán bộ mùa thu : các cán bộ tập kết ra Bắc, rồi hồi kết hoạt động ở miền Nam.