Tác giả Trần Việt Dũng (2014, tr.1) phân tích tác động của các nhân tố liên quan tới khả năng sinh lời của NHTM bao gồm các nhân tố bên trong là cấu trúc sở hữu, cấu trúc vốn, quản trị rủi ro, quy mô tài sản; và các nhân tố vĩ mô bao gồm chu kỳ kinh tế, lạm phát. Phương pháp nghiên cứu được áp dụng là nghiên cứu dữ liệu bảng với phương pháp ước lượng moment tổng quát (Generalized Method of Moments, GMM) của Hansen (1982) được phát triển bởi Arellando and Bond (1991). Đặc biệt, mô hình này sử dụng các biến trễ cũng như phương pháp sai phân. Dựa trên giả định rằng sai phân bậc một của các biến công cụ không tương quan với các hiệu ứng cố định, mô hình cho phép sử dụng nhiều biến công cụ hơn, qua đó tăng tính hiệu quả của mô hình. Từ đó, kết quả nghiên cứu cho thấy việc cổ phần hóa có ý nghĩa tích cực tới KNSL của các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc cổ phần này cho thấy sự hiệu quả hơn khi nắm giữ nhiều vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa đủ cơ sở khẳng định tác động của các yếu tố nội tại như quy mô tài sản, tỷ lệ dư nợ và huy động lên khả năng sinh lời của ngân hàng. Đối với các biến số vĩ mô đặc biệt chu kỳ kinh tế thì có tác động tới hoạt động của các NHTM.
Tác giả Nguyễn Kim Thu và Đỗ Thị Thanh Huyền (2014, tr.1) chú trọng phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thu nhập lãi thuần của các NHTM tại Việt Nam gồm các nhân tố: mức ngại rủi ro, rủi ro tín dụng, vị thế ngân hàng, tương tác giữa rủi ro tín dụng và rủi ro lãi suất, chi phí lãi suất ngầm và chất lượng quản lý.
Phương pháp nghiên dựa trên mô hình của Ho và Saunders (1981) và các phát triển tiếp theo trong nghiên cứu của McShane và Sharpe (1985) và Angbazo (1997). Ngoài ra biến giả cũng được sử dụng để tính toán sự khác biệt trong tỷ lệ thu nhập lãi thuần giữa NHTM NN và NHTM CP. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức ngại rủi ro có quan hệ tỷ lệ thuận với tỷ lệ thu nhập lãi thuần, rủi ro tín dụng cũng có ảnh hưởng tỷ lệ thuận lên tỷ lệ thu nhập lãi thuần. Đồng thời, chi phí lãi suất ngầm có quan hệ tỷ lệ thuận với tỷ lệ thu nhập lãi thuần. Tuy nhiên, chất lượng quản lý có quan hệ tỷ lệ nghịch với tỷ lệ thu nhập lãi thuần. Biến tương tác giữa rủi ro tín dụng và rủi ro lãi suất không có quan hệ với tỷ lệ thu nhập lãi thuần và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong tỷ lệ thu nhập lãi thuần giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và các NHTMCPVN.
Bên cạnh đó, tác giả Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015, tr.1) đã phân tích tác động của các nhân tố tới khả năng sinh lời của NHTM bao gồm chất lượng tài sản, cấu trúc tài sản, cấu trúc tài trợ, độ phù hợp của vốn, hiệu quả hoạt động, quy mô, đa dạng hóa thu nhập là các yếu tố nội tại. Đồng thời các nhân tố vĩ mô tác động đến khả năng sinh lời của NHTM gồm tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Phương pháp nghiên cứu của nhóm tác giả chủ yếu dựa vào mô hình nghiên cứu của Trujillo- Ponce (2013) về hệ thống NHTM Tây Ban Nha; tác giả đã đưa ra mô hình nghiên cứu với một số thay đổi để phù hợp với tình hình Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ số đa dạng hóa thu nhập, cấu trúc tài sản, cấu trúc tài trợ, lạm phát có tương quan cùng chiều với khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, chất lượng tài sản, độ phù hợp của vốn, hiệu quả hoạt động có tương quan nghịch đến khả năng sinh lời. Không có sự tác động của quy mô tổng tài sản và tốc độ tăng trưởng kinh tế đến khả năng sinh lời của NHTM.
Ngoài ra, nghiên cứu của Nguyễn Kim Quốc Trung và Bùi Quang Hưng (2018, tr.1) đã mô hình hóa các yếu tố chính ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2009 đến 2017, cụ thể sử dụng hai chỉ tiên lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và lợi nhuận trên tài sản làm biến phụ thuộc. Dữ liệu nghiên cứu là dữ liệu bảng động vì có sự hiện diện của biến trễ của biến phụ thuộc, do đó, kết quả hồi quy theo phương pháp GMM cho các mô hình có biến công cụ là
đáng tin cậy. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng hai mô hình để kiểm định. Mô hình đầu tiên, đưa ra độ trễ một năm của ROE, tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP, chi phí trên thu nhập (CIR) và tỷ lệ lãi ròng có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM, đặc biệt, ở khoảng tin cậy 95%, các biến của INF và NIM có ý nghĩa thống kê, trong khi GDP và CIR có ý nghĩa thống kê ở mức 99,9%. Trong khi đó, mô hình 2 có sáu biến có ý nghĩa thống kê: hai yếu tố CIR và NIM cũng là các biến có ý nghĩa thống kê ở mức 0,1%, tỷ lệ lạm phát và NPLR là các biến có ý nghĩa thống kê ở mức 5% và độ trễ một năm của ROA và GDP là các biến có ý nghĩa thống kê ở khoảng tin cậy 99%.
Để xác định chính xác các nhân tố ảnh hưởng đến LNSL hay LN của các NHTM một cách chính xác để đưa ra các nhận định, đóng góp của nghiên cứu thì đòi hỏi chất lượng cũng như độ chính xác và đáng tin cậy cao của dữ liệu. Nhưng, nhìn chung, số liệu thống kê Việt Nam chưa có sự đồng nhất về tiêu chí, hay không được chuẩn hóa một cách thống nhất và còn nhiều sai lệch so với thực tiễn (GSO, 2016; Lý Hoàng Ánh và cộng sự, 2015, tr.3). Do đó, kết quả nghiên cứu chỉ mang tính khách quan ở một mức độ nhất định để đưa ra nhận định, đóng góp nghiên cứu ở một khía cạnh hoặc trong một thời kỳ mà các tác giả quan tâm.