Một số chương trình được triển khai tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu Xây dựng tổng quan tài liệu về thực trạng và một số chương trình can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng prôtêin – năng lượng cho trẻ em dưới 5 tuổi tại việt nam và các nước đang phát triển (Trang 26 - 30)

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG CAN THIỆP VÀ PHÒNG CHỐNG SDD TRẺ DƯỚI 5 TUỔ

2.Một số chương trình được triển khai tại Việt Nam.

Hiện nay, công tác phòng chống SDD trẻ em đã trở thành một hoạt động dinh dưỡng thường xuyên và quan trọng ở nước ta, trong đó mục tiêu hạ thấp tỷ lệ SDD được đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền, các địa phương [1] [58]. Công tác phòng chống SDD trẻ em đã có được sự tham gia tích cực của toàn xã hội và của cả hệ thống chính trị. Định hướng xã hội hoá công tác phòng chống SDD đã tỏ ra hoàn toàn hợp lý và đúng đắn.

Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010 đã được phê duyệt với các nội dung toàn diện [3]. Phương châm dự phòng là chủ đạo, tức là thực hiện chăm sóc sớm, chăm sóc mọi đứa trẻ, tập trung ưu tiên trong giai đoạn 2 năm đầu tiên và cải thiện dinh dưỡng theo chu kỳ vòng đời [3] [58].

Chiến lược chăm sóc sớm:

Chiến lược này coi việc chăm sóc dinh dưỡng cần được bắt đầu từ bà mẹ trước khi có thai, trong thời gian có thai đề phòng SDD bào thai, mọi trẻ em cần được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt ngay từ khi sinh. Đặc biệt chú trọng chăm sóc dinh dưỡng trong 2 năm đầu tiên của cuộc đời. Chiến lược chăm sóc sớm đòi hỏi các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng thực hiện cho mọi đứa trẻ và mọi bà mẹ.

Chiến lựơc ưu tiên đặc thù:

Chiến lược này gồm các can thiệp đặc thù dựa trên phân tích tình hình thực tế từng địa phương, theo đó cần tập trung các ưu tiên can thiệp nhằm giảm tỷ lệ SDD thấp còi ở các vùng khó khăn, can thiệp dinh dưỡng khẩn cấp khi cần và dự phòng thừa cân, béo phì ở một số khu vực. Như vậy, hoạt động phòng chống SDD là

không giống nhau cho các vùng.

Chiến lược cải thiện dinh dưỡng theo chu kỳ vòng đời:

Chiến lược này dựa trên sự thừa nhận các bằng chứng khoa học về mối liên hệ chặt chẽ, liên tục và tình trạng dinh dưỡng, hậu quả đối với sức khoẻ của nó trong suốt các giai đoạn của cuộc đời. Các can thiệp dinh dưỡng cần mở rộng trên các đối tượng khác nhau, kể cả học sinh và vị thành niên. Chiến lược này đòi hỏi các hoạt động dinh dưỡng cần áp dụng cho mọi thành viên trong gia đình. Dựa trên các định hướng chiến lược này, các hoạt động phòng chống SDD có những thay đổi về ưu tiên cao cho bà mẹ và trẻ em dưới 2 tuổi, ưu tiên địa phương trọng điểm và mở rộng tới mọi thành viên gia đình. Mục tiêu chung là cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em về cân nặng chiều cao, giảm SDD xuống mức trung bình theo phân loại của WHO, thanh toán SDD mức rất cao ở các vùng sinh thái, khống chế vấn đề thừa cân/béo phì ở trẻ em. Phấn đấu đến năm 2010, giảm tỷ lệ SDD thể nhẹ cân trên cả nước xuống dưới 20%, giảm SDD thể thấp còi xuống 20%, thanh toán tỷ lệ suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) trên 30% ở tất cả tỉnh và vùng sinh thái trên cả nước, đồng thời khống chế tỷ lệ trẻ bị thừa cân trên cả nước dưới 5%.

Các biện pháp phòng chống SDD bao gồm:

Bảng 3: Các biện pháp phòng chống SDD tại Việt Nam giai đoạn 2000-2010

STT Biện pháp phòng chống

1 Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng và sức khoẻ cho bà mẹ có thai, nuôi con bú

2 Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ 3 Thực hiện ăn bổ sung hợp lý

4 Đảm bảo bổ sung đầy đủ Vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh 5 Thực hiện nuôi dưỡng tốt khi trẻ bị bệnh

6 Tổ chức giáo dục, tư vấn dinh dưỡng tại cộng đồng và tại gia đình, theo dõi biểu đồ phát triển

Theo định hướng đó, trong thời gian qua có một số chương trình đã được triển khai với nỗ lực nhằm làm giảm tỷ lệ SDD trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam.

