Theo kết quả của nghiên cứu, yếu tố tài chính có ảnh hưởng lớn đến KNTƯ của nhóm hộ nghèo - cận nghèo với BĐKH. Bởi nhóm đối tượng này có các nguồn vốn và tài sản sở hữu ít, tay nghề lao động đơn giản, sinh kế phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên thủy sản và tài nguyên ven biển. Sinh kế chính của nhóm đối tượng này là khai thác, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp. Do hạn chế về nguồn vốn tài chính cũng như khó tiếp cận các nguồn vốn vay do không có tài sản thế chấp nên mô hình sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản của nhóm đối tượng này chủ yếu là thủ công, nên giá trị kinh tế chưa cao. Các hiện tượng xâm nhập mặn, hạn hán, sẽ càng làm gia tăng tình trạng đất đai khô cằn, bạc màu, môi trường nhiễm mặn từ đó tác động đến sinh kế của người dân đã khó khăn lại trở nên khó khăn hơn thậm chí là thiếu ổn định và không bền vững. Trước tình trạng này các giải pháp liên quan đến khía cạnh tài chính để nâng cao KNTƯ của hộ nghèo - cận nghèo với BĐKH được đề xuất như sau:
1) Thứ nhất, cần đảm bảo các sinh kế ổn định và có KNTƯ với BĐKH. thông qua việc hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ nguồn lực, công nghệ con giống và cây giống, công nghệ bảo quản, cấp đông, kỹ thuật nuôi trồng, đất đai, tàu thuyền,
lồng bè để tạo động lực giúp nhóm hộ nghèo - cận nghèo phát triển các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản dựa vào công nghệ cao như: tăng tỷ trọng sản xuất lương thực, thực phẩm sạch, chất lượng cao; xây dựng và đầu tư công nghệ và thông minh với BĐKH; chuyển đổi giống cây trồng có khả năng chống chịu tốt với BĐKH, áp dụng các biện pháp tưới tiêu hiệu quả, phát triển các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp. Chuyển đối hình thức khai thác và nuôi trồng thủy sản; cải tiến phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản v.v
2) Thứ hai, đa dạng hóa các hoạt động sinh kế thích ứng với BĐKH. Thực tế cho thấy, các hộ trung bình - khá giả có quá trình chuyển đổi hoạt động sinh kế khá đơn giản và nhanh chóng, vì đa dạng sinh kế là giải pháp quan trọng và có ý nghĩa đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế. Sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động nông nghiệp, khai thác và nuôi trồng thủy sản truyền thống và các hoạt động phi nông nghiệp khác như du lịch, dịch vụ, công nghiệp… đã tạo ra sự đa dạng phong phú đối với sinh kế có KNTƯ với BĐKH. Sinh kế được đa dạng hóa không chỉ tạo thêm thu nhập, đảm bảo ổn định cuộc sống của cư dân ĐTVB, bên cạnh các hoạt động sinh kế truyền thống mà đa dạng sinh kế còn góp phần tăng hiệu quả sản xuất, phát triển các năng lực và giảm đói nghèo. Tuy nhiên, đối với hộ nghèo - cận nghèo giải pháp chuyển đổi các hoạt động sinh kế để thích ứng với BĐKH là một giải pháp vô cùng quan trọng nhưng lại tương đối khó khăn thậm chí khó có thể thực hiện được. Bởi một số nguyên nhân như vấn đề tuổi tác, trình độ lao động thấp, vốn tài chính hạn chế, quan hệ xã hội ít, tài sản có giá trị không cao... Vì vậy, để đa dạng hóa sinh kế cho nhóm đối tượng này cần hỗ trợ nguồn vốn vay ban đầu cũng như hỗ trợ các thông tin về phương thức làm ăn, kinh nghiệm nghề nghiệp; tăng cường các lớp đào tạo, dạy nghề cho các lao động; thực hiện việc di cư và xuất khẩu lao động; tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của hộ nghèo - cận nghèo vào việc phát triển dịch vụ, du lịch địa phương v.v
3) Thứ ba, đẩy mạnh việc gia tăng thu nhập cho hộ nghèo - cận nghèo thông qua các hoạt động như: đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ vay vốn để tập trung đầu tư và phục hồi sản xuất là một giải pháp trực tiếp, kịp thời, hiệu quả đối với người dân khi thiên tai xảy ra; hạn chế chi tiêu để có tích lũy chủ động phòng tránh thiên tai và ứng phó với BĐKH.