Để hạn chế tối đa các yếu tố chủ quan và các biểu hiện tiêu cực trong việc thẩm định xét duyệt cho vay, đảm bảo tính khách quan, kịp thời phát hiện các khách hàng kém hiệu quả, dự án kém khả thi. Agribank chi nhánh Gia Lâm cần thực hiện chặt chẽ quy trình xét duyệt thẩm định và cho vay, kiểm tra giám sát tình hình luân chuyển vốn vay. Các giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt công tác thẩm định tín dụng
- Xây dựng và tổ chức tốt hệ thống khai thác và xử lý thông tin phục vụ cho công tác thẩm định tín dụng. Thông tin tín dụng; thông tin khách hàng và các thông tin tài chính tiền tệ; thông tin kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngân hàng trong quá trình thẩm định, phân tích và đánh giá khách hàng để có được quyết định cho vay chính xác. Về mặt kỹ thuật, trước một đề nghị xin vay vốn của khách hàng, câu hỏi đầu tiên của cán bộ thẩm định là: khách hàng này như thế nào? Khách hàng này Ngân hàng có thể tin tưởng để cho vay hay không? Để quyết định cho vay hay không đòi hỏi ngân hàng phải phân tích, đánh giá đúng về khách hàng trên cơ sở nguồn thông tin thu thập được về khách hàng, về phương án SXKD, về dự án đầu tư, về uy tín và vốn kinh doanh của khách hàng, về tài sản đảm bảo ... Các thông tin này đòi hỏi phải đầy đủ, chính xác và kịp thời, phải đảm bảo tính chính xác, an toàn nhằm nâng cao CLTD thì cần một số giải pháp sau:
+ Phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động thông tin tín dụng tại đơn vị, đây là yếu tố hạ tầng, yếu tố công nghệ quan trọng trong điều kiện hiện nay. Chỉ có công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả mới cho phép thu thập, quản
lý và xử lý nguồn dữ liệu lớn, nhanh chóng và chính xác.
+ Thu thập thông tin đầu vào từ nhiều nguồn khác nhau như phỏng vấn người xin vay, sổ sách của ngân hàng, các nguồn thu thập từ các doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vay vốn, các nguồn thông tin từ dịch vụ, các cơ quan cung ứng thông tin và từ các nguồn khác...
+ Tổ chức tốt công tác khảo sát, kiểm tra trực tiếp thực tế tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng mỗi khi có yêu cầu, đề nghị vay vốn ngân hàng. Đây là hoạt động mang tính chất bắt buộc như là nguyên tắc trong quá trình thẩm định khoản vay, chỉ có khảo sát, kiểm tra thực tế khách hàng, kết hợp với các thông tin qua phân tích đánh giá tình hình tài chính, khả năng kinh doanh cũng như hiệu quả của phương án kinh doanh, dự án đầu tư - đối tượng mà khách hàng xin vay vốn để đầu tư, mới giúp cho ngân hàng nhận định, đánh giá đầy đủ và đúng đắn về khách hàng vay vốn, từ đó đưa ra quyết định chính xác nhất.
+ Trong quá trình này ngân hàng cần khai thác tốt nguồn thông tin tín dụng từ CIC để củng cố cho nhận định, đánh giá của mình và nắm bắt được thực tế tình hình quan hệ tín dụng của khách hàng. Thông tin CIC cung cấp chỉ mang tính chất tham khảo, vì thông tin này được tổng hợp từ các TCTD cung cấp, nhưng chưa chắc thông tin nào cũng chính xác, nhất là trong công tác phân loại nợ.
+ Bên cạnh đó ngân hàng cần thu thập thêm thông tin về tình hình đóng thuế, nợ đọng của doanh nghiệp trên trang web của ngành thuế để nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Yêu cầu khách hàng nộp bào cáo tài chính cho Ngân hàng phải có dấu của thuế (báo cáo kiểm toán nếu có) thì mới tương đối chính xác, các báo cáo tài chính DN tự lập nộp cho Ngân hàng tính xác thực không cao. Dan đến việc thẩm định phân tích tình hình tài chính của khách hàng không chính xác, ảnh hưởng đến việc ra quyết định.