1994 với những thành quả vượt bậc bằng việc hạ thấp tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi từ 45% (1994) xuống còn 26,6% (2004) và còn khoảng 20% (2008) [54]. Kết quả này được UNICEF đánh giá là ấn tượng và Việt Nam là nước duy nhất có mức giảm SDD nhanh trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Để thực hiện được những kết quả như vậy, chương trình đã đi theo một chiến lược đúng hướng và khả thi, bao gồm chiến lược dự phòng, chiến lược ưu tiên (tập trung vào các trẻ dưới 2 tuổi và các xã khó khăn), và chiến lược xã hội hoá [55]. Chương trình đã vận động được sự tham gia sâu rộng của cộng đồng và bộ máy chính trị. Tất cả các tỉnh, thành đều có ban chỉ đạo phòng chống SDD. Chỉ tiêu giảm SDD trẻ em được đưa vào là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của từng tỉnh, thành phố. Ngân sách nhà nước cấp cho chương trình tăng đều hàng năm, và tổng kinh phí được cấp cho giai đoạn 2001-2005 là 200 tỷ đồng [55], riêng năm 2008 được chi 95 tỷ đồng [60]. Hiện nay tại 100% trạm y tế xã trong cả nước có cán bộ y tế (10.695) chuyên trách các hoạt động phòng chống SDD trẻ em, 95% số thôn bản có cộng tác viên dinh dưỡng (91.404), là lực lượng quan trọng trong thành công của chương trình.

Chương trình Điển hình tích cực – nâng cao các kỹ năng cho trẻ ăn bổ sung (Chương trình dinh dưỡng và phát triển cộng đồng, tổ chức Cứu trợ trẻ em Mỹ SC/US) [11]. Các hoạt động theo dõi sức khoẻ trẻ em: tất cả các trẻ em dưới 3 tuổi sẽ được cân 2 tháng/1 lần. Chương trình giáo dục và phục hồi dinh dưỡng, tất cả trẻ em bị SDD độ II và III sẽ được tham gia chương trình này (được tổ chức hàng tháng và kéo dài trong 12 ngày). Đến thăm gia đình: đến thăm vài lần các gia đình có trẻ em dưới 3 tuổi và đưa ra những lời khuyên hữu ích trong việc nuôi dạy con cái. Các hoạt động này đều do các tình nguyện viên y tế (người trong cộng đồng hay cán bộ của chương trình) đảm nhiệm. Thành công: các điển hình tích cực đã góp phần thay đổi hành vi và nhận thức của mọi người. Đánh giá sau can thiệp đã cho thấy các gia đình vẫn duy trì cách nuôi trẻ mà họ đã học được qua khoá học và trẻ em tại các gia đình này vẫn tiếp tục tăng cân đều đặn.

Dự án thí điểm phòng chống SDD trẻ em dựa vào cộng đồng (2000)(Uỷ ban BVCSTEVN, ĐH Y khoa Thái Bình) [12]. Dự án đượcthực hiện thí điểm tại một số khu vực nông thôn có tỷ lệ SDD cao, trên đối tượng chính là trẻ em dưới 2

tuổi. Dự án bao gồm các nội dung hoạt động: truyền thông giáo dục dinh dưỡng, theo dõi thúc đẩy tăng trưởng, giáo dục thực hành dinh dưỡng, quản lý giám sát và thành lập quỹ dinh dưỡng. Dự án đã xây dựng được mạng lưới CTV dinh dưỡng chất lượng, có được sự cam kết của cộng đồng và một nghiên cứu đánh giá được thực hiện sau 2 năm. Kết quả, sau 2 năm, tỷ lệ SDD giảm hơn 10%. Kiến thức và thực hành chăm sóc bà mẹ có thai, nuôi con bú của cộng đồng đã có sự thay đổi rõ rệt, do đó đã giảm tỷ lệ bà mẹ mắc sai lầm trong khi nuôi con nhỏ, góp phần làm giảm tỷ lệ SDD ở những trẻ em sâu này. Điểm mạnh của dự án là đảm bảo được tính bền vững, duy trì các hoạt động của dự án sau khi hết tài trợ của trung ương thông qua việc đào tạo, xây dựng mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng tại xã. Tuy nhiên, hạn chế là kinh phí đầu tư ban đầu quá lớn.

