5.1. KẾT LUẬN
1) Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đặc biệt đất nông nghiệp vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa thuận lợi để phát triển hệ thống cây trồng hàng năm, nhất là các cây trồng họ đậu và rau màu các loại. Diện tích đất thích hợp cho các cây trồng này chiếm tỉ lệ tương đối cao trong quỹ đất canh tác của vùng. Để duy trì chất lượng và sức khỏe đất, lợi ích môi trường, nâng cao năng suất cây trồng, giá trị trồng trọt trên một đơn vị diện tích và thâm canh bền vững cần giảm hợp lý diện tích cây lương thực truyền thống, đặc biệt là lúa, mở rộng cây trồng vụ đông và tăng diện tích cây đậu đỗ, rau màu có giá trị cao. Các cây rau mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao là ớt, cà chua, bí xanh, dưa chuột khi trồng riêng rẽ và trong cơ cấu luân canh.
2) Ngành trồng trọt đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa nói chung và vùng ven biển nói riêng. Trong hệ thống cây trồng trên vùng đất
ven biển tỉnh Thanh Hóa, lúa chiếm tỷ lệ diện tích gieo trồng xấp xỉ 60%. Trên đất chuyên lúa, diện tích gieo trồng 2 vụ lúa một năm thậm chí chiếm trên 90% và diện tích 3 vụ (2 vụ lúa + 1 vụ màu) chiếm tỉ lệ rất nhỏ (5,6%). Sự đa dạng trong hệ thống cây trồng vùng ven biển còn thấp do diện tích các loại rau, màu thấp và lẻ tẻ. Hệ số sử dụng đất thấp, chứng tỏ tiềm năng đất đai hiện có chưa được khai thác tốt và cần khắc phục. Tăng vụ đông trên đất chuyên lúa cũng mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trên đất chuyên màu (vàn và vàn cao), các công thức luân canh khá đa dạng và đều hiệu quả. Các loại rau màu trong cơ cấu luân canh (trên đất lúa hay đất chuyên màu) như dưa chuột, ớt, ngô ngọt, cà chua, bí xanh là những cây trồng có hiệu quả hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận mang lại gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Các loại cây đậu đỗ tuy hiệu quả kinh tế không cao nhưng có tác dụng duy trì và cải thiện chất lượng đất. Do đó, HTCT hiện tại cần được cải tiến theo hướng hiệu quả, bền vững và ít ảnh hưởng tới môi trường. Thách thức lớn nhất trong cải tiến hệ thống cây trồng hiện tại vùng ven biển Thanh Hóa là: i) Diện tích canh tác trên nông hộ nhỏ, manh mún, phân bố rải rác khó áp dụng kỹ thuật để sản xuất hàng hóa có hiệu quả, ii) Sự suy giảm số lượng và già hóa lao động nông nghiệp cũng như chất lượng nguồn nhân lực. Để giải quyết các thách thức, khó khăn hiện tại, sản xuất nông nghiệp cần được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ; người nông dân phải được đào tạo; khuyến khích tích tụ, tập trung đất và liên kết sản xuất.
3) Kết quả nghiên cứu đã tuyển chọn được bộ giống cây trồng để thay thế các giống đại trà và mở rộng diện tích sản xuất: i) Giống lúa Thái xuyên 111 phù hợp trồng ở vụ xuân, giống thuộc nhóm ngắn ngày, cứng cây, có khả năng kháng sâu bệnh và thích ứng tốt, có khả năng chống đổ tốt và cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, cơm mềm dẻo, vị đậm và có mùi thơm nhẹ; ii) Giống đậu tương NAS-S1 phù hợp trồng trong vụ đông/thu- đông trên đất chuyên lúa, giống có thời gian sinh trưởng từ 90 ngày, chiều cao đạt 53,6cm, có khả năng chống đổ tốt và năng suất trung bình cao; iii) Giống lạc L26 phù hợp trồng trong vụ xuân với thời gian sinh trưởng ngắn và năng suất cao, iv) Giống đậu xanh ĐX16 phù hợp trồng trong vụ hè trên đất chuyên màu, giống có thời gian sinh trưởng ngắn, cao trung bình, chống đổ tốt và cho năng suất cao.
4) Tăng vụ, đặc biệt vụ đông và thay thế, mở rộng diện tích giống thích hợp là một trong giải pháp chuyển dịch HTCT mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực nghiệm 1 năm trên đất chuyên lúa với công thức luân canh: lúa xuân (Thái xuyên 111) - lúa mùa (HT9) - đậu tương đông (NAS-S1); trên đất chuyên màu với công thức luân canh: lạc xuân (L26) - đậu xanh hè (ĐX16) - lạc thu đông (L26) đã khẳng định hiệu quả kinh tế. Bổ sung giống cây đậu đỗ cải tiến, rau màu thường xuyên và tăng tỉ lệ vào cơ cấu luân canh trong hệ thống cây trồng vùng đất ven biển Thanh Hóa sẽ giúp cải thiện độ phì đất, cải thiện môi trường, hướng tới nền canh tác bền vững.
5.2. ĐỀ NGHỊ
- Hệ thống cây trồng là hệ thống động phụ thuộc vào công nghệ, điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu thị trường, nên cần thường xuyên xem xét để điều chỉnh, cải tiến, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường của vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa.
- Vì thực nghiệm hệ thống cây trồng cải tiến chỉ thực hiện trong vòng 1 năm với ít loại và giống cây trồng chưa thể hiện được tính mềm dẻo, đa dạng của HTCT, nên cần mở rộng thực nghiệm hệ thống/cơ cấu cây trồng đa dạng hơn với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là rau giá trị cao trên các chân đất canh tác chính của vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa để áp dụng rộng rãi trong thời gian tới.