2. Tâm lý người bệnh chuyên khoa
2.5. Tâm lý người bệnh nhi khoa
Nói chung trẻ em có những điểm nổi bật về tâm lý: dễ lo sợ phản ứng, rất nhạy cảm với cái đau, sợ uống thuốc đắng, rất dễ có ấn tượng các thầy thuốc, sợ phải tách khỏi bố mẹ, sợ sẽ phạm lỗi lầm và bị trừng phạt vì hoang mang không biết ứng xử như thế nào, sợ hãi mất quyền tự chủ, mất năng lực, mất quyền riêng.
- Trẻ dưới 6 tháng: có những rắc rối tâm lý không đáng kể, tác động tâm lý thường vào các bậc cha mẹ.
- Trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi: thuộc nhóm đặc biệt nhạy cảm chúng hầu như sợ hãi bị đau, phải xa bố mẹ và sợ người lạ, vật lạ. phản ứng của các cháu thường rất mãnh liệt mới thấy bệnh viện, áo trắng, dụng cụ y tế kim tiêm đã la hét, hết hoảng, bỏ chạy... Nếu những lần đầu đến viện chúng ta không chuẩn bị tâm lý tốt cho trẻ mà đã trói ép trẻ thực hiện các thủ thuật như cắt amidan... sẽ khiến trẻ sợ hãi, chống cự và có trẻ chết vì bị quá sợ hãi.
Người làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho trẻ cần tôn trọng các sinh hoạt của trẻ cũng như những sở thích thói quen; không nên gò ép, doạ dẫm trẻ mà nên dùng ánh mắt, lời nói cử chỉ để động viên an ủi trẻ.
Người thầy thuốc phải luôn chân tình, thương yêu thực sự các cháu như con mình. Lúc nào cũng thể hiện tình yêu thương vỗ về, dỗ dành, khuyến khích động viên bằng thái độ thân thương gần gũi trò chuyện, động viên tính dũng cảm chịu đựng mau lành bệnh.
Luôn giữ gìn vệ sinh sạch đẹp cho các cháu, ăn mặc tươm tất làm cho trẻ vui thích quan tâm tới việc ăn uống đầy đủ, không để trẻ bị đói.
Khi các cháu ra viện cần ân cần dặn dò chu đáo.