Các biện pháp bổ sung vitamin và vi chất cũng được ứng dụng trong phòng chống SDD. Chương trình phòng chống thiếu vitamin A và bệnh khô mắt được triển khai với sự phối hợp của Viện Dinh Dưỡng, Viện Mắt Trung ương và Viện Nhi Trung ương từ những năm 1988. Các hoạt động được áp dụng gồm có huấn luyện cho cán bộ y tế, giáo dục cho cộng đồng, tạo nguồn thực phẩm tại gia đình, giám sát các bệnh nhiễm khuẩn, tăng cường vitamin A trong môt số thực phẩm và bổ sung vitamin A liều cao. Tháng 6 và tháng 12 là thời điểm cho trẻ uống bổ sung vitamin A tại nước ta.

Ngoài các chương trình trên, bổ sung thực phẩm cũng là một giải pháp đã được áp dụng. Chúng ta có chương trình bổ sung thực phẩm PAM 2651 và PAM 3844 những năm 1980-1990, giai đoạn nước ta còn thiếu lương thực, thực phẩm. Chương trình PAM 3844 cũng bao gồm cả hoạt động bổ sung viên sắt. Chúng ta cũng đã vận hành thành công chương trình phòng chống thiếu máu từ năm 1993 [1] [3].

IV. KẾT LUẬN

Nhìn chung, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi được cải thiện rõ rệt, không chỉ tại Việt Nam mà tại nhiều các quốc gia trên thế giới. Hầu hết các quốc gia đều nỗ lực nhằm làm giảm tỷ lệ SDD trẻ em song song với mục tiêu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ SDD trẻ em còn cao tại nhiều nước, đặc biệt tập trung tại khu vực Châu Phi và Nam Trung Á, là một điều hết sức đáng quan ngại. SDD,

trong khi hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát được, lại đang gây ra 2,1 triệu cái chết cho trẻ em dưới 5 tuổi, đồng thời cũng chiếm đến 35% gánh nặng bệnh tật toàn cầu trong lứa tuổi này [36] thực sự là một thách thức cho toàn thế giới.

SDDlà hậu quả phức tạp của nhiều nguyên nhân trải rộng từ các tác động trực tiếp là thực hành ăn uống và chăm sóc sức khoẻ đến căn nguyên có tính xã hội. Hiệu quả của các hoạt động chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng đã tác động tới nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân tiềm tàng của SDD, trong khi các thành tựu phát triển xã hội tác động tới nguyên nhân cơ bản cũng như nguyên nhân tiềm tàng của SDD.

Công cuộc đổi mới toàn diện về mọi mặt kinh tế xã hội của đất nước ta trong những năm qua đã và đang tác động mạnh mẽ đến tình trạng dinh dưỡng của nhân dân nói chung và trẻ em nói riêng. Các số liệu điều tra toàn quốc cho thấy tỷ lệ SDD trẻ em Việt Nam đang giảm đi. Kết quả giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi phản ánh một cách tổng hợp những nỗ lực vượt bậc của công cuộc kiến quốc, sự phân phối các lợi ích của tăng trưởng kinh tế, sự tiến bộ trong các lĩnh vực văn hoá-xã hội, giáo dục, tấn công nghèo đói và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Chúng ta ghi nhận những thành tựu đạt được trong nỗ lực giảm tỷ lệ SDD trẻ em, nhưng cần phải xác định rõ phòng chống SDD là một nhiệm vụ bền bỉ và cần phải được tiến hành đồng thời trên nhiều mặt trận. Giải quyết vấn đề SDD đòi hỏi sự kết hợp liên ngành chặt chẽ ở mọi cấp. Cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống SDD trẻ em để duy trì mức giảm tỷ lệ SDD bền vững, tiến kịp mức các nước hàng đầu trong khu vực.

Một phần của tài liệu Xây dựng tổng quan tài liệu về thực trạng và một số chương trình can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng prôtêin – năng lượng cho trẻ em dưới 5 tuổi tại việt nam và các nước đang phát triển (Trang 26 - 30)