- Xác định các yếu tố cần thẩm định đối với từng khoản vay để làm cơ sở thu thập thông tin: Trước khi ra quyết định cho vay, CBTD và lãnh đạo ngân hàng tiến hành các bước thẩm định khách hàng, thẩm định và phân tích khoản vay để xác
định năng lực trả nợ của khách hàng, dự báo những rủi ro tiềm ẩn từ đó đề ra biện pháp quản lý khách hàng để phòng ngừa và hạn chế rủi ro ...
- Thẩm định chặt chẽ tính pháp lý của khoản vay: Tính pháp lý nó như tấm bùa hộ mệnh của Ngân hàng. Vì vậy thẩm định chính xác và đầy đủ hồ sơ pháp lý của khách hàng vay khi giải quyết cho vay sẽ bảo vệ quyền lợi của ngân hàng, giúp cho ngân hàng tránh được những rủi ro nếu có tranh chấp xảy ra. Thông thường, khi thẩm định tính pháp lý của khoản vay và khách hàng vay cần chú ý tránh những sai sót như: cho vay cá thể không đủ năng lực hành vi, cho vay tổ chức thiếu tư cách pháp nhân, người đại diện tổ chức không đủ thẩm quyền quyết định, người đại diện tổ chức không đủ thẩm quyền ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, tài sản đảm bảo chưa đủ pháp lý . là một trong những rủi ro có khả năng gây ra tổn thất nặng nề nhất cho ngân hàng.
- Phân tích và đánh giá chính xác năng lực tài chính và năng lực kinh doanh của khách hàng:
+ Đây là khâu quan trọng nhất trong công tác thẩm định, là cơ sở để quyết định cho vay đúng, do đó ngân hàng cần phải xem xét, đánh giá năng lực của khách hàng vay vốn một cách cẩn thận, dưới nhiều khía cạnh để làm cơ sở thiết lập các yếu tố của khoản vay trong trường hợp ngân hàng đồng ý cho vay như: số tiền cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, phương thức cho vay và các điều kiện ràng buộc đối với khoản vay .
+ CBTD cần áp dụng tốt các kỹ thuật phân tích tín dụng, phân tích tài chính là việc xác định những điểm mạnh và những điểm yếu hiện tại của Doanh nghiệp qua việc tính toán và phân tích những chỉ tiêu khác nhau sử dụng những số liệu từ các Báo cáo tài chính. CBTD cần phải tìm ra được các mối liên hệ giữa các tỷ số tính toán được để có thể đưa ra những kết luận chính xác về khách hàng. Hoàn toàn không có một chuẩn mực nào cho phần phân tích theo từng tỷ số. Một hoặc một số chỉ số là tốt cũng chưa thể kết luận là công ty đang trong tình trạng tốt. Mà phải xem xét mối quan hệ giữa các tỷ số là mục đích cuối cùng để đưa ra kết luận về tình hình của khách hàng.
+ Đánh giá năng lực tài chính của khách hàng vay giúp cho ngân hàng nắm được thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh, thực trạng về triển vọng và khả năng thanh toán của khách hàng thông qua phân tích chỉ tiêu về cơ cấu tài sản có, tài sản nợ, cơ cấu bố trí tài sản cố định và tài sản lưu động để đánh giá tính phù hợp của việc bố trí cơ cấu nguồn vốn, đánh giá các chỉ tiêu tài sản có trong khâu dự trữ và khâu luân chuyển cho phù hợp với loại hình và tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng hay không, phân tích các chỉ tiêu khả năng thanh toán để đánh giá tính cân đối của việc sử dụng tài sản nợ và khả năng tự chủ về tài chính, phân tích các chỉ tiêu vòng quay hàng tồn kho, kỳ thu tiền bình quân, doanh thu trên tổng tài sản để đánh giá khả năng và triển vọng của khách hàng, các khoản phải thu, các khoản phải trả, phân tích các chỉ tiêu thu nhập để đánh giá hiệu quả hoạt động của khách hàng ...
