Với xu thế phát triển tất yếu của CVTD, cùng với những lợi ích phát triển CVTD
mang lại cho cá nhân và xã hội, Chính phủ cần có những biện pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích và tạo những điều kiện thuận lợi để loại hình cho vay này phát triển.
Thứ nhất, Chính phủ cần xây dựng và tạo lập một hành lang pháp lý thông thoáng, cởi mở cho hoạt động CVTD ở góc độ vĩ mô cho ngành ngân hàng, cụ thể là sớm ban hành Luật CVTD để các NHTM thống nhất thực hiện theo quy chế chung. Điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng chủ động trong việc xây dựng chiến lược phát triển, phát triển tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích kinh doanh của ngân hàng mà vẫn tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro. Để xây dựng được văn bản Luật có tính đặc thù này, Chính phủ cần sớm phối hợp các ban ngành có liên quan với nhau chuẩn bị cho việc soạn thảo, trong quá trình này cần phải nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm của các nước khác để vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế ở Việt Nam. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, đặc biệt là vấn đề quy trình, thủ tục và tính thống nhất trong các quy định. Những thủ tục rườm rà, phức tạp, mang nặng tính hành chính cần phải được loại bỏ dần để tạo điều kiện cho đầu tư trong và ngoài nước phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân chúng là những đối tượng trực tiếp của CVTD. Mọi sự chuẩn bị chu tất đều
cần thiết cho dù hoạt động CVTD tại Việt Nam còn hạn chế và cần có sự nỗ lực từ nhiều phía trong một thời gian dài nữa.
Thứ hai, Chính phủ cần phối hợp với các ban ngành để tháo gỡ vấn đề xử lý tài
sản đảm bảo khi bán phát mại tài sản cũng như vấn đề các NHTM nhận lại tài sản đảm
khi phát sinh nợ xấu một cách thông thoáng và kịp thời hơn.
Thứ ba, nhà nước cần ổn định môi trường vĩ mô của nền kinh tế, cần xác định rõ chiến lược phát triển kinh tế, hướng đầu tư cũng như có chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần một cách ổn định, lâu dài, đúng định hướng. Cụ thể, mục tiêu phát triển kinh tế, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, ổn định thị trường, ổn định giá
cả, thực hiện chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng được coi là những nhiệm vụ hàng đầu và thường xuyên. Chính việc Nhà nước tạo ra một môi trường kinh tế chính trị xã hội ổn định và lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho quá trình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống của dân cư, khiến cho khả năng tích luỹ và tiêu dùng của công chúng ngày càng tăng lên, thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng. Hơn nữa, việc có được một môi trường ổn định cũng giúp cho các doanh nghiệp an tâm tiến hành sản xuất kinh doanh, đáp ứng các nhu cầu đa dạng, phong phú về hàng hoá dịch vụ tiêu dùng của dân cư, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Chính phủ cần cơ cấu lại các ngành nghề trong nền kinh tế, quan tâm,
ưu đãi các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, các ngành nghề truyền thống và các ngành dịch vụ phục vụ đời sống, tạo ra nhiều sản phẩm, kích thích tiêu dùng.
Nhân rộng mô hình tiêu thụ hàng hoá thông qua uỷ thác, đại lý, mua trả chậm, trả góp đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở, hàng tiêu dùng lâu bền nhằm tăng điều kiện, khả năng tiêu dùng hàng hoá. Đẩy mạnh thương mại nông thôn, miền núi bằng cách phát triển mạng lưới thương nghiệp ở vùng ven đô, vùng sâu, vùng xa, hải đảo tạo liên kết thương mại giữa các vùng miền trong nước. Phát triển mạnh hệ thống chợ
đẩy sản xuất nâng cao thu nhập của khu vực nông thôn từ đó tăng dần nhu cầu sử dụng sản phẩm cho vay của ngân hàng phục vụ sản xuất cũng như tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên hỗ trợ các NHTM trong việc phổ biến kiến thức, thông tin tuyên truyền về hoạt động CVTD của ngân hàng, tạo ra các chính sách hỗ trợ, ưu tiên nhằm khuyến khích sự phát triển của hoạt động CVTD. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần chấn chỉnh hoạt động của mình trong phạm vi có liên quan, như việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, hạn chế các sai sót, tiêu cực trong công tác này nhằm bảo vệ quyền hạn của các ngân hàng trong vấn đề liên quan đến cầm cố, thế chấp.