+ Năng lực kinh doanh của khách hàng được đánh giá qua các yếu tố như: máy móc thiết bị, công nghệ hiện có, các yếu tố đầu vào (như: nguyên liệu, lao động), các yếu tố đầu ra.
Thứ hai, thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát khoản vay
- Nâng cao vai trò của công tác kiểm tra giám sát khoản vay là công việc rất quan trọng để đảm bảo chất lượng cho vay. Do đó, khi Ngân hàng mở rộng đầu tư tín dụng để nâng cao CLTD thì vai trò của công tác thanh tra, kiểm soát phải được nâng lên ở mức tương xứng.
- Thông qua quá trình kiểm tra, giám sát vốn cho vay, Ngân hàng phải thường xuyên đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng. Nếu phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm... thì Ngân hàng phải thực hiện xử lý theo quyết định của pháp luật và các hợp đồng đã ký kết với Ngân hàng. Điều này là rất cần thiết bởi vì trong quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng, phải qua nhiều thời gian mới bộc lộ những khuyết điểm nhất định. Trên thực tế công việc này chưa được quan tâm đúng mức, nhiều vụ án lừa đảo, chiếm đoạt liên quan đến hoạt động ngân hàng mà rủi ro tín dụng xuất phát từ chính nguyên nhân do chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát khoản vay. Vì thế phải giám sát khách hàng vay vốn theo dõi
kịp thời khả năng rủi ro có thể xảy ra để có biện pháp đối phó thích hợp nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng.
- Trong thực tế, việc giám sát vốn vay của khách hàng lại tuỳ thuộc vào khả năng, trình độ và từng điều kiện cụ thể của CBTD. Nhất là trong điều kiện hiện nay báo cáo số liệu của các DN ngoài quốc doanh thường có độ tin cậy thấp ngoài vòng kiểm soát của cơ chế hiện hành thì việc giải quyết khoa học thông tin sai sự thật một cách hữu hiệu là một vấn đề còn nhiều lúng túng. Bởi vì, hiện nay ta chưa có biện pháp tích cực buộc các doanh nghiệp phải thực hiện đúng luật kế toán- thống kê và thực hiện kiểm toán bắt buộc hàng năm đối với tất cả các doanh nghiệp. Vì vậy phải tăng cường hiệu quả của giám sát vốn vay trong hoạt động của Ngân hàng với yêu cầu phải có chương trình giám sát riêng, cán bộ của bộ phận này phải có năng lực về đánh giá hoạt động tín dụng ở cả hai phía khách hàng và Ngân hàng. Những người làm công tác này không liên quan đến hoạt động cho vay, thu nợ. Nhiệm vụ của bộ phận này là đánh giá tình hình hoạt động tín dụng nói chung, CLTD nói riêng để kiến nghị với các cấp lãnh đạo các biện pháp nhằm thiết lập hệ thống phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra với hoạt động kinh doanh của Ngân hàng mình. Cần phân biệt rõ chức năng, trách nhiệm của từng bộ phận, của từng CBTD, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ chuyên môn.
- Có kế hoạch kiểm tra, giám sát khách hàng vay vốn để nắm bắt tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng. Định kỳ và đột xuất kiểm tra tình hình thực tế khách hàng, tài sản đảm bảo nợ vay (nhất là các khỏan vay thế chấp bằng hàng tồn kho, hàng luân chuyển, thế chấp hàng hóa hình thành trong tương lai, động sản...) và phải có biện pháp kiểm tra cụ thể như: căn cứ vào hợp đồng vay vốn, hợp đồng kinh tế của khách hàng, hóa đơn, chứng từ mua bán, chứng từ bảo lãnh, cam kết thanh tóan,.nhằm phát hiện kịp thời hành vi gian lận, thiếu trung thực của khách hàng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nợ hiệu